Cắt lại dạ dày do ung thư tái phát

Ung thư dạ dày tái phát là tình trạng bệnh lý đã được ghi nhận với nguy cơ cao tăng dần theo thời gian khi so sánh với người bệnh thường. Cắt dạ dày là một biện pháp điều trị chính ở những bệnh nhân mắc ung thư dạ dày tái phát.

1. Tổng quan về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những gánh nặng y tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh lý ung thư, sau ung thư phổi. Hơn 90% các trường hợp ung thư dạ dày là ung thư biểu mô. Tiên lượng ung thư dạ dày không khả quan, tỷ lệ sống 5 năm trung bình thấp hơn 20%, chủ yếu do chậm trễ trong việc chẩn đoán. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ung thư dạ dày xuất hiện là hậu quả của nhiều yếu tố phối hợp, trong đó vi khuẩn Helicobacter pylori được xem là nguyên nhân chính, phối hợp cùng với yếu tố vật chủ, môi trường và các vi sinh vật khác.

Ung thư dạ dày tái phát có thể xuất hiện sớm hoặc muộn sau nhiều năm kể từ thời điểm điều trị ung thư nguyên phát lần đầu. Nhiều ca lâm sàng ung thư dạ dày tái phát sau hàng chục năm đã được báo cáo. Hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày tái phát tại chỗ bao gồm tại mỏm cắt hoặc tại vị trí miệng nối. Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp điều trị chính được lựa chọn ở những bệnh nhân ung thư dạ dày tái phát chưa di căn xa.


Hơn 90% các trường hợp ung thư dạ dày là ung thư biểu mô
Hơn 90% các trường hợp ung thư dạ dày là ung thư biểu mô

2. Chỉ định phẫu thuật cắt lại dạ dày do ung thư tái phát

Tương tự như ung thư dạ dày nguyên phát, điều trị ung thư dạ dày tái phát bằng phẫu thuật không phải là phương pháp phù hợp với tất cả bệnh nhân. Phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư tái phát được áp dụng cho các trường hợp sau:

  • Ung thư dạ dày tái phát tại vị trí mỏm cụt chưa di căn đến các cơ quan xa ngoài ổ bụng. Gan, đại tràng, đoạn thân và đuôi tụy có thể bị xâm lấn tại chỗ. Phẫu thuật cắt ung thư dạ dày nên được áp dụng khi ung thư dạ dày xâm lấn một trong ba cơ quan kể trên.
  • Ung thư dạ dày tái phát tại miệng nối dạ dày với vị tràng chưa có di căn xa đến các tạng ngoài ổ bụng hoặc có di căn phúc mạc.

Các ung thư dạ dày tái phát xâm lấn nhiều cơ quan, di căn xa hoặc ở giai đoạn muộn không phải là đối tượng phù hợp để phẫu thuật cắt dạ dày.

3. Phương pháp ngoại khoa điều trị ung thư dạ dày tái phát

Biện pháp điều trị ung thư dạ dày tái phát được ưu tiên lựa chọn là phẫu thuật cắt dạ dày. Phẫu thuật viên thực hiện phải là người có kinh nghiệm về ung thư đường tiêu hóa vì đây là một cuộc phẫu thuật phức tạp với nhiều nguy cơ. Ekip phẫu thuật bao gồm phẫu thuật viên chính, bác sĩ phụ mổ, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ phụ gây mê. Phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư dạ dày tái phát được chia làm hai loại chính: phẫu thuật toàn bộ dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày sau nối vị tràng.


Ung thư dạ dày tái phát tại vị trí mỏm cụt chưa di căn đến các cơ quan xa ngoài ổ bụng
Ung thư dạ dày tái phát tại vị trí mỏm cụt chưa di căn đến các cơ quan xa ngoài ổ bụng

Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày trong ung thư dạ dày tái phát được thực hiện theo đường mổ mở trước bụng. Phẫu thuật viên tiến hành thăm dò ổ bụng theo đường trắng giữa phía trên rốn, cắt bỏ sẹo cũ và cẩn thận gỡ dây dính trong ổ bụng, quan sát gan, dạ dày, mỏm cụt dạ dày và buồng trứng nếu bệnh nhân là nữ giới. Sau đó, các miệng nối cũ của dạ dày được gỡ dính khỏi các tạng và mô xung quanh trước khi được cắt bỏ cùng với dạ dày, phúc mạc và các hạch lân cận. Tiến hành phục hồi lưu thông đường tiêu hóa bằng cách nối thực quản với đoạn hỗng tràng bên dưới. Cuối cùng, phẫu thuật viên thực hiện cầm máu kỹ, kiểm soát lại ổ bụng và đặt ống dẫn lưu ổ bụng tại vị trí dưới gan để theo dõi bệnh nhân. Chỉ những trường hợp xuất hiện khối u mới cách mỏm cụt trên 3cm có xâm lấn vào đầu tụy, cuống gan nhưng không ăn xa vào hệ mạch máu nuôi đại tràng từ động mạch mạc treo tràng dưới và động mạch mạc treo tràng trên mới có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày.

Bệnh nhân ung thư dạ dày tái phát trước đó đã được phẫu thuật nối vị tràng, quyết định phương pháp phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày dựa vào vị trí và đặc điểm của khối u tái phát. Phẫu thuật viên có thể tiến hành cắt đoạn xa dạ dày hoặc toàn bộ dạ dày, kèm vét hạch và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.

4. Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày do ung thư dạ dày tái phát

Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày tái phát được chỉ định điều trị cắt dạ dày cần được theo dõi kỹ sau điều trị. Phẫu thuật cắt lại dạ dày là một đại phẫu hay phẫu thuật phức tạp, người bệnh phải đối diện với nhiều nguy cơ và tai biến như:

  • Chảy máu: Xuất huyết sau mổ là biến chứng nguy hiểm mà các phẫu thuật viên thường lo ngại. Máu có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào như miệng nối dạ dày ruột hay các mạch máu. Những trường hợp nặng, máu chảy ồ ạt ảnh hưởng đến tổng trạng của người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu cầm máu. Bệnh nhân cần được theo dõi số lượng và màu sắc của dịch từ hệ thống các ống dẫn lưu kết hợp với các xét nghiệm công thức máu để kịp thời phát hiện tình trạng chảy máu, đánh giá mức độ nặng và đáp ứng với điều trị.
  • Tắc ruột: Có thể xuất hiện sớm trong 72 giờ sau mổ, do viêm dính hoặc các vận động bất thường của các quai ruột. Các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, chướng bụng, trung tiện sau mổ cần được theo dõi và đánh giá. Một số trường hợp bệnh nhân đã có trung tiện trước đó nhưng vẫn có thể xuất hiện tắc ruột sau mổ ở giai đoạn muộn hơn. Tắc ruột sau cắt dạ dày nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn cần được phẫu thuật sớm.
  • Bục miệng nối: Đây là biến chứng xuất hiện do kỹ thuật khâu nối không đảm bảo hoặc bờ miệng nối còn chứa các tổn thương. Khi biến chứng bục miệng nối xảy ra, máu và dịch tiêu hóa chảy vào ổ bụng có thể gây ra viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể, nặng nề hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Theo dõi triệu chứng lâm sàng và tính chất dịch dẫn lưu là những việc cần làm để kịp thời phát hiện bục rò miệng nối. Phẫu thuật sửa chữa miệng nối được chỉ định trong những trường hợp nặng không đáp ứng điều trị bảo tồn.

Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày tái phát được chỉ định điều trị cắt dạ dày
Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày tái phát được chỉ định điều trị cắt dạ dày

Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt.

Video đề xuất:

Những điều cần biết về ung thư

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe