Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh mạch vành là bệnh lý có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành hiện nay gồm điều trị nội khoa, can thiệp và phẫu thuật. Can thiệp động mạch vành qua da là biện pháp điều trị không cần mổ, vừa làm giảm triệu chứng vừa giải quyết được nguyên nhân là sự hẹp lòng mạch.
1. Trường hợp nào cần can thiệp động mạch vành qua da
Can thiệp động mạch vành qua da là thủ thuật can thiệp qua ống thông, luồn dây dẫn qua tổn thương (hẹp, tắc), rồi đưa bóng và/hoặc stent lên để nong rộng chỗ hẹp/tắc và đặt stent để lưu thông lòng mạch. Can thiệp động mạch vành qua da đôi khi cũng đi kèm các thủ thuật đặc biệt khác như hút huyết khối, khoan phá mảng xơ vữa...
Can thiệp động mạch vành qua da được chỉ định trong điều trị bệnh mạch vành, cụ thể:
- Đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Đau thắt ngực ổn định, có tình trạng thiếu máu cơ tim (nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và tổn thương tại động mạch vành cấp máu cho một vùng cơ tim lớn.
- Đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên nhưng phân tầng nguy cơ cao.
- Trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.
- Đau thắt ngực xuất hiện sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.
- Sau can thiệp động mạch vành qua da có triệu chứng tái hẹp.
Thủ thuật nong và đặt stent động mạch vành qua da chống chỉ định với những trường hợp:
- Tổn thương không thích hợp cho can thiệp (ví dụ: tổn thương nặng lan tỏa, tổn thương nhiều thân mạch vành, tổn thương đoạn xa,...).
- Tổn thương mạch vành có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu động mạch vành đó bị tắc lại trong quá trình can thiệp.
- Bệnh nhân có thể trạng dễ chảy máu nặng (số lượng tiểu cầu thấp, rối loạn đông máu,...)
- Không tuân thủ điều trị trước và sau khi làm thủ thuật can thiệp.
- Tái hẹp mạch vành ở nhiều vị trí sau khi can thiệp...
2. Lợi ích của can thiệp động mạch vành qua da
Trái với phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành cần mở lồng ngực, can thiệp động mạch vành qua da được thực hiện chỉ bằng cách mở một lỗ nhỏ trên da để đưa ống thông nhỏ (catheter) vào động mạch ở đùi hay cổ tay. Người bệnh chỉ cần gây tê tại chỗ chứ không gây mê như mổ mở nên bệnh nhân vẫn tỉnh táo và không cảm thấy đau trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
Quá trình đặt stent diễn ra nhanh chóng, trong vòng khoảng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1 – 2 ngày. Nong và đặt stent động mạch vành qua da giúp giải quyết tình trạng hẹp tắc trong động mạch vành, giúp tưới máu cho cơ tim tốt hơn, cho phép bệnh nhân có thể hoạt động bình thường mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực.
Trong trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cùng với việc điều trị bằng thuốc, can thiệp động mạch vành giúp tái tưới máu mạch vành để hạn chế vùng cơ tim bị tổn thương do thiếu máu, đồng thời cũng giúp phòng tắc hẹp tái phát, hạn chế cơn đau thắt ngực trở lại.
3. Can thiệp động mạch vành qua da được tiến hành như thế nào?
Can thiệp động mạch vành qua da được tiến hành gồm các bước sau:
- Bệnh nhân được bác sĩ giải thích về thủ thuật, biến chứng có thể gặp và được ký cam kết thực hiện thủ thuật
- Trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân được dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel). Kiểm tra lại các tình trạng bệnh đi kèm, chức năng thận, tiền sử bệnh lý như tiền sử xuất huyết tiêu hóa, các bệnh rối loạn đông máu, dị ứng các thuốc cản quang...
- Sát khuẩn vùng làm thủ thuật, gây tê tại chỗ
- Đặt ống thông can thiệp
- Sau khi chụp động mạch vành chọn lọc, xác định tổn thương, xác định vị trí cần phải can thiệp
- Đưa catheter dẫn đường đặc biệt vào để lái theo động mạch đến động mạch vành. Sau đó, một dây dẫn rất nhỏ và mỏng được luồn qua ống thông trên để đưa đến vị trí tổn thương rồi xuyên qua chỗ tắc trong lòng động mạch vành
- Tuỳ thuộc vào tổn thương của động mạch vành, bác sĩ có thể dùng một bóng nhỏ đặc biệt đưa vào nong chỗ hẹp tắc trong động mạch vành (có thể chỉ nong bóng đơn thuần, không đặt stent hoặc nong bóng kết hợp với đặt stent)
- Một hoặc một vài stent sẽ được đặt vào vị trí tổn thương để tránh hiện tượng tái hẹp trở lại sau can thiệp
- Sau khi đặt stent, chụp lại động mạch vành để đảm bảo không có biến chứng (lóc tách động mạch vành, dòng chảy chậm,...)
4. Những lưu ý sau khi thực hiện can thiệp động mạch vành qua da
Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tại giường, nếu can thiệp đường mạch quay (chọc vùng cổ tay), nên gác cao tay và để tay được ổn định giúp việc cầm máu tốt hơn. Nếu can thiệp qua đường động mạch đùi, bệnh nhân cần nằm bất động trong vòng 6 đến 8 giờ, đặc biệt là chân bên làm thủ thuật để chắc chắn rằng vết chọc đã cầm máu. Lưu ý ấn giữ vùng vết chọc khi ho hoặc hắt hơi. Gọi ngay y tá khi phát hiện ra chảy máu tái phát hoặc thấy đau nhiều vùng can thiệp. Người bệnh nên uống thêm nước để phòng tụt huyết áp và bệnh thận do tác dụng của thuốc cản quang.
Sau khi xuất viện, cần lưu ý dùng thuốc đầy đủ và khám bệnh định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dừng thuốc hay đổi thuốc. Nếu có xuất hiện đau ngực trở lại bệnh nhân phải đi khám ngay.
Áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống nhằm phòng ngừa tái phát như:
- Kiểm soát tốt các chỉ số như huyết áp, đường máu, mỡ máu
- Không hút thuốc, không uống rượu bia.
- Thực hiện chế độ tập luyện thể dục, nghỉ ngơi hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim học Việt Nam