Cảnh giác với viêm phổi do virus Rhino

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Virus Rhino thường gây bệnh cảm lạnh thông thường và viêm đường hô hấp trên. Hầu hết các ca bệnh thường có biểu hiện nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, trong điều kiện thích hợp virus Rhino có thể phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân.

1. Đặc điểm chung của virus Rhino

Rhinovirus là loại virus chính gây hội chứng cảm lạnh thông thường ở người. Virus Rhino nằm trong họ Picorna virus, có kích thước từ 20 - 27nm, có hơn 100 tuýp huyết thanh khác nhau. Virus Rhino phát triển nhanh ở điều kiện nhiệt độ 33 - 37°C nhưng dễ dàng bị tiêu diệt bởi axit dạ dày. Vì vậy, nó không có khả năng gây bệnh ở đường tiêu hóa như các loại virus thuộc nhóm virus đường ruột.

Về cơ chế gây bệnh của Rhinovirus, loại virus này lây truyền theo 2 phương thức: Lây trực tiếp từ người sang người (do hít phải dịch tiết đường hô hấp từ người bệnh ở khoảng cách gần) và lây gián tiếp (qua bàn tay, đồ dùng, đồ chơi trẻ em, mặt bàn, ghế, tay nắm cửa,... bị nhiễm dịch mũi hoặc dịch tiết đường hô hấp có chứa virus từ người bệnh). Virus sẽ xâm nhập cơ thể theo đường hô hấp trên và chỉ giới hạn gây bệnh ở khu vực này. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 4 ngày, sau đó người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, đau họng, ho, đau đầu, đôi khi có cảm giác ớn lạnh, khàn giọng. Bệnh thường kéo dài trong khoảng 1 tuần rồi tự khỏi.

Bệnh cảm lạnh do virus Rhino gây ra hay gặp vào mùa đông - xuân, mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em. Những đối tượng như trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng kém cần cảnh giác trước nguy cơ nhiễm virus Rhino để tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, khó điều trị.


Trẻ em là đối tượng mắc bệnh cảm lạnh do virus Rhino cao hơn
Trẻ em là đối tượng mắc bệnh cảm lạnh do virus Rhino cao hơn

2. Virus Rhino có thể gây viêm phổi nặng

Ở trẻ em suy dinh dưỡng, bị nhiễm lạnh kéo dài và suy giảm miễn dịch, khi bị cảm lạnh do virus Rhino có thể dẫn tới viêm phế quản, viêm phế quản phổi hoặc viêm phổi bội nhiễm nặng. Ngoài ra, các virus đường hô hấp khác như virus Corona, virus Coxsackie, virus cúm C, virus hợp bào hô hấp,... cũng có thể gây nên hội chứng cảm lạnh và có thể đồng nhiễm với virus Rhino, làm bệnh nặng hơn. Thời tiết lạnh giá kéo dài là cơ hội cho virus Rhino phát triển nhanh và gây tổn thương nặng cho bệnh nhân.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi cấp do nhiễm virus Rhino tử vong vì nhập viện quá muộn, trong tình trạng rất nặng như phổi mờ, suy đa phủ tạng,... Viêm phổi do virus Rhino vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ chỉ có thể điều trị bệnh tích cực bằng cách tăng sức đề kháng của bệnh nhân để chống lại virus.

Nếu không cách ly sớm những bệnh nhân bị viêm phổi do virus Rhino thì virus sẽ nhanh chóng lây lan sang người khỏe mạnh, đặc biệt là những trẻ gầy yếu, miễn dịch kém.


Viêm phổi do virus Rhin có thể gây suy đa phủ tạng nếu không được điều trị sớm
Viêm phổi do virus Rhin có thể gây suy đa phủ tạng nếu không được điều trị sớm

3. Điều trị và phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus Rhino

Bệnh cảm lạnh do virus Rhino thường nhẹ và tự khỏi sau 1 tuần. Việc điều trị thường nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng như giảm ho, giảm sốt, nâng cao thể trạng của bệnh nhân, để người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn. Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho virus Rhino. Thực tế lâm sàng, việc dùng khí dung thuốc interferon-alpha 2b và ipratropium đường mũi, kết hợp naproxen đường uống cho hiệu quả tốt. Vấn đề nghiên cứu và sử dụng vắc-xin phòng ngừa virus Rhino cũng không khả khi vì virus này có hơn 100 tuýp huyết thanh khác nhau và miễn dịch thu được là đặc hiệu cho từng tuýp, không có miễn dịch chéo giữa các tuýp huyết thanh.

Các biện pháp phòng bệnh do virus Rhino gây ra bao gồm:

  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thường xuyên sử dụng khăn giấy có tẩm chất diệt khuẩn như i-ốt loãng để làm sạch tay; tránh chùi tay lên mắt và mũi; sử dụng các loại thuốc sát khuẩn đường mũi, họng và mắt hằng ngày như nước muối loãng, dung dịch nước tỏi,...;
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh nên đeo khẩu trang y tế, kính, mũ, áo; hạn chế đến những nơi tập trung đông người, đặc biệt là các phòng chật hẹp, bí tại những khu vực có dịch;
  • Cải thiện sức khỏe: Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; rèn luyện thân thể đều đặn; giữ ấm cơ thể không bị nhiễm lạnh (mặc đủ ấm, tránh nước mưa và không lội nước khi trời lạnh,...;
  • Kịp thời đi khám: Khi có các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, bệnh nhân đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.

Virus Rhino dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp nên có thể phát triển thành dịch. Trước mắt, khi chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu thì các bậc phụ huynh cần chú ý giữ ấm và duy trì vệ sinh cá nhân cho trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ,... phụ huynh nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu cần thiết sẽ phải chụp phổi và làm các xét nghiệm virus để phát hiện bệnh kịp thời và có phác đồ điều trị hợp lý.

XEM THÊM:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe