Cảm giác khi bị đột quỵ như thế nào? Những điều cần biết về đột quỵ

Cảm giác bị đột quỵ không gây đau như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng nó thường xảy ra đột ngột và khiến phần lớn bệnh nhân mất khả năng xử lý và kiểm soát các hành động của cơ thể. Nếu không phát hiện và xử lý ngay lập tức có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

1. Tìm hiểu về đột quỵ

Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Mỹ, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở người trưởng thành. Nó cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng tàn tật. Tuy nhiên, vì nhiều người chưa nắm được các triệu chứng của đột quỵ nên họ có thể chủ quan bỏ qua và trì hoãn việc điều trị.

Trung bình, trái tim của một người trưởng thành đập khoảng 100.000 lần mỗi ngày. Với mỗi nhịp đập, tim sẽ bơm ra máu giàu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết di chuyển qua một mạng lưới các mạch máu đến với các tế bào.

Tuy nhiên, đôi khi tình trạng tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu xảy ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp máu cho một số vùng trên cơ thể. Khi điều này xảy ra với các mạch cung cấp máu cho cơ tim, nó được gọi là các cơn đau tim. Khi điều này xảy ra với các mạch máu trong não, nó được gọi là “tai biến mạch máu não” hay đột quỵ.

2. Cảm giác khi bị đột quỵ như thế nào?

Phần lớn các triệu chứng đột quỵ xảy đến rất đột ngột và nghiêm trọng. Nếu bạn nghĩ rằng mình hoặc người thân đang bị đột quỵ, hãy để ý đến các dấu hiệu sau:

  • Mất khả năng nói hoặc hiểu;
  • Khó đi bộ hoặc giữ thăng bằng;
  • Sụp mí hoặc tê ở một bên mặt;
  • Yếu hoặc tê ở một bên cơ thể;
  • Khó nhìn bằng một hoặc cả hai mắt;
  • Đau nhức đầu dữ dội.

Một điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng của đột quỵ thường không có cảm giác đau. Điều này khiến nhiều người chủ quan coi thường các triệu chứng và không nhận ra mình đang gặp phải tình huống cấp cứu có thể đe dọa đến tính mạng. Do vậy nếu bạn nhận thấy sự khởi phát đột ngột hoặc rõ rệt của bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy liên hệ gọi cấp cứu ngay lập tức.


Đau nhức đầu dữ dội là một trong các cảm giác bị đột quỵ
Đau nhức đầu dữ dội là một trong các cảm giác bị đột quỵ

3. Làm sao để nhận biết người khác có đang bị đột quỵ hay không?

Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia đã gợi ý một chiến lược dễ dàng để giúp mọi người đánh giá xem ai đó có đang bị đột quỵ hay không. Nếu bạn nghi ngờ ai đó có dấu hiệu đột quỵ, hãy nhớ đánh giá theo công thức FAST sau:

  • F (FACE - Khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười và quan sát xem một bên mặt của họ có bị xệ xuống không?
  • A (ARMS - Cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên. Họ có bị mất kiểm soát khiến một cánh tay bị tuột xuống phía dưới không?
  • S (SPEAKING - Khả năng nói): Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Họ có bị nói ngọng hay giọng lạ không?
  • T (TIME - Thời gian): Nếu bạn quan sát thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đã đến lúc gọi cấp cứu ngay lập tức.

4. Cảm giác đột quỵ khiến cơ thể gặp những nguy cơ nào?

Có 2 dạng đột quỵ chính: đột quỵ xuất huyết và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra còn có một dạng ngoài được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), hoặc “đột quỵ nhỏ”.

4.1. Đột quỵ xuất huyết

Đột quỵ xuất huyết (Hemorrhagic stroke) xảy ra khi một mạch máu yếu trong não bị vỡ. Đây là dạng đột quỵ ít phổ biến nhất nhưng cũng dễ gây tử vong nhất. Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia, đột quỵ xuất huyết chỉ chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp nhưng lại có tỷ lệ tử vong lên đến 40%.

Khoảng thời gian trôi qua trước và khi xảy ra cơn đột quỵ cực kỳ quan trọng. Gia đình cần đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế ngay lập tức để các bác sĩ cầm máu cho não và thực hiện các biện pháp sơ cứu tạm thời.

4.2. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (Ischemic stroke) xảy ra khi có các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất do chiếm đến 87% tổng số trường hợp. Trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc mạnh để làm tan huyết khối, từ đó khôi phục lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên biện pháp này lại cần được xử lý nhanh, bệnh nhân phải được uống thuốc trong vòng 4 đến 5 tiếng kể từ khi có các triệu chứng.

4.3. Thiếu máu não thoáng qua

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) cũng giống với đột quỵ do thiếu máu cục bộ với nguyên nhân, triệu chứng tương tự. Điểm khác biệt là ở tình trạng này, cục máu đông sẽ tự tan và tất cả triệu chứng sẽ hết trong vòng 24 giờ.

Mặc dù không phải là một cơn đột quỵ nhưng cơn thiếu máu cục bộ cũng nên được chẩn đoán và điều trị nghiêm túc. Trải nghiệm thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo rõ nét rằng bạn có thể có nguy cơ cao bị đột quỵ. Theo ước tính, cứ 3 người trải qua TIA thì có 1 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong vòng một năm sau đó. Thông thường, đột quỵ xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị thiếu máu não thoáng qua.


Thiếu máu não thoáng qua là cảm giác đột quỵ sẽ hết trong vòng 24 giờ
Thiếu máu não thoáng qua là cảm giác đột quỵ sẽ hết trong vòng 24 giờ

5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Ngay khi có cảm giác đột quỵ, điều quan trọng là bạn phải đi cấp cứu càng sớm càng tốt, bất kể bạn gặp phải loại đột quỵ nào. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ mỗi phút não bị thiếu máu là có khoảng 2 triệu tế bào não chết vì thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Khi các tế bào não của bạn chết đi, các chức năng cơ thể được kiểm soát bởi các tế bào đó cũng bị mất. Điều này bao gồm các khả năng như đi bộ, giơ tay hoặc giao tiếp.

6. Điều gì xảy ra sau mỗi cơn đột quỵ?

Trải qua một cơn đột quỵ có thể khiến người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ mà bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng đến một số chức năng của cơ thể. Một số khả năng có thể hồi phục dần theo thời gian, trong khi số khác thì không.

Các bác sĩ và đội ngũ chăm sóc thường sẽ tập trung vào việc ổn định tình trạng của bệnh nhân ngay sau khi đột quỵ. Họ cũng sẽ chẩn đoán và điều trị bất kỳ tác nhân nào dẫn đến tình trạng trên, nếu không, nguy cơ tái đột quỵ có thể tăng lên và nghiêm trọng hơn.

Trải qua cảm giác đột quỵ có thể là một trải nghiệm đáng sợ đối với nhiều người. Nhưng nếu bạn nắm vững cách nhận biết triệu chứng và sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết, bạn vẫn có cơ hội cải thiện và khôi phục sức khỏe.

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột đi kèm các triệu chứng cục bộ và kéo dài trên 24 giờ hoặc nặng hơn là tử vong trong 24 giờ. Do vậy, đột quỵ cần phát hiện khẩn cấp để có liệu pháp cấp cứu kịp thời cũng như phục hồi chức năng sớm để làm giảm các cơn đau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe