Ý tưởng và hành vi tự sát được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, căng thẳng tâm lý và các bệnh tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt là nguyên nhân thường gặp nhất. Nhận biết sớm người có ý định tự sát và xử trí cấp cứu khi tự sát xảy ra là điều cần thiết.
1. Khái niệm về hành vi tự sát
Ý tưởng tự sát là người bệnh có ý nghĩ muốn chết, đang suy nghĩ, cân nhắc hoặc lên kế hoạch tự sát nhưng chưa hành động. Ý tưởng tự sát có nhiều mức độ từ suy nghĩ thoáng qua đến những suy nghĩ cụ thể, nghiền ngẫm về việc tự sát cho tới lên kế hoạch chi tiết.
Toan tự sát là người bệnh đã suy nghĩ một cách có ý thức về việc tự làm mình chết, sau đó có những hành vi tự sát nhưng không hoàn thành.
Tự sát (tự tử) là khi người bệnh đã tự thực hiện hành động cố ý gây ra cái chết cho bản thân mình (tự sát hoàn thành).
Trên thế giới, cứ mỗi 40 giây lại có một người tự sát. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 10 đến 20 triệu trường hợp tự sát, trong đó có khoảng một triệu người chết. Việt Nam có khoảng 36.000 đến 40.000 người tự sát mỗi năm, trong đó 5.000 người chết do bệnh lý trầm cảm dẫn đến hành vi tự sát.
Phương thức tự sát có thể mang tính chất bạo lực hoặc không bạo lực, tùy thuộc vào nguyên nhân, tính chất, mức độ chi tiết của kế hoạch tự sát và mức độ mãnh liệt của ý tưởng tự sát. Các phương thức tự sát thường gặp như:
- Tuyệt thực (nhịn ăn uống)
- Tự gây ngạt
- Tự làm mình chấn thương, làm mất máu
- Tự thiêu/ giật điện
- Uống thuốc độc
2. Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát
Một vài nguyên nhân chính được cho là dẫn đến hành vi tự sát gồm:
- Người bệnh tâm thần: trầm cảm nặng (đặc biệt khi kèm thêm hoang tưởng bị tội), rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn phân ly.
- Hoang tưởng, ảo giác chi phối trong loạn thần do rượu, ma túy tổng hợp
- Trạng thái ý thức hoàng hôn, trạng thái bồn chồn, bất an.
- Các bệnh mạn tính như ung thư, HIV, liệt sau tai biến mạch máu não khiến người bệnh mất niềm tin hy vọng, rơi vào trạng thái buồn rầu, chán nản không muốn sống tiếp.
- Căng thẳng tâm lý quá mức, stress kéo dài: Quá thất vọng, đau khổ hay quá buồn rầu chán nản về một vấn đề nào đó mà không được giải toả.
- Cảm thấy bế tắc, cuộc đời không có lối thoát.
- Mâu thuẫn với gia đình, bạn bè.
- Khó khăn tài chính, thất bại trong công việc.
- Bị bạo lực, bị lạm dụng.
- Sau khi mất người thân, sau khi ly hôn
3. Các dấu hiệu của người có ý định tự sát
Hay than vãn về cuộc sống hiện tại, tuyệt vọng, bế tắc, không có lối thoát, mất niềm tin vào tương lai. Thường cho rằng bản thân có lỗi, hay xấu hổ, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tâm trạng thay đổi đột ngột, tâm lý cực đoan hay giận dữ, bực bội, căng thẳng lo âu thái quá, có cảm giác tội lỗi. Luôn nhắc đến cái chết, muốn từ bỏ mọi thứ, xem cái chết là lối thoát duy nhất. Nói những lời vĩnh biệt hay viết thư tuyệt mệnh.
Sắp xếp công việc, chuẩn bị sẵn hành lý và các phương tiện cá nhân như một chuyến đi xa, sắp xếp tài chính, cho đi tài sản có giá trị, viết di chúc và nói lời tạm biệt với người thân.
Tự cô lập bản thân, cắt đứt các mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Không quan tâm tới sở thích trước đây, sa ngã vào lối sống buông thả và bất cần, không nghe lời khuyên, có những hành vi bất thường như: sử dụng chất kích thích, không ăn, không ngủ, không quan tâm đến chăm sóc bản thân.
Chuẩn bị phương tiện để tự sát như mua thuốc độc về giấu trong nhà, dây thắt cổ, kéo, dao, xăng, thường xuyên đến cầu, sông, hồ hay các công trình cao tầng ...
4. Các biện pháp can thiệp khi thấy người có hành vi tự sát
Giải tỏa căng thẳng tâm lý cho người bệnh
- Trò chuyện chân thành, cởi mở với bệnh nhân.
- Tìm hiểu, chia sẻ, giải quyết về những bức xúc, khó khăn, nỗi uất ức
- Giúp người bệnh giải quyết những bế tắc hiện tại, vượt qua nỗi thất vọng, gợi mở lối thoát cho vấn đề và có hành động tích cực hơn.
- Cho người bệnh cảm giác được che chở, bảo vệ, luôn có người tốt bên cạnh ủng hộ mình trong cuộc sống để họ không còn cảm thấy cô đơn.
- Giúp người bệnh tái hòa nhập với xã hội bằng cách đưa họ ra ngoài thư giãn, tham gia các hoạt động vui chơi, ngắm cảnh để đầu óc tỉnh táo và suy nghĩ thoáng hơn.
- Tránh những sang chấn tâm lý, căng thẳng cho bệnh nhân.
Theo dõi sát mọi hành vi, cử chỉ của người bệnh, không nên để người bệnh ở một mình. Tránh để người bệnh tiếp xúc với đồ vật sắc nhọn, dây treo, thuốc, xăng và tránh xa những tòa nhà cao tầng, cầu, sông, hồ..
Người có hành vi tự sát cần được điều trị đúng chuyên khoa Tâm thần. Nếu tự sát xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng tâm lý, trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp hành vi biện chứng.
Nếu tự sát do bệnh tâm thần, cần điều trị kết hợp thuốc với trị liệu tâm lý, sốc điện não,... Điều trị các bệnh mạn tính nếu có như đái tháo đường, tim mạch, ung thư,...
5. Xứ trí cấp cứu người tự sát
Việc phát hiện và can thiệp cấp cứu kịp thời người tự sát có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giảm tỷ lệ tử vong. Tùy theo từng tình huống cụ thể mà biện pháp điều trị khác nhau, nhưng nhìn chung cần nắm rõ các nguyên tắc sau:
- Đầu tiên cần nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi khu vực nguy hiểm: đưa bệnh nhân lên trên cạn, cắt dây treo cổ, dập lửa, cắt nguồn điện,...
- Tiếp theo là kiểm tra tuần hoàn và hô hấp của người bệnh. Nếu xuất hiện tình trạng ngưng tim ngưng thở, phải tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức. Đồng thời, người cấp cứu nên gọi 115 để nhận sự hướng dẫn và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Băng ép cầm máu, gây nôn và xử trí các thương tích (nếu có);
- Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
- Sau khi qua cơn nguy kịch, cần khai thác và điều trị nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.