Calcium Carbonate là khoáng chất được sử dụng để bổ sung thành phần này nhằm phòng ngừa và điều trị một số triệu chứng của cơ thể. Vậy Calcium Carbonate là gì? Calcium Carbonate có tác dụng gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích.
1. Calcium Carbonate là gì?
Calcium Carbonate là thuốc thuộc nhóm khoáng chất và vitamin được bào chế ở dạng viên nén giúp cung cấp thành phần Calcium Carbonate cho cơ thể. Hoạt chất này được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng của người bệnh bằng cơ chế trung hòa để làm giảm acid trào ngược. Ngoài ra, thuốc còn có thể sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị tình trạng giảm nồng độ canxi huyết.
2. Calcium Carbonate có tác dụng gì?
Calcium Carbonate được chỉ định sử dụng trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các hội chứng của cơ thể như:
- Rối loạn canxi huyết
- Ợ hơi, ợ chua
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Khó tiêu
Calcium Carbonate có một số chống chỉ định khi bệnh nhân mắc phải một trong các trường hợp sau:
- Các bệnh lý về thận như suy thận, sỏi thận,...
- Các khối u ở xương
- Sarcoidosis
- Tuyến cận giáp tăng cường hoạt động quá mức
- Nồng độ canxi huyết cao
- Cơ thể mất nước trầm trọng
3. Cách sử dụng Calcium Carbonate
Việc sử dụng Calcium Carbonate phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân. Trong đó liều lượng khuyên dùng bao gồm:
- Người trưởng thành mắc bệnh loãng xương: Sử dụng liều 2500 – 7500 mg/ngày, chia thành 2 – 4 liều.
- Người trưởng thành có tình trạng giảm canxi huyết: Dùng liều từ 900 – 2500 mg/ngày chia ra thành 2 – 4 liều. Liều lượng sử dụng trong trường hợp này có thể điều chỉnh lại nếu cần để đạt được nồng độ canxi huyết bình thường.
- Người trưởng thành mắc chứng rối loạn tiêu hóa: Uống 300 – 8000 mg/ngày uống và chia thành 2 – 4 liều. Bác sĩ có thể điều chỉnh tăng liều khi cần thiết để giúp giảm các triệu chứng đau dạ dày. Tuyệt đối không uống vượt quá liều tối đa hàng ngày và kéo dài trên 2 tuần, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Người trưởng thành bị loét tá tràng: Uống khoảng 1250 – 3750 mg/ngày và chia ra 2 – 4 lần. Bác sĩ có thể xem xét tăng liều khi cần thiết để làm giảm sự khó chịu ở bệnh nhân.
- Người trưởng thành bị loét dạ dày: Uống 1250 – 3750 mg/ngày và chia ra thành 2 – 4 lần. Bác sĩ có thể xem xét tăng liều khi cần thiết để làm giảm sự khó chịu ở bệnh nhân.
4. Một số tác dụng phụ khi sử dụng Calcium Carbonate
Trong quá trình sử dụng Calcium Carbonate có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn, nôn, táo bón, đau đầu, ăn không ngon,... Nếu các triệu chứng này kéo dài và không thuyên giảm thì bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ để được xử trí.
5. Tương tác giữa Calcium Carbonate và các thuốc khác
Calcium Carbonate có thể tương tác và gây ra những phản ứng không mong muốn hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị khi dùng cùng lúc với những loại thuốc sau: Alendronate, Ciprofloxacin, Calcium acetate, Doxycycline, Digoxin, Levofloxacin, Sodium polystyrene sulfonate, Potassium phosphate. Do đó, bệnh nhân cần báo cáo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, thảo dược bổ sung, vitamin đang sử dụng để bác sĩ có thể giúp bạn phòng chống hoặc kiểm soát tương tác thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.