Cây bạch thược có tác dụng gì?

Cây bạch thược được xem là một vị thuốc quý hiếm, có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh đau bụng, kiết lỵ, chóng mặt, đau đầu... Hiện nay, công dụng của bạch thược đang dần trở nên quan trọng trong các bài thuốc Đông Y.

1. Cây bạch thược - vị thuốc quý từ Sapa

Cây bạch thược có nhiều tên gọi, trong đó tên gọi quen thuộc trong dân gian thường là dư dung, ngưu đình hay kỳ tích... Tuy nhiên, tên thường dùng nhất của loại thực vật này vẫn là bạch thược. Về khoa học, tên chính thức của cây bạch thược là Paeonia lactiflora pall, thuộc họ Mao Lương.

Bạch thược phân bố rất nhiều ở các vùng có độ ẩm và có ánh sáng, đặc biệt là các vùng có khí hậu ôn đới, vùng cao, nhiệt độ quanh năm nên dao động từ 15 độ C đến 30 độ C. Thời gian thu hoạch của cây bạch thược kéo dài, thường một cây trưởng thành cần đến 4 đến 5 năm mới thu hoạch được.

Về đặc điểm nhận diện, bạch thược là một loại cây có thân thẳng và không có lông trên thân. Loại cây này là giống thực vật mọc thấp, chiều cao trung bình của cây dao động từ 50cm đến 80cm, tuy nhiên lại có phần lá dài, thậm chí có lá bạch thược dài đến 30cm. Đường kính của mỗi lá dao động từ 1cm - 3cm.

Mẹo nhận biết loại cây này là quan sát ở phần mép lá nguyên của lá bạch thược, lá cũng có màu xanh nhạt hoặc màu xanh sẫm. Một cây bạch thược trưởng thành sẽ bắt đầu ra hoa với kích thước lớn. Hoa bạch thược mọc đơn lẻ và có màu trắng hoặc màu hồng nhạt.

Mùa hoa của cây bạch thược thường đến vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, mỗi hoa thường chứa từ 20 đến 30 hạt bạch thược, hình dáng hơi lép.

Đại đa số bộ phận của cây bạch thược đều được sử dụng làm dược liệu. Bộ phận được ứng dụng rộng rãi nhất trong Đông Y là phần rễ cây với hình dạng củ, kích thước lớn, phần chùy thường dài từ 15cm đến 20cm. Phần rễ của cây bạch thược thường mỏng, có màu nâu nhạt, sau khi cắt ram bên trong có màu trắng và mịn trên bề mặt, hương thơm nhẹ nhàng.


Giải đáp bạch thược có tác dụng gì?
Giải đáp bạch thược có tác dụng gì?

2. Về dược lý, bạch thược có tác dụng gì?

Cây bạch thược theo Y học hiện đại có một hàm lượng hoạt chất khổng lồ, bao gồm tinh bột, paeoniflorin, tamin, albiflorin, benzoyl-paeoniflorin, paeonolde, paeonol,... với nhiều công dụng khác nhau liên quan đến sức khỏe.

Còn trong Y học cổ truyền, tác dụng của bạch thược được ghi chép cụ thể như sau:

  • Hoạt chất Glucozit có trong cây bạch thược có tác dụng an thần và giảm đau hiệu quả nhờ cơ chế ức chế trực tiếp vùng trung khu của hệ thần kinh.
  • Sự phối hợp của nhiều hoạt chất trong bạch thược có khả năng hạn chế sự tụ máu do tăng tiểu cầu, tăng cường lưu thông khí huyết, đồng thời có tác dụng bảo vệ và hạ men gan khi sử dụng bia rượu.
  • Hoạt chất Paeoniflorin trong bạch thược cũng được chứng minh có khả năng ức chế tình trạng co bóp của ruột, dạ dày và thậm chí là tử cung ở phụ nữ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy thành phần này có khả năng cải thiện chứng suy giảm trí nhớ của người cao tuổi.
  • Acid Benzoic có trong phần rễ cây bạch thược thường áp dụng trong điều trị bệnh ho và tiêu đờm.
  • Bạch thược dược liệu trong Đông Y chủ yếu có thể khắc phục vấn đề rối loạn kinh nguyệt, tiêu viêm và cải thiện chứng đau dạ dày.

