Bài viết được thực hiện bởi bác sĩ Trần Hải Đăng - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) có tiêm thuốc đối quang thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm nhiễm, mạch máu, khối u...
1. Sử dụng thuốc đối quang khi chụp cộng hưởng từ có an toàn không?
Thuốc đối quang từ được sử dụng rộng rãi và rất an toàn khi thực hiện chụp cộng hưởng từ. Chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang hầu như không gây ra cảm giác khó chịu hay có phản ứng dị ứng nào cho bệnh nhân sau tiêm thuốc. Tất cả các bệnh nhân khi cần cho việc chẩn đoán bệnh đều có thể được tiêm thuốc đối quang từ.
Theo khuyến cáo của ESUR 2018 về hướng dẫn thuốc tương phản, không bắt buộc thực hiện xét nghiệm chức năng lọc cầu thận cho tất cả các bệnh nhân cần tiêm thuốc đối quang từ.
Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh thận, cần thận trọng khi tiêm thuốc đối quang từ ở các bệnh nhân suy thận nặng có GFR < 30ml/phút.
Nếu ở phụ nữ đang mang thai chỉ được chỉ định tiêm thuốc khi thật sự cần thiết, và nếu đang cho con bú thì cũng không bắt buộc phải vắt bỏ sữa trong 24 giờ sau tiêm thuốc đối quang như trước đây.
2. Chuẩn bị trước khi chụp cản quang
Khi bệnh nhân có hẹn chụp MRI có thuốc cản quang từ, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn hay uống hoàn toàn. Ngoại trừ những trường hợp bệnh nhân không tỉnh táo hoặc cần sử dụng thuốc an thần, gây mê trong khi chụp. Những trường hợp này, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể trong từng trường hợp kể từ khi đặt hẹn.
Chụp cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang cũng như tất cả các thăm khám khác, cần sự tập trung hợp tác của bệnh nhân. Bệnh nhân trước khi chụp MRI có tiêm đối quang không được dùng các chất kích thích như:
- Thuốc lá
- Rượu, bia
- Cà phê.
Bệnh nhân không cần ngừng hay bỏ các thuốc điều trị bệnh trước khi chụp MRI có tiêm đối quang (ví dụ thuốc điều trị huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường...).
Trước khi vào phòng chụp cộng hưởng từ MRI, bệnh nhân sẽ được hỏi, kiểm tra và giải thích đầy đủ các thông tin hay hướng dẫn liên quan đến an toàn khi chụp cộng hưởng từ và bệnh nhân sẽ ký vào giấy xác nhận.
Trong quá trình chụp, bệnh nhân cần nằm im trong khoang máy theo hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên phòng MRI. Ở một số giai đoạn thăm khám, bệnh nhân có thể được kỹ thuật viên yêu cầu không nuốt nước bọt hoặc nhịn thở.
Người bệnh trong phòng chụp MRI sẽ được kỹ thuật viên theo dõi liên tục qua khung kính và hệ thống camera cũng như các phương tiện theo dõi nhịp tim, nhịp thở... gắn trên máy. Máy MRI không phát tia bức xạ như các máy X-quang, CT scanner nhưng có gây ra nhiều tiếng ồn và có thể gây cảm giác ngột ngạt khi nằm lâu trong khoang máy. Nếu có bất cứ vấn đề gì khó chịu trong khi chụp, người bệnh có thể thông báo với kỹ thuật viên qua một quả bóng bóp ở tay, kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ, giúp đỡ ngay lập tức.
Để tiêm thuốc đối quang, bệnh nhân sẽ được đặt sẵn một kim luồn nhỏ trong tĩnh mạch ở tay hoặc chân. Đến thời điểm tiêm thuốc, một lượng nhỏ thuốc đối quang từ (tối đa 5-10ml) sẽ được tiêm vào tĩnh mạch. Cảm giác khi thuốc được tiêm vào khá dễ chịu, không nóng, buốt giống như tiêm thuốc cản quang có I-ốt hoặc một số kháng sinh hay hóa chất khác.
Bệnh nhân có thể chụp MRI có tiêm đối quang nhiều lần, khoảng cách giữa 2 lần tiêm nên cách nhau trên 7 ngày ở những người mắc bệnh suy thận.
Sau khi chụp, bệnh nhân không cần kiêng cữ gì về ăn uống hay thuốc men. Trong một số trường hợp bệnh lý đặc biệt, người bệnh sẽ được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nhưng cần tuân thủ đúng các vấn đề an toàn trước và trong khi chụp. Hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về vấn đề này nếu còn thắc mắc.
XEM THÊM: