Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hầu như tất cả chúng ta ai cũng đã từng ít nhất một lần bị cảm lạnh. Cảm lạnh là một tình trạng bệnh phổ biến, có thể bắt gặp ở mọi đối tượng từ trẻ em, người cao tuổi và ngay cả người trưởng thành cũng có thể bị. Nhưng chưa hẳn mọi người đã hiểu đúng về căn bệnh này.
1. Hiểu đúng về cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường là lý do chính khiến cho trẻ em phải nghỉ học và người lớn nghỉ làm. Ước tính mỗi năm ở Hoa Kỳ có hàng triệu trường hợp mắc cảm lạnh thông thường. Trung bình người lớn bị cảm lạnh 2 - 3 lần/năm và trẻ em thì nhiều hơn thế.
Hầu hết mọi người bị cảm lạnh vào mùa đông và mùa xuân, nhưng cũng có thể bị cảm lạnh bất cứ lúc nào trong năm. Bạn vẫn có thể bị cảm lạnh vào mùa hè khi bạn để điều hòa quá lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường như là đau họng, sổ mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, nhức mỏi cơ thể. Hầu hết các mọi người có thể tự hồi phục trong vòng khoảng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, những ai có hệ miễn dịch yếu thì tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn.
Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Thời tiết lạnh không phải là nguyên nhân gây ra cảm lạnh thông thường, mà nó chỉ là yếu tố cơ hội giúp cho virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh cho chúng ta mà thôi.
Có nhiều loại virus đường hô hấp khác nhau có thể gây cảm lạnh thông thường, nhưng loại virus Rhino là loại phổ biến nhất. Rhinovirus cũng có thể kích hoạt các cơn hen suyễn và nó có liên quan đến nhiễm trùng xoang và tai. Một số loại virus khác có thể gây cảm lạnh như là coronavirus ở người, adenovirus, virus hợp bào hô hấp,...
Cảm lạnh và cúm là hai tình trạng bệnh khác nhau. Cúm là do virus cúm gây ra. Do hai căn bệnh này có các triệu chứng tương tự nhau, do đó rất khó để phân biệt sự khác biệt giữa chúng nếu chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng.
Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm thường tồi tệ hơn cảm lạnh thông thường. Cúm có thể gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng, trong khi cảm lạnh thông thường chỉ là một tình trạng nhẹ, thậm chí có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Hiện nay chúng ta đã có vắc-xin phòng cúm, nhưng chưa có vắc-xin phòng cảm lạnh, vì thực sự nó cũng không cần thiết cho lắm.
2. Bị cảm lạnh có lây không?
Như đã nói ở trên, cảm lạnh thông thường do nhiều loại virus gây ra, do đó cảm lạnh hoàn toàn có thể lây từ người này sang người kia.
Virus gây cảm lạnh có thể lây từ người bị nhiễm sang người khác thông qua không khí và tiếp xúc cá nhân gần gũi. Bạn có thể bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể xảy ra do:
- Bạn hít phải virus trong không khí sau khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.
- Cũng có thể virus đã bám vào bề mặt của các đồ vật (tay nắm cửa, sách, bút, điện thoại di động, bàn phím máy tính, điều khiển tivi, cốc, bát, đũa...), bạn vô tình chạm tay vào đó, sau đó đưa tay lên mũi hoặc miệng, như thế là bạn đã bị nhiễm virus rồi đó.
Cảm lạnh thông thường có thể truyền nhiễm từ một đến hai ngày trước khi người bệnh có các triệu chứng đầu tiên cho đến khi hết hoàn toàn các triệu chứng. Tuy nhiên, cảm lạnh thông thường dễ lây nhất trong hai đến ba ngày đầu của bệnh.
Chính vì vậy, khi có một người trong gia đình bị cảm lạnh thông thường, những thành viên khác hoàn toàn có thể bị lây bệnh, do đó mọi người cần có biện pháp phòng lây nhiễm cảm lạnh.
Trắc nghiệm: Bạn có phân biệt được chính xác cảm lạnh và cúm mùa?
Cảm cúm và cảm lạnh là hai khái niệm mà chúng ta thường đánh đồng nó giống nhau, không phân biệt rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, giúp bạn có thêm những kiến thức phân biệt cảm lạnh và cảm cúm. Từ đó, có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.3. Cách tự bảo vệ bản thân
Bạn có thể tự giúp mình giảm nguy cơ bị cảm lạnh bằng các việc làm sau đây:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước: rửa tay như vậy trong 20 giây sẽ giúp bạn phòng bệnh, bạn cũng cần giúp trẻ nhỏ trong gia đình thực hiện điều này. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng chất sát khuẩn tay có chứa cồn. Virus gây cảm lạnh có thể tồn tại trên tay của bạn, việc rửa tay thường xuyên sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bị bệnh.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng, đặc biệt là khi tay chưa được rửa sạch. Bởi virus cảm lạnh có thể ở trên tay bạn khi chúng chưa được làm sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
4. Cách bảo vệ người khác
Nếu bạn đã bị cảm lạnh, bạn cần làm các việc sau để giúp ngăn ngừa lây lan sang người khác, đặc biệt là những người thân trong gia đình bạn. Cụ thể:
- Bạn nên ở nhà khi bị bệnh. Nếu trẻ nhỏ bị bệnh nên cho trẻ ở nhà, không nên cho trẻ đến trường, vì có thể trẻ sẽ lây lan cho các bạn trong lớp.
- Tránh tiếp xúc gần với người khác như ôm, hôn hoặc bắt tay.
- Tránh xa mọi người trước khi bạn ho hoặc hắt hơi.
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng rác. Hoặc bạn che mũi và miệng của bạn vào khe khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi.
- Rửa tay sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi.
- Khử trùng các bề mặt và đồ vật thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, điện thoại, điều khiển tivi, bàn phím máy tính,...
5. Làm thế nào để cảm thấy tốt hơn?
Không có cách chữa cảm lạnh. Để cảm thấy tốt hơn, bạn nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Các loại thuốc không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh nhưng sẽ không thể làm cho cảm lạnh của bạn giảm đi nhanh hơn. Bạn cần phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, hoặc tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ về thuốc bạn định sử dụng mà không phải do bác sĩ kê đơn.
Thuốc kháng sinh không thể giúp bạn điều trị cảm lạnh, bởi nguyên nhân gây bệnh là virus, và kháng sinh chỉ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mà thôi. Nếu bạn sử dụng kháng sinh không đúng, có thể khiến bạn có thể cảm thấy người mệt mỏi hơn.
6. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có một hoặc nhiều các tính trạng sau đây:
- Các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày.
- Xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường.
- Nếu người bị bệnh là con bạn, và bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi có triệu chứng sốt hoặc biểu hiện thờ ơ.
Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng nên đi khám để bác sĩ xác định xem có phải chỉ là bị cảm lạnh thông thường hay không, hay lại là bệnh cúm. Các đối tượng nguy cơ ở đây là:
- Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên
- Phụ nữ mang thai
- Những người mắc một số bệnh như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim
Như vậy cảm lạnh là một bệnh do virus gây ra, chứ không phải do thời tiết lạnh như nhiều người vẫn nghĩ. Đây là một bệnh truyền nhiễm, do đó nó có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc gần với người bệnh. Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh khi phát hiện có người bị cảm lạnh. Tuy nhiên đây không phải là căn bệnh nguy hiểm, nên bạn không cần phải quá lo lắng, bệnh có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày mà không cần điều trị gì.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.