Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Cắt dương vật không nạo hạch là phương pháp thường được chỉ định điều trị cho người mắc bệnh ung thư dương vật được phát hiện trong giai đoạn sớm.
1. Tổng quan về ung thư dương vật
Ung thư dương vật là loại ung thư xuất hiện trên bộ phận dương vật của nam giới. Ung thư xuất phát từ lớp biểu mô vảy không sừng hóa của niêm mạc quy đầu và bao quy đầu. Đây là căn bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 6 - 8% trong tổng số các loại bệnh ung thư.
Ung thư dương vật có biểu hiện:
- Khối u xuất hiện ở bề mặt quy đầu, mặt trong bao quy đầu hoặc rãnh hành bao quy đầu;
- Khối u sùi dễ chảy máu khi vệ sinh, giao hợp;
- Khối u lan dần ra xung quanh, sùi loét;
- Trường hợp có hẹp bao quy đầu, khối u ác tính bị che lấp, khó phát hiện. Ở giai đoạn đầu, u nhỏ, có triệu chứng ngứa đầu dương vật, tiết dịch hôi kéo dài, đau khi đi tiểu, va chạm, giao hợp,...
Nguyên nhân gây ung thư dương vật chủ yếu là do hẹp bao quy đầu, dương vật không được vệ sinh sạch sẽ, dẫn đến hình thành bựa sinh dục, viêm nhiễm kéo dài dễ phát triển thành khối u ác tính. Ngoài ra, người mắc các bệnh về đường sinh dục như viêm dương vật, có các khối u lành tính ở dương vật hay mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà,... cũng có nguy cơ cao bị ung thư dương vật.
Ung thư dương vật được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tùy từng giai đoạn bệnh và tình trạng của bệnh nhân. Kết quả điều trị bệnh phụ thuộc vào thời điểm chẩn đoán bệnh. Nếu được chẩn đoán khi khối u còn nhỏ, chưa di căn hạch và di căn xa thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 95%. Càng phát hiện muộn, bệnh càng khó điều trị và tiên lượng sống sẽ thấp đi.
2. Tìm hiểu về phương pháp cắt dương vật không nạo hạch
Cắt dương vật không nạo nạo hạch còn được gọi là phẫu thuật cắt một phần dương vật không nạo hạch. Đây là phương pháp thường được sử dụng trong bệnh lý ung thư dương vật ở nam giới được phát hiện ở giai đoạn sớm.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
Chỉ định
- Ung thư dương vật ở giai đoạn T1a (u xâm lấn hạ niêm mạc nhưng không xâm lấn mạch bạch huyết, không phải thể biệt hóa thấp), không sờ thấy hạch bẹn 2 bên;
- Ung thư dương vật ở giai đoạn T1b (u xâm lấn hạ niêm mạc và mạch bạch huyết, là thể biệt hóa thấp), không sờ thấy hạch bẹn 2 bên;
- Ung thư dương vật giai đoạn T2 (u xâm lấn vật hang hoặc vật xốp), không sờ thấy hạch bẹn 2 bên: nên cân nhắc thực hiện.
Chống chỉ định
- Ung thư dương vật ở giai đoạn T3 (u xâm lấn niệu đạo) trở lên;
- Bệnh nhân có hạch bẹn, hạch đùi 2 bên nên cân nhắc chỉ định;
- Người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật nói chung: Suy gan, suy thận nặng tiến triển, rối loạn đông máu,...
2.2 Thực hiện phẫu thuật
Chuẩn bị
- Người thực hiện: Kíp phẫu thuật (bác sĩ chuyên khoa, 2 nhân viên phụ mổ) và kíp gây mê (bác sĩ gây mê, phụ mê, dụng cụ viên, nhân viên hỗ trợ);
- Người bệnh: Cần đảm bảo hồ sơ (đã xét nghiệm cơ bản, điện tim, X-quang phổi, siêu âm hệ tiết niệu, siêu âm hệ thống hạch vùng bẹn chậu, sinh thiết khẳng định ung thư dương vật); được giải thích rõ về mục đích, quy trình và nguy cơ tai biến của phẫu thuật; nâng cao thể trạng, tâm lý; điều trị ổn định các bệnh nội khoa (tiểu đường, cao huyết áp); nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật; có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ nếu có chỉ định;
- Phương tiện: Bộ dụng cụ phẫu thuật, chỉ khâu chuyên dụng, ống thông nước tiểu, túi nước tiểu;
- Thời gian dự kiến: 45 - 75 phút.
Thực hiện
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa;
- Bác sĩ và nhân viên hỗ trợ vào đúng vị trí;
- Gây mê nội khí quản hoặc gây tê tủy sống;
- Đánh giá vị trí khối u và mức độ xâm lấn của khối u;
- Rạch ra quanh chu vi dương vật; phẫu tích niệu đạo, luồn dây đánh dấu niệu đạo xác định tới phần niệu đạo được cắt; phẫu tích 2 vật hang đến vị trí cần cắt; cắt bỏ tổn thương ung thư dương vật kèm vật hang, vật xốp, niệu đạo đến hết toàn bộ tổn thương, đảm bảo còn lại phần lành;
- Khâu cầm máu 2 vật hang; đưa niệu đạo ra ngoài và cố định vào da dương vật; đóng lại da dương vật;
- Đặt ống thông tiểu và băng vết mổ.
2.3 Theo dõi và xử trí tai biến sau phẫu thuật
Theo dõi
- Theo dõi toàn trạng và tình trạng chảy máu của bệnh nhân;
- Điều trị kháng sinh, giảm viêm, giảm đau;
- Theo dõi tình trạng tụ máu và chảy máu niệu đạo trong vòng 72 giờ đầu;
- Có thể rút ống thông tiểu sau mổ 7 - 10 ngày.
Xử trí tai biến
- Chảy máu sau mổ: Trường hợp chảy nhiều máu cần mở lại vết mổ để kiểm tra và khâu cầm máu;
- Phù nề da thân dương vật: Xử trí bằng cách trích rạch dẫn lưu dịch chèn ép;
- Hẹp niệu đạo: Có thể mở lại niệu đạo ra da hoặc thực hiện dẫn lưu bàng quang;
- Rò niệu đạo: Là biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị rò niệu đạo nhiều gây tụ dịch, nhiễm trùng tầng sinh môn thì cần mổ lại để xử trí tình trạng thương tổn.
Khi được chỉ định thực hiện cắt dương vật không nạo hạch, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh những tai biến không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.