Sự gắn bó với ai đó có tác động rất lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một người. Đôi khi, tình cảm gắn bó có thể xây dựng nên các mối quan hệ lành mạnh, từ đó giúp bạn cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn khi ở cạnh họ.
1. Cảm giác gắn bó với ai đó có giống với tình yêu không?
Sự gắn bó với ai đó là cảm giác gần gũi và tình cảm, giúp bạn duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa lâu dài theo thời gian. Sự gắn bó cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với những kết nối của con người.
Mối liên hệ gắn bó đầu tiên được hình thành giữa bạn và cha mẹ, cũng như những thành viên khác trong gia đình. Sau đó, sự gắn bó phát triển theo thời gian giữa bạn và bạn bè hoặc người bạn đời lãng mạn sau này trong cuộc sống.
Các mối quan hệ lành mạnh được xây dựng dựa trên sự gắn bó về mặt tình cảm giữa người với người ngay cả khi không có bất kỳ sự hấp dẫn lãng mạn hoặc tình dục nào can thiệp. Thực tế, sự gắn bó với ai đó có thể đem lại cảm giác an toàn, vui vẻ, thoải mái và thậm chí là hưng phấn cho bạn khi ở cạnh họ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia cho biết tình yêu và sự gắn bó không hoàn toàn giống nhau. Một tình yêu lâu dài dựa trên sự gắn bó lành mạnh để nảy nở theo thời gian. Tuy nhiên, nếu không có sự ràng buộc, đôi khi bạn có thể cảm thấy bị thôi thúc tìm kiếm một người bạn tình mới khi cảm xúc yêu đương mãnh liệt đầu tiên đã phai nhạt.
Oxytocin – một loại hormone giúp thúc đẩy sự gắn bó và tin tưởng, góp phần tạo tiền đề phát triển nên những tình cảm lâu dài giữa con người với nhau. Nói một cách khác, loại hormone này giúp thúc đẩy bạn vượt qua những giai đoạn đầu tiên của sự hấp dẫn và ham muốn, sau đó tiến vào các mối quan hệ lành mạnh.
Trong tình yêu, có nhiều hormone tham gia vào sự kích thích trong giai đoạn đầu của một mối tình lãng mạn, góp phần tạo ra ham muốn, sự hưng phấn hoặc căng thẳng mà hầu hết bất kỳ ai cũng đều trải qua khi yêu. Cường độ của những cảm xúc này thường mất dần theo thời gian, tuy nhiên sự gắn bó với ai đó vẫn còn tồn tại, giúp bạn cảm thấy yên tâm, an toàn và thúc đẩy cảm giác yêu lâu bền.
2. Sự gắn bó có tác động như thế nào đối với sức khỏe con người?
Theo nhiều nghiên cứu cho biết, tình cảm gắn bó có thể giúp tăng cường sức khoẻ của con người. Sự gắn bó có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất nếu nó giúp bạn xây dựng nên các mối quan hệ lành mạnh.
Tình cảm gắn bó giữa người thân, bạn bè hoặc người yêu có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái, an tâm hơn, từ đó ngăn ngừa các tình trạng như trầm cảm hoặc chứng lo âu. Ngoài ra, sự gắn bó với ai đó lâu dài cũng góp phần thúc đẩy những cảm xúc tích cực, giúp bạn hướng tới những thói quen tốt trong cuộc sống và tiết ra hormone hạnh phúc.
Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh dựa trên tình gắn bó có thể giúp bạn hình thành những thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, ít lạm dụng chất kích thích. Điều này cũng giúp ngăn ngừa đáng kể những nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường loại 2, béo phì hoặc huyết áp cao.
3. Khi nào cảm giác gắn bó trở nên độc hại?
Tình cảm gắn bó đôi khi có thể trở nên quá mạnh liệt và phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc. Sự phụ thuộc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và niềm hạnh phúc của bạn.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo mức độ gắn bó của bạn đang trở nên độc hại hoặc không lành mạnh:
- Bạn hoàn toàn dựa vào sự chấp thuận của đối phương
Nếu bạn đấu tranh với việc khẳng định bản thân và sự tự tin, bạn có thể nhìn nhận giá trị của mình thông qua quan điểm của người khác. Trong một mối quan hệ ràng buộc không lành mạnh, cảm nhận về giá trị bản thân của bạn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào đối phương.
Khi bạn không đồng tình hoặc xảy ra xung đột, điều này có thể phá vỡ nhận thức của bạn về bản thân. Bạn có thể tin rằng đối phương ghét bỏ mình và không còn đáp ứng những nhu cầu tình cảm của bạn. Kết quả, bạn chính là người bị tổn thương, cảm thấy trống rỗng, lo lắng, chán nản và thậm chí bị hạ thấp lòng tự trọng.
Những cảm xúc tiêu cực này sẽ tồn tại cho đến khi đối phương thực hiện một hành động nào đó để chứng tỏ họ vẫn quan tâm đến bạn, chẳng hạn như tặng quà, hoặc khen ngợi,... Điều này có thể trở thành một động thái nguy hiểm, vì những người độc hại có thể mượn cớ để lạm dụng, cố tình thao túng nhu cầu và cảm xúc của bạn để kiểm soát mối quan hệ, từ đó khiến bạn bị phụ thuộc vào họ.
- Bạn đã đánh mất ý thức về bản thân
Khi bạn tin rằng mình cần gắn bó với ai đó và không thể sống thiếu họ, bản thân bạn sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để có thể đảm bảo tình cảm cũng như sự ủng hộ lâu dài của họ. Từng chút một, bạn sẽ trở nên bắt đầu sửa đổi những thói quen, hành vi và sở thích của mình cho đến khi chúng phù hợp với đối phương.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng không như bạn mong muốn. Mối quan hệ mà bạn mong chờ có thể trở nên không lành mạnh, thậm chí khiến chính bạn không còn nhận ra bản thân mình thực sự là ai. Do đó, sự duy trì sở thích riêng của bạn cũng quan trọng không kém so với việc chia sẻ với bạn bè để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
- Bạn không biết phải làm như thế nào nếu không có đối phương
Phụ thuộc vào người khác để đáp ứng nhu cầu của mình thường khiến bạn gặp khó khăn hơn trong cuộc sống. Đôi khi, sự gắn bó với ai đó có thể phát triển nhờ vào lý do này.
Khi bản thân không cảm thấy an toàn, được chấp nhận hoặc được yêu thương, chúng ta thường có xu hướng tìm đến một người có thể mang lại sự thoải mái, yên tâm và giúp mình bớt cô đơn. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ tinh thần từ người khác có thể khiến bạn không biết phải làm như thế nào nếu không có đối phương.
Nỗi sợ mất họ của bạn có thể trở nên mạnh mẽ đến mức thể hiện ra những hành vi sai trái, chẳng hạn như đào sâu quá khứ của họ hoặc tiếp tục theo dõi những hoạt động thường ngày của đối phương trên mạng xã hội.
- Mối quan hệ không cân bằng
Các mối quan hệ lành mạnh cần đảm bảo sự cân bằng và độc lập. Những mối quan hệ độc lập thường chỉ liên hệ giúp đỡ khi gặp khó khăn thực sự, nhưng những mối quan hệ phụ thuộc có xu hướng luôn yêu cầu sự giúp đỡ thay vì cố gắng giải quyết vấn đề một mình.
Trong một mối quan hệ không cân bằng, một người thường tìm đến người khác để được hỗ trợ về mặt tinh thần, tuy nhiên họ thường không được đáp lại nhiều. Nếu đối phương liên tục cung cấp sự hỗ trợ nhưng không nhận được những gì họ cần, họ sẽ trở nên bực bội và kiệt sức.
4. Làm thế nào để phá vỡ tình cảm gắn bó với ai đó?
Nếu bạn cho rằng sự gắn bó với ai đó là kém lành mạnh, bạn có thể tự mình thực hiện một số phương án để giải quyết vấn đề này.
Trước tiên, bạn cần xem xét những lý do tiềm ẩn đằng sau mối quan hệ gắn bó của bạn, chẳng hạn như:
- Bạn sợ ở một mình.
Bạn cảm thấy bất an và trống rỗng khi không ở trong một mối quan hệ. - Bạn có ý thức mơ hồ về bản thân.
Khi bạn đã xác định được những tác nhân cơ bản này, tiếp theo hãy bắt đầu thực hiện các giải pháp sau:
- Dành thời gian để khám phá bản thân, giúp bạn kết nối lại với bản sắc cá nhân của mình.
- Tạo thời gian để làm những việc mà bạn yêu thích, giúp khoảng thời gian ở một mình trở nên bổ ích hơn thay vì sợ cô đơn.
- Làm việc để xây dựng và củng cố các mối quan hệ lành mạnh với người thân và bạn bè, giúp bạn cảm thấy yên tâm hơn.
Trong trường hợp khó tự giải quyết, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần. Đối với hình thức trị liệu, bạn có thể học các kỹ năng giúp mối quan hệ trở nên lành mạnh hơn, tìm hiểu và có ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân, khám phá các chiến lược giúp đáp ứng nhu cầu riêng của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com