Can thiệp mạch vành qua da và ghép bắc cầu động mạch vành khác nhau ra sao?

Thủ thuật can thiệp mạch vành qua da và ghép bắc cầu động mạch vành đều được bác sĩ đánh giá theo tình trạng bệnh để áp dụng, nhưng điểm khác nhau của chúng là gì?

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Văn Dương, chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện Vinmec Central Park.

1. Can thiệp mạch vành qua da là gì?

Bệnh động mạch vành, hay CAD, là một bệnh tim thường được điều trị thông qua việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống cùng chế độ ăn uống. Trong trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất can thiệp mạch vành qua da, được gọi là PCI, để cải thiện tình trạng của động mạch.

PCI (Percutaneous Coronary Intervention) là thuật ngữ tổng quát mô tả quá trình mở rộng các động mạch vành bị hẹp có ý nghĩa, khi mà các mạch máu cung cấp oxy đến cơ tim trở nên hạn chế. Mảng bám, bao gồm các chất béo như cholesterol, có thể hình thành trong các động mạch này, làm cho chúng trở nên cứng và hẹp, ảnh hưởng đến lưu lượng máu và dẫn đến bệnh động mạch vành. Sự giảm lưu lượng máu đến tim có thể gây tổn thương tim, đau ngực, khó thở, mệt mỏi và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Theo thời gian, tim có thể trở nên giảm co bóp, tăng nguy cơ suy tim.


Quá trình can thiệp mạch vành qua da được khuyến cáo để điều trị các bệnh động mạch vành thường gặp
Quá trình can thiệp mạch vành qua da được khuyến cáo để điều trị các bệnh động mạch vành thường gặp

Can thiệp mạch vành qua da có khả năng điều trị và giảm các triệu chứng của bệnh mạch vành như đau ngực, khó thở. Nó cũng có thể giảm thiểu tổn thương cơ tim trong hoặc sau cơn đau tim và sau quá trình điều trị bệnh mạch vành.

2. Các loại can thiệp mạch vành qua da là gì?

Mục tiêu chính của PCI là mở rộng các động mạch bị tắc, và có nhiều phương pháp khác nhau để đạt được điều này. Các loại PCI bao gồm:

  • Nong bóng: Một quả bóng được đưa vào và bơm căng vào động mạch để đẩy mảng bám ra khỏi đường đi.
  • Phẫu thuật nong mạch vành bằng laser (hiếm sử dụng): Một tia laser được sử dụng để bay hơi mảng bám thông qua ống thông.
  • Khoan mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương: Sử dụng mũi khoan để loại bỏ cặn canxi trong động mạch.
  • Nong mạch bằng stent: Một quả bóng mở động mạch và một cuộn dây kim loại vĩnh viễn được đặt để giữ động mạch mở ra.

Rủi ro của thủ thuật can thiệp mạch vành qua da có thể bao gồm chảy máu, tổn thương mạch máu từ ống thông, phản ứng hay dị ứng với thuốc, ảnh hưởng thận do thuốc cản quang, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, tổn thương động mạch , nhịp tim không đều ...


Nếu bạn cảm thấy không khỏe sau thủ thuật, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức
Nếu bạn cảm thấy không khỏe sau thủ thuật, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức

Người lớn tuổi, người có suy tim, người bị tắc nghẽn nhiều, hoặc người mắc bệnh thận mãn tính có thể có nguy cơ cao hơn. Trong một số trường hợp, có thể xảy ra tái hẹp sau thủ thuật, và nếu điều này xảy ra, quy trình có thể cần được lặp lại. Nếu bạn cảm thấy không khỏe sau thủ thuật, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

3. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là gì?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành tạo ra một lối thông máu mới, giúp máu chảy vòng qua những đoạn động mạch tim bị tắc nghẽn hoặc tắc nghẽn một phần. Quy trình này bao gồm việc sử dụng một đoạn mạch máu khỏe mạnh từ vùng ngực hoặc chân, sau đó nối mạch này dưới đoạn động mạch tim bị chặn. Đường đi mới này giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không phải là biện pháp chữa khỏi các bệnh tim như xơ vữa động mạch hay bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, nó có thể giảm đi các triệu chứng như đau ngực và khó thở. Phẫu thuật có thể giảm nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh tim.


Phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vàng sẽ được áp dụng trong nhiều trường hợp khác so với can thiệp qua da
Phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vàng sẽ được áp dụng trong nhiều trường hợp khác so với can thiệp qua da

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được thực hiện để khôi phục lưu lượng máu xung quanh các đoạn động mạch tim bị tắc nghẽn. Thông thường, quy trình này được thực hiện như một biện pháp cấp cứu trong trường hợp nhồi máu cơ tim, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị bệnh mạch vành ngay lập tức khác như can thiệp cấp cứu không mang lại hiệu quả.

Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật bắc cầu động mạch vành nếu bạn gặp các điều kiện sau

(thường các bác sĩ sẽ tính thang điểm nguy cơ SYNTAX trước khi quyết định can thiệp mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu):

  • Tắc nghẽn ở động mạch liên thất trước , động mạch cung cấp lượng máu lớn cho cơ tim.
  • Hẹp nặng thân chung động mạch vành trái.
  • Hẹp nhiều nhánh mạch vành kèm vôi hóa nặng
  • Tái hẹp trong stent mạch vành đã can thiệp

Sau khi đặt stent nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu để giải quyết vấn đề này
Sau khi đặt stent nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu để giải quyết vấn đề này

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một phẫu thuật lớn, xâm lấn tim và như mọi phẫu thuật khác, nó không tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Các biến chứng có thể xuất hiện sau phẫu thuật này bao gồm:

  • Chảy máu.
  • Nhồi máu cơ tim do cục máu đông hình thành sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng tại vết thương ở ngực.
  • Sử dụng máy thở kéo dài.
  • Loạn nhịp tim.
  • Vấn đề về thận.
  • Đột quỵ.
  • Tử vong.

Nguy cơ biến chứng tăng lên khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được thực hiện dưới dạng một phẫu thuật khẩn cấp.

Rủi ro cụ thể của bạn sau phẫu thuật này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể trước khi phẫu thuật. Các điều kiện y tế sau đây có thể làm tăng nguy cơ biến chứng:

  • Tắc động mạch ở chân
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Tiểu đường.
  • Bệnh thận.

Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật
Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ sau phẫu thuật

Việc sử dụng thuốc để kiểm soát chảy máu, huyết áp và ngăn ngừa nhiễm trùng thường được thực hiện trước phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng.

Tóm lại, can thiệp mạch vành qua da (PCI) và ghép bắc cầu động mạch vành (CABG) là hai thủ thuật được sử dụng để điều trị bệnh động mạch vành (CAD). Nhìn chung, PCI là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành nhẹ đến trung bình và không có nguy cơ cao bị biến chứng. Trong khi đó, CABG là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân có bị bệnh mạch vành nặng, hoặc không đủ điều kiện cho PCI.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe