Dọa sảy thai thường gặp ở những tháng đầu thai kỳ và gây hoang mang, lo lắng cho nhiều thai phụ. Tuy nhiên nếu sớm phát hiện các dấu hiệu dọa sảy thai và điều trị hợp lý thì thai nhi sẽ dần phát triển khỏe mạnh và ổn định trong bụng mẹ.
1. Dọa sảy thai là gì?
Dọa sảy thai là tình trạng thai nhi vẫn còn sống trong tử cung nhưng thai phụ có các hiện tượng đau bụng, ra máu. Dọa sảy thai thường diễn ra vào những tháng đầu của thai kỳ do vào thời điểm này, trứng được thụ tinh vẫn chưa dính chắc hoàn toàn vào thành tử cung nên dễ bị bong ra.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến dọa sảy thai, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
- Thai phụ quá lớn tuổi ( thường trên 35 tuổi) hoặc mắc một số bệnh lý nền trong khi mang thai như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp...
- Phụ nữ đã từng phá thai nhiều lần hoặc sử dụng nhiều thuốc tránh thai khiến niêm mạc tử cung mỏng hơn gây khó khăn cho việc giữ trứng đã được thụ tinh và tăng nguy cơ dọa sảy thai.
- Thai phụ phải lao động mạnh và vất vả trong quá trình mang thai kèm theo chế độ dinh dưỡng không đầy đủ khiến thai nhi phát triển yếu, nguy cơ dọa sảy thai tăng cao.
- Va chạm vào bụng bầu do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt và lao động hằng ngày cũng có nguy cơ dọa sảy thai.
- Thai nhi và mẹ bất đồng nhóm máu sẽ khó phát triển trong bụng mẹ
- Thai nhi bị thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể cũng có nguy cơ dọa sảy thai cao.
2. Các dấu hiệu dọa sảy thai bạn nên biết
Trong quá trình mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ nên chú ý một số dấu hiệu cảnh báo dọa sảy thai. Nếu gặp phải các dấu hiệu sau, thai phụ nên đến bệnh viện kiểm tra để biết chính xác tình trạng của thai nhi:
Đau bụng: Đây là dấu hiệu dọa sảy thai mà thai phụ dễ dàng nhận biết nhất. Thai phụ sẽ cảm thấy đau râm râm quanh bụng hoặc có thể là đau từng cơn ở bụng dưới kèm theo mỏi ở vùng thắt lưng. Khi thai phụ thấy các cơn đau không thuyên giảm mà có xu hướng đau nhiều hơn thì nên đi bệnh viện kiểm tra ngay.
Rau máu: Tùy vào trạng thái dọa sảy thai nặng hay nhẹ mà thai phụ có thể ra máu từ màu hồng nhạt đến đỏ và đỏ sậm, nâu. Đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu thai phụ thấy hiện tượng ra máu bất thường thì nên đi thăm khám vì đây có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai. Ngoài ra một số trường hợp dọa sảy thai nhưng không ra máu, để xác định chính xác tình trạng này phải dựa vào siêu âm vì vậy thai phụ phải đi khám thai định kỳ để có thể sớm phát hiện những bất thường của thai nhi.
Sốt cao: Thai phụ trong quá trình mang thai nếu bị sốt cao thì có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, nên đi khám để biết chính xác tình trạng cơ thể mình.
Đi tiểu đau buốt: Tiểu buốt là dấu hiệu hệ tiết niệu của thai phụ đang có vấn đề, thai phụ nên đi khám và điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra tình trạng này vì nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến dọa sảy thai ở những tháng đầu thai kỳ.
3. Cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sảy thai?
Không phải bất cứ dấu hiệu dọa sảy thai nào cũng khiến thai phụ bị sảy thai. Nếu thai phụ sớm phát hiện và chăm sóc kịp thời sẽ giúp thai ổn định và phát triển bình thường. Sau đây là một số điều thai phụ cần thực hiện khi có dấu hiệu dọa sảy thai:
Ổn định tâm lý: Nhiều thai phụ gặp trạng thái căng thẳng, lo lắng khi gặp các triệu chứng dọa sảy thai, điều đó phần nào sẽ làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy các thai phụ cần ổn định lại tâm trạng, tránh căng thẳng quá mức và giữ tâm lý thoải mái nhất có thể.
Nghỉ ngơi: Thai phụ nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý đặc biệt với những người có dấu hiệu dọa sảy thai. Nếu thai phụ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ quan sinh sản khỏe mạnh và không bị kích thích, phần nào giúp bảo vệ thai nhi trong tử cung của người mẹ.
Kiêng hoạt động mạnh: Thai phụ nên tránh hoạt động mạnh trong suốt quá trình mang thai. Đặc biệt nếu bị dọa sảy thai, thai phụ nên kiêng hoạt động mạnh nếu không nguy cơ sảy thai sẽ tăng cao.
Ăn uống theo chế độ hợp lý: Thai phụ nên bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ thông qua ăn uống hoặc sử dụng các loại thuốc tổng hợp vitamin cho bà bầu.
Không xoa bụng: Thai phụ gặp các dấu hiệu dọa sảy thai nên tuyệt đối không được xoa bụng vì điều này sẽ kích thích tử cung co bóp và đẩy thai nhi ra ngoài, làm tăng nguy cơ sảy thai.
Quan hệ tình dục hợp lý: Nên hạn chế quan hệ tình dục trong ba tháng đầu thai kỳ.
Khám thai định kỳ: Việc khám thai định kỳ sẽ giúp thai phụ nhanh chóng phát hiện ra những bất thường ở thai nhi và sớm có phương án xử trí. Bên cạnh đó thai phụ sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai để thai nhi có thể phát triển thuận lợi nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.