Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có hơn 8 năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực Sản phụ khoa.
Hiện tượng mất ngủ khi mang thai là nỗi sợ hãi của rất nhiều bà bầu, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ khiến các thai phụ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Có khoảng 50% bà bầu mất ngủ 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Cải thiện chứng mất ngủ là điều cần làm để giúp thể trạng của thai phụ khỏe mạnh trong suốt thời gian mang thai.
1. Hiện tượng mất ngủ khi mang thai là gì?
Hiện tượng mất ngủ khi mang thai là một trong những rối loạn về giấc ngủ. Biểu hiện của các rối loạn đó là:
- Khó đi vào giấc ngủ.
- Khó duy trì giấc ngủ.
- Tỉnh dậy nhiều lần (mỗi lần nhiều hơn 30 phút) trong giấc ngủ.
- Thức dậy quá sớm.
- Sau khi thức dậy vẫn thấy mệt, không sảng khoái.
Đa số thai phụ thường bị mất ngủ trong giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số thai phụ mất ngủ suốt cả thai kỳ.
Tình trạng mất ngủ khi mang thai khiến thai phụ mệt mỏi, mất sức trong suốt thai kỳ làm ảnh hưởng đến chất sức khỏe lẫn tinh thần của thai phụ. Dù vậy tình trạng này thực tế không gây hại cho em bé.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mất ngủ khi mang thai?
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất ngủ khi mang thai là do sự phát triển của thai nhi, khiến thai phụ khó tìm được tư thế ngủ phù hợp, đặc biệt là khi thai ở 3 tháng cuối.Ngoài ra, những yếu tố sau cũng góp phần gây ra hiện tượng mất ngủ khi mang thai:
- Đi tiểu nhiều lần trong đêm và tăng lượng urê
Khi mang thai, thận phải làm việc thêm 30 - 50% để lọc thêm khối lượng máu, điều này làm lượng urê tăng vọt và bàng quang cũng chứa nhiều nước tiểu hơn. Hơn thế nữa, dạ con ngày càng lớn, chèn ép lên bàng quang khiến mẹ bầu khó chịu và phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu, kể cả ban đêm.
- Đau lưng, hông, chân và tình trạng chuột rút
Chuột rút là tình trạng thường gặp ở bà bầu, hay xảy ra đột ngột ở đùi, bắp chân. Cơn đau tại vị trí chuột rút khiến bà bầu phải thức giấc, gây ra tình trạng mất ngủ, khó ngủ khi mang thai 3 tháng cuối. Hơn thế nữa, khi thai nhi càng phát triển, phần lưng, xương hông và chân phải chịu đựng sức nặng của cả cơ thể nên thai phụ dễ bị đau lưng. Đây là nguyên nhân khiến thai phụ bị mất ngủ.
- Ợ hơi và táo bón
Khi thai nhi ngày càng phát triển, chèn ép dạ dày, gây ra tình trạng đẩy thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi mang thai, hệ tiêu hóa của người mẹ cũng hoạt động kém hơn, thức ăn lưu lại ở dạ dày và ruột lâu hơn, gây khó tiêu, ợ hơi và táo bón. Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều dưỡng chất trong thai kỳ cũng khiến cơ thể không hấp thụ hết, cùng với sự thay đổi các hormon trong cơ thể gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa. Đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ khi mang thai.
- Ốm nghén
Tình trạng ốm nghén gồm những khó chịu thường gặp trong đầu thai kỳ như buồn nôn, mệt mỏi, ... cũng khiến thai phụ bị mất ngủ.
- Các vấn đề về hô hấp
Những tháng đầu mang thai, sự đổi các hormone khiến mẹ bầu thở chậm và sâu, khó thở hơn bình thường. Khi thai nhi càng lớn, dạ con phát triển và chèn ép lên cơ hoành, khiến cử động của cơ hoành giảm nên thai phụ phải thở sâu cũng như thở nhiều hơn để lấy nhiều không khí chứa oxy, do đó thấy khó thở hơn. Việc này làm tăng hơn 40% dung tích thở, tuy nhiên, nhu cầu oxy lại chỉ tăng 20%, do đó mẹ bầu thở ra nhiều carbon dioxide hơn so với bình thường, làm nồng độ carbon dioxide trong máu thấp. Hiện tượng thở nông khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu và gây ra hiện tượng mất ngủ khi mang thai.
- Tăng nhịp tim
Khi mang thai, tim phải làm việc nhiều hơn bình thường, do đó, nhịp tim sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn tới dạ con, gây ra tình trạng mất ngủ.
- Thai nhi ngày càng phát triển
Đây cũng là lúc bé bắt đầu đạp, xoay chuyển, nhào lộn trong bụng mẹ cũng làm cho mẹ bầu khó ngủ hơn.
- Lo lắng và căng thẳng
Những lo lắng, suy nghĩ và kế hoạch trong thai kỳ cũng như sau sinh về sự phát triển của thai nhi, vấn đề chăm sóc và nuôi dạy bé, các vấn đề khác trong xã hội như công việc, gia đình, các mối quan hệ cũng có thể là nguyên nhân gây tình trạng mất ngủ khi mang thai.
3. Trị chứng mất ngủ khi mang thai như thế nào?
- Thai phụ tránh ăn quá no hoặc uống quá nhiều nước trước khi ngủ. thời gian ăn nên cách khoảng 2 - 3 giờ trước giờ đi ngủ để cơ thể có thể tiêu hóa hết thức ăn.
- Tăng cường cung cấp thực phẩm giàu vitamin B cho cơ thể như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám để giúp ngủ ngon hơn.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không bị quá tải, tránh hiện tượng ợ nóng, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây ra tình trạng mất ngủ khi mang thai.
- Tránh và hạn chế các loại thực phẩm ngọt vì có thể gây tiểu đường thai kỳ.
- Hạn chế các thức uống kích thích như: cà phê, trà, socola...
- Có một số loại thảo mộc chứa nhiều thành phần giúp thư giãn và làm dịu như: trà hoa cúc, trà hoa oải hương, trà tim sen, táo đỏ ..
- Nên tập thói quen ngủ nằm nghiêng bên trái, uốn cong đầu gối hoặc gác chân lên cao, sẽ giúp thai phụ ngủ thoải mái hơn vì làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, hạn chế tình trạng phù nề, tăng lượng máu cung cấp cho tim, làm giảm hội chứng huyết áp thấp và giúp tuần hoàn máu tới thai tốt hơn.
- Xây dựng thói quen ngủ và thức dậy đúng giờ có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn giấc ngủ, trị mất ngủ khi mang thai.
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để giúp lưu thông khí huyết, giảm stress khi mang thai.
- Vận động nhẹ nhàng và đều đặn, nhẹ nhàng (ví dụ như đi bộ) có thể cải thiện chứng chuột rút. Tập các bài tập thư giãn trước lúc đi ngủ.
- Có thể tắm nước ấm, massage nhẹ nhàng, ngâm chân trong nước ấm, trước khi ngủ để mạch máu lưu thông tốt hơn và dễ ngủ. Có thể xông tinh dầu như hoa oải hương, hoa cúc,.. có khả năng làm dịu thần kinh.
- Chế độ ăn cần bổ sung đủ muối và canxi, vì nếu thiếu hai chất có thể dẫn đến hiện tượng chuột rút ở bà bầu, gây tình trạng mất ngủ khi mang thai.
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ giấc ngắn (khoảng 30 - 60 phút) vào buổi trưa hoặc trong ngày, để làm những triệu chứng mệt mỏi trong thai kỳ, não bộ cũng được nghỉ ngơi, cải thiện trí nhớ tốt hơn. Tuy nhiên, không nên ngủ nhiều vào ban ngày vì sẽ gây khó ngủ vào ban đêm.
- Đi vệ sinh trước khi ngủ để không phải thức dậy nhiều lần trong đêm.
- Chuẩn bị nơi ngủ sạch sẽ, thoáng mát khi trời nóng và ấm áp khi trời lạnh, sẽ giúp giấc ngủ đi vào dễ dàng hơn, trị mất ngủ khi mang thai.
- Tránh xem phim, đọc sách gây xúc động mạnh trước giờ ngủ.
- Tránh căng thẳng, lo lắng trước khi ngủ.
4. Những câu hỏi thường gặp về việc bà bầu bị mất ngủ
Mất ngủ có phải là dấu hiệu mang thai sớm? Tình trạng mất ngủ có thể là một dấu hiệu mang thai sớm. Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực, buồn nôn, nôn, đi tiểu thường xuyên, đau lưng.
Mất ngủ khi mang thai những tháng cuối có phải là dấu hiệu chuyển dạ ? Mất ngủ ở mẹ bầu khi mang thai giai đoạn cuối là tình trạng phổ biến trước khi chuyển dạ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do sự bài tiết oxytocin, làm cho mẹ bầu tỉnh táo khó ngủ, hoặc có khi gây ra những cơn go sinh lý ban đêm làm tăng cảm giác đau lưng, đi tiểu thường xuyên.
Bà bầu nên ngủ bao nhiêu giờ một ngày? Bà bầu nên ngủ ít nhất 8 giờ vào ban đêm. Nếu bà bầu ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm sẽ làm tăng khả năng chuyển dạ kéo dài và tăng nguy cơ sinh mổ. Đối với hầu hết các trường hợp, chứng mất ngủ sẽ dần giảm nhẹ hoặc biến mất sau khi bà bầu đã trải qua 3 tháng đầu mang thai và chỉ xuất hiện lại khi thai kỳ tiến gần đến giai đoạn chuyển dạ. Nếu bạn gặp phải tình trạng này nên ngủ trưa nhiều hơn để bù lại. Mặt khác, mẹ bầu cần tránh sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.