Bài viết được viết bởi ThS, BS. Lê Thị Thanh Hương, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hầu hết các loài rắn đều không nguy hiểm đối với con người. Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 15% loài rắn có nọc độc. Cách thông thường để phân biệt rắn độc cắn và rắn không độc cắn là nhìn vào vết rắn cắn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn sơ cứu khi bị rắn cắn.
1. Dấu hiệu khi bị rắn cắn
Các biểu hiện khi bị rắn cắn tùy thuộc vào loại rắn khác nhau, tuy nhiên vẫn có thể nhận biết qua các triệu chứng hoặc dấu hiệu dưới đây:
- Dấu răng rắn cắn trên da (rắn độc sẽ có dấu 2 móc độc)
- Đỏ, sưng, bầm tím, chảy máu hoặc phồng rộp xung quanh vết cắn
- Đau dữ dội tại vị trí của vết cắn
- Buồn nôn, nôn, hoặc tiêu chảy
- Thở gắng sức (nhiều trường hợp nạn nhân có thể ngưng thở)
- Nhịp tim nhanh, mạch yếu, huyết áp thấp
- Rối loạn thị giác
- Tăng tiết nước bọt và đổ mồ hôi
- Tê hoặc ngứa ran xung quanh mặt và / hoặc tay chân
- Co giật cơ bắp
2. Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Trong khi chờ sự trợ giúp từ đơn vị cấp cứu y tế, hãy thực hiện các bước sau:
- Trấn an người bệnh giữ bình tĩnh, hạn chế vận động vùng đã bị rắn cắn (như tay, chân bên bị rắn cắn...) để giúp làm chậm sự lan rộng của nọc độc đi khắp cơ thể.
- Cởi bỏ đồ trang sức và quần áo chật trước khi bạn bắt đầu sưng tấy.
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
- Lưu ý khi vận chuyển bệnh nhân để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân....để hạn chế nọc rắn dị chuyển về tim và tuần hoàn trung tâm
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước.
3. Thận trọng khi sơ cứu rắn cắn
Một số lưu ý cần tránh khi sơ cứu rắn cắn gồm:
- Không dùng garô vết thương, không chườm đá hoặc ngâm vết thương vào nước đá.
- Không cắt vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc.
- Không uống caffein hoặc rượu, những thứ có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể.
- Không dùng các thuốc giảm đau (như aspirin, ibuprofen, naproxen).
- Đừng cố bắt con rắn. Cố gắng nhớ màu sắc và hình dạng của nó để bạn có thể mô tả nó, điều này sẽ giúp ích cho việc điều trị của bạn. Nếu bạn mang theo điện thoại thông minh hãy chụp ảnh con rắn từ một khoảng cách an toàn để giúp xác định danh tính, nhưng đừng tốn quá nhiều thời gian để làm chậm trễ việc liên hệ gọi hỗ trợ cấp cứu.
- Không áp dụng băng hoặc ngâm vết thương trong nước.
- Không uống rượu như một loại thuốc giảm đau.
Trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu thì kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.
Theo các bác sĩ, việc tiến hành sơ cứu khi bị rắn cắn ban đầu sai cách đã khiến không ít người tử vong. Do đó, nhận biết loại rắn có độc và trang bị kiến thức cách xử lý khi bị rắn cắn chính xác đóng vai trò rất quan trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.