3. Bạch thược có tác dụng gì theo khoa học hiện đại?

Không chỉ trong Y học Cổ truyền, cây bạch thược đã chứng minh được rất nhiều tác dụng của nó ngay cả trong các nghiên cứu của Y học hiện đại.

3.1. Điều trị vấn đề nội tiết tố nhờ bạch thược

Nghiên cứu này được tiến hành tại trường Đại học RMIT, Úc, cho thấy hoạt chất phytoestrogen có trong cây bạch thược với cấu trúc gần giống như estrogen - một loại hormone sinh dục nữ. Điều này chính là cơ sở để củng cố khả năng điều trị các vấn đề của phụ nữ như vô kinh, rối loạn kinh nguyệt...

Ngoài ra, một nghiên cứu khác được đăng tải trên Tạp chí Y học Trung Quốc - Hoa Kỳ vào năm 1991 cho thấy, paeoniflorin có trong cây bạch thược có khả năng ức chế sự sản xuất testosterone, đồng thời thúc đẩy hoạt động của enzyme aromatase - loại enzym chuyển testosterone thành estrogen. Vào năm 2012, một lần nữa, tác dụng của enzyme này đã được khẳng định trong việc kháng nội tiết tố androgen trong nghiên cứu của bệnh viện Kings College, Anh quốc.

3.2. Điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu

Gần đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Y học Cổ truyền Sơn Đông vào năm 2020 đã công bố một nghiên cứu liên quan đến bạch thược với khẳng định: chiết xuất từ cây bạch thược có khả năng cải thiện các vấn đề về rối loạn lo âu, đặc biệt là rối loạn lo âu trong hội chứng tiền kinh nguyệt. Điều này được giải thích do bạch thược có tác động trực tiếp đến thụ thể estrogen và tryptophan hydroxylase-2 cũng như chất vận chuyển serotonin. Từ đó, hoạt động của serotonin được tăng cường, đem lại công dụng chống trầm cảm và giảm căng thẳng của bạch thược.


Bạch thược có tác dụng điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu
Bạch thược có tác dụng điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu

3.3. Điều trị vấn đề tiêu hóa

Dịch chiết từ bạch thược có tác dụng bảo vệ dạ dày thông qua hoạt động chống oxy hóa. Hiệu quả bảo vệ của loại dịch chiết này lên đến 88.8% trước các loại tác nhân gây loét dạ dày. Bên cạnh đó, hoạt chất paeoniflorin có trong bạch thược có thể hỗ trợ rất nhiều bệnh lý về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày..., đồng thời cải thiện và tăng cường chất lượng của giấc ngủ.

Vào năm 2019, nghiên cứu tại đại học Thẩm Dương, Trung Quốc cũng phát hiện tác dụng của bạch thược trong việc tăng cường số lượng lợi khuẩn trong dạ dày. Nhờ đó củng cố sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt có lợi với đối tượng bị rối loạn tiêu hóa.

3.4. Tác dụng chống viêm - điều hòa miễn dịch của cây bạch thược

Tác dụng của bạch thược, thông qua 15 loại glycosid, cũng bao gồm điều trị một số bệnh tự miễn dịch, bao gồm lupus ban đỏ, bệnh vẩy nến hay viêm khớp dạng thấp. Đồng thời, bạch thược cũng có thể chống lại các tổn thương trong cơ quan, kháng viêm, giảm đau, bảo vệ hệ thần kinh và tim mạch.

Có thể nói, cây bạch thược là một vị thuốc rất quý và có vô số công dụng hữu ích cho sức khỏe. Tác dụng của cây bạch thược không chỉ được công nhận thông qua các bài thuốc Đông Y, mà còn có cả các nghiên cứu khoa học chứng minh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe