Cây ba chạc có tác dụng gì?

Cây ba chạc là một vị thuốc trong Đông Y có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như chống ngứa, thanh nhiệt, khử trùng các vết thương và vết loét hở... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ cây ba chạc là cây gì. Hãy cùng tìm hiểu thông tin về cây ba chạc thông qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về cây ba chạc

Cây ba chạc là một vị thuốc Đông y cực kì phổ biến ở vùng Tây Bắc, còn có tên gọi khác là cây dầu dấu, cây bí bái, cây mạt, cây chè đắng... tùy theo vùng miền. Tên khoa học của loại cây này là Euodia Lepta Merr., thuộc họ cam.

Ba chạc là cây thuộc nhóm thân gỗ, có kích thước lớn, chiều cao trung bình lên tới 4 - 5 mét. Loài cây này mọc hoang ở nhiều vùng đất từ miền núi xuống đồng bằng, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi bao gồm Quảng Nam, Lâm Đồng, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái... Cây ba chạc cũng mọc ở một số quốc gia khác như Philippine, Trung Quốc...

Trong Đông Y, các thầy thuốc sử dụng gần như toàn bộ cây, bao gồm cành nhỏ, thân, rễ và lá... để bào chế thành thuốc. Trong đó, sử dụng nhiều nhất là rễ và lá cây ba chạc. Thông thường, thân lá thường dùng khi còn tươi, còn rễ cây ba chạc thì được thái mỏng và phơi khô.


Cây ba chạc là cây gì là câu hỏi của nhiều người trước khỉ sử dụng dược liệu này
Cây ba chạc là cây gì là câu hỏi của nhiều người trước khỉ sử dụng dược liệu này

2. Cây ba chạc có tác dụng gì?

Cây ba chạc trong Đông y có nhiều tác dụng nổi bật, bao gồm giải độc, thanh nhiệt, giảm đau, điều trị ngứa và mẩn đỏ. Hiện nay, một số công trình trong nghiên cứu y học hiện đại cũng khẳng định tác dụng hạ cholesterol và ổn định huyết áp, cải thiện hiệu quả tình trạng mỡ trong máu của cây ba chạc. Ở Trung Quốc, một số đặc tính kháng khuẩn và ức chế sự phát triển của Shigella - trực khuẩn lỵ cũng đã được phát hiện.

Nhìn chung, cây ba chạc được chủ trị trong nhiều vấn đề bệnh lý, bao gồm:

  • Lá ba chạc chữa ghẻ, bệnh chốc đầu, viêm họng, tình trạng ít sữa sau sinh ở phụ nữ, chứng co giật ở trẻ em, nhiễm trùng da và mụn nhọt...
  • Lá bỏ thân của cây ba chạc chủ trị trong đau gân, đau xương khớp, phong thấp, liệt nửa người, rối loạn kinh nguyệt... có khả năng thanh độc và kích thích quá trình tiêu hóa.

3. Tổng hợp bài thuốc Đông y sử dụng cây ba chạc phổ biến

Từ xưa, các thầy thuốc Đông y đã ra sức tìm hiểu cây ba chạc chữa bệnh gì và thiết kế ra vô số bài thuốc sử dụng cây ba chạc làm nguyên liệu, mỗi bài thuốc sẽ có những tác dụng điều trị khác nhau.

Bài thuốc 1 - Cây ba chạc cho phụ nữ sau sinh

Bài thuốc này áp dụng cây ba chạc cho đối tượng là phụ nữ sau khi sinh, giúp họ ăn ngon và thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời có tác dụng lợi sữa cho em bé.

Bài thuốc có 2 phương thức chế biến:

  • Sắc 10 gram rễ cây ba chạc với nước, uống thay nước trà hàng ngày.
  • Sắc 16 gram lá cây ba chạc với 6 bát nước con trong 30 phút, cho đến khi còn một nửa lượng nước thì ngừng, chia thành 3 bát uống buổi sáng, buổi trưa và buổi tối. Nên dùng bài thuốc này liên tục khoảng 1 tuần.

Bài thuốc 2 - Dùng lá ba chạc chữa ghẻ và mẩn ngứa

Cây ba chạc cũng có tác dụng điều trị chứng ghẻ lở và nổi mẩn ngứa. Bài thuốc gồm 50 - 100 gram lá cây ba chạc tươi. Sau khi rửa sạch lá, đun sôi phần lá này với 4 - 5 lít nước trong khoảng 1 tiếng. Sau đó, tắt bếp và chờ nước còn đủ ấm.

Bạn hãy dùng phần nước lá ba chạc còn ấm này để tắm rửa và dùng phần bã chà mạnh vào khu vực ghẻ hoặc bị mẩn ngứa.

Thực hiện phương pháp này mỗi ngày một lần và thực hiện đến khi cải thiện hoàn toàn tình trạng ghẻ lở, mẩn ngứa.


Cây ba chạc có tác dụng gì? Cây ba chạc được ứng dụng trong điều trị bệnh lý bằng Y học cổ truyền
Cây ba chạc có tác dụng gì? Cây ba chạc được ứng dụng trong điều trị bệnh lý bằng Y học cổ truyền

Bài thuốc 3 - Cây ba chạc và tác dụng chữa đau nhức và tê thấp xương

Hãy chuẩn bị một nắm lá ba chạc tươi và một nắm lá tầm gửi, rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã nát và đắp vào vùng đang bị đau nhức. Mỗi ngày nên thực hiện 1 lần và thực hiện đều đặn trong 7 đến 10 ngày.

Một số thầy thuốc cũng đề nghị bổ sung bài thuốc uống để tăng hiệu quả điều trị, bao gồm:

  • 12 gram thiên niên kiện
  • 10 gram rễ bưởi bung
  • 8 gram quả dành dành

Các nguyên liệu trên cần được rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô, sau đó ngâm trong rượu 30 - 40 độ, để càng lâu càng tốt. Mỗi ngày, bạn có thể uống 2 lần, mỗi 10 ngày uống sẽ kết hợp thành 1 liệu trình điều trị.

Bài thuốc 4 - Cây ba chạc phòng ngừa cảm cúm

Bài thuốc dùng cây ba chạc để ngăn ngừa bệnh cảm cúm gồm các nguyên liệu là:

  • 15 gram lá ba chạc
  • 30 gram rau má
  • 15 gram đơn buốt
  • 15 gram cúc chỉ thiên

Sau khi rửa sạch nguyên liệu, hãy sắc toàn bộ nguyên liệu với 6 bát nước con và sắc với lửa nhỏ trong vòng 30 phút hoặc đến khi còn một nửa. Lượng nước thuốc này nên chia thành 2 lần uống mỗi ngày, uống liên tục trong vòng 7 ngày.

Bài thuốc 5 - cây ba chạc và tác dụng điều hòa kinh nguyệt

Để điều hòa kinh nguyệt, bạn có thể sử dụng bài thuốc gồm 12 gram rễ cây ba chạc sắc với 6 bát con nước, sắc đến khi còn một nửa nước thì chia nước thuốc thành 3 lần uống mỗi ngày. Bạn nên uống liên tùng trong 15 ngày trước kỳ kinh nguyệt để có hiệu quả cao nhất.

Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đọc đã biết được những kiến thức liên quan tới cây ba chạc, ví dụ như cây ba chạc là cây gì và cây ba chạc chữa bệnh gì. Nếu bạn đang gặp các vấn đề tương tự, bạn có thể thử vị thuốc rất nổi tiếng này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe