Đẻ thường và đẻ mổ là những khái niệm không còn xa lạ trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là với những thai phụ vào những tuần cuối thai kỳ. Nếu như trước đây khái niệm đẻ mổ còn khá mới mẻ và ít được sử dụng thì hiện nay, với những trường hợp gặp khó khăn khi sinh thường, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng thực tế của mẹ để quyết định đẻ thường hay mổ đẻ.
Đẻ mổ (mổ lấy thai) là một thủ thuật y khoa để đưa em bé ra ngoài thông qua vết cắt ở bụng và tử cung của người mẹ.Theo thống kê, tại Việt Nam ở các bệnh viện và thành phố lớn, trung bình trong một trăm trẻ sinh ra, khoảng 35 - 40 trẻ sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ. Một số nghiên cứu ngoài bệnh viện, cho thấy tỷ lệ sản phụ mổ đẻ rất cao .
Phụ nữ đã mổ đẻ trong lần sinh trước đó có thể sinh thường vào lần sau. Quyết định có đẻ mổ tiếp được hay không tùy thuộc vào loại vết mổ trong lần sinh mổ trước đó và số lần đã thực hiện sinh mổ.
Bác sĩ có thể lên kế hoạch cho ca mổ đẻ khi phát hiện chỉ định sinh mổ trước khi chuyển dạ. Lý do đẻ mổ có thể là một hoặc nhiều trường hợp sau đây:
- Bé không quay đầu xuống khi gần đến ngày sinh;
- Mẹ có bệnh lý về tim mạch mà tình trạng có thể trở nên tệ hơn do quá trình chuyển dạ;
- Mẹ bị bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường;
- Mang thai nhiều bé cùng một lúc;
- Mẹ đẻ mổ nhiều lần trước đây;
- Mẹ bị phẫu thuật tử cung trước đó.
Cũng có nhiều trường hợp sản phụ gặp phải vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển dạ dẫn tới quyết định mổ đẻ. Các chỉ định thường liên quan tới:
- Quá trình chuyển dạ chậm và khó khăn hoặc bị ngừng hoàn toàn;
- Bé có các dấu hiệu suy thai như nhịp tim thai quá nhanh hoặc chậm;
- Bé có kích thước quá to, mẹ không thể sinh thường;
- Các vấn đề liên quan tới nhau thai.
Trên thực tế, một số bà mẹ còn lựa chọn gây tê tại chỗ để có thể tỉnh táo đón chờ giây phút bé chào đời, và có thể bên cạnh bé ngay sau khi sinh.
Trước khi bắt đầu phẫu thuật mổ đẻ, y tá sẽ đặt một đường truyền vào trong tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay để truyền thuốc hoặc nước khi phẫu thuật. Trong quá trình mổ đẻ, bác sĩ sẽ rạch một vết xuống vùng bụng dưới. Vì vậy, các bà bầu cần vệ sinh sạch sẽ vùng dưới của mình để tránh bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt một ống thông vào niệu đạo để dẫn lưu bàng quang của bạn. Thủ thuật này giúp làm trống bàng quang và làm giảm nguy cơ bị thương trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng. Đường rạch có thể nằm ngang đường mặc bikini hoặc theo chiều dọc từ gần rốn tới phía trên xương mu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ rạch tiếp một đường ngang hoặc dọc ở thành tử cung của bạn. Thông qua các vết mổ đẻ, em bé sẽ được đưa ra ngoài, sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ nhau thai, cắt dây rốn, làm sạch tử cung và khâu lần lượt các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.
Nếu sản phụ tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật mổ đẻ thì có thể bế con ngay lập tức sau khi kết thúc cuộc “vượt cạn”. Sau đó, sẽ được đưa đến phòng hồi sức. Tại đây, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở, lượng máu và khu vực bụng vừa phẫu thuật. Việc đẻ mổ không ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú, vì vậy bà mẹ có thể yên tâm và bắt đầu cho con bú sớm nhất có thể.
Ngay sau khi phẫu thuật, ống thông được lấy ra khỏi bàng quang. Trong những ngày đầu tiên sau khi mổ, vết mổ bụng sẽ bị đau, vì vậy bác sĩ sẽ kê một toa thuốc giảm đau cho bạn uống sau khi thuốc gây tê, gây mê khi mổ đẻ hết tác dụng. Thời gian nằm viện sau khi mổ đẻ thường là 2-4 ngày để cơ thể dần hồi phục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.