Cách xử lý triệt để tránh bị rệp giường đốt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Rệp giường là loài côn trùng hút máu người với kích thước nhỏ, gây nhiều phiền toái cho con người. Bị rệp giường đốt gây ngứa nhiều, khó phân biệt vết rệp giường đốt với vết đốt của các loại côn trùng khác. Điều quan trọng cần làm để tránh bị rệp giường đốt là diệt rệp giường tận gốc bằng các phương pháp khác nhau.

1. Rệp giường là gì?

Rệp giường là loài côn trùng có kích thước nhỏ bé, trung bình chỉ khoảng 5 mm, tương đương kích thước một hạt táo. Chúng có khả năng lẩn trốn vào những ngóc ngách nhỏ, di chuyển nhanh qua nhiều nơi nên thường có thể sống lâu trong nhiều tháng mà không bị phát hiện. Khả năng sinh sản tốt cho phép chúng sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh chóng. Máu của người và động vật là thức ăn chính của rệp giường. Cơ thể của rệp giường chuyển từ nâu sang đỏ khi được hút đầy máu.

Môi trường ẩm thấp là điều kiện sinh sống thuận lợi của rệp giường, chúng có thể đạt được tốc độ sinh trưởng tối đa trung bình trong khoảng một tháng. Rệp giường dễ dàng được tìm thấy trong hầu như mọi khu vực xung quanh nhà bạn, các văn phòng, khách sạn hoặc các tiệm quần áo. Chúng có thể bám lên áo quần của người đến mua hàng và đi theo về nhà riêng trong im lặng. Thậm chí những vật dụng cá nhân như túi xách, ba lô cũng có thể chứa các ổ rệp giường, lây lan qua những chuyến đi, từ người này sang người khác hoặc từ phòng này sang phòng khác.

2. Dấu hiệu gợi ý bị rệp giường đốt


Vết rệp giường đốt thường có triệu chứng ngứa nổi bật
Vết rệp giường đốt thường có triệu chứng ngứa nổi bật

Vết rệp giường đốt thường có triệu chứng ngứa nổi bật. Tuy nhiên bị muỗi hoặc các loại côn trùng khác đốt cũng có thể gây ngứa. Trứng rệp hoặc vết máu có thể được tìm thấy trên giường hoặc các khu vực khác trong phòng xung quanh giường ngủ. Việc xác định chính xác việc bị rệp giường cắn không phải là điều dễ dàng vì hiếm khi có thể trực tiếp được nhìn thấy rệp cắn. Một số dấu hiệu có thể là bằng chứng về sự hiện diện của rệp giường như đốm tối màu hoặc vệt đỏ trên vải, nệm, hay ghế sofa, áo quần

3. Xử trí đúng cách khi bị rệp giường đốt

Có thể tự xử trí vết rệp giường đốt tại nhà nếu như chỉ có các triệu chứng tại chỗ bằng các bước sau:

  • Cần rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước xà phòng để làm sạch và phòng tránh nhiễm khuẩn tại chỗ.
  • Khi triệu chứng ngứa nhiều, dai dẳng có thể sử dụng kem có chứa corticoid với hàm lượng thấp để bôi tại vết rệp giường cắn. Tuyệt đối không gãi hoặc chà xát mạnh, tránh làm tổn thương lan rộng.
  • Đến gặp bác sĩ nếu như bị rệp giường cắn ở nhiều vị trí, vết rệp giường cắn đau nhiều, nổi các phỏng nước hoặc gặp phải phản ứng dị ứng như vết sẩn đỏ lan rộng, đau nhức nhiều, nổi ban đỏ ngứa toàn thân, ...

4. Biện pháp diệt rệp giường tận gốc

Diệt rệp giường không phải là điều dễ dàng thành công trong thời gian ngắn vì kích thước nhỏ bé và khả năng lẩn trốn của chúng. Nếu không thực hiện diệt rệp giường đúng cách, chúng ta còn có thể gián tiếp làm tăng số lượng và phạm vi hoạt động của chúng. Một số biện pháp giúp diệt rệp giường tận gốc mà bạn nên áp dụng như:

  • Thường xuyên giặt giũ, vệ sinh nệm, chiếu, chăn, áo gối định kỳ để diệt rệp giường. Lưu ý các khu vực hoặc đồ vật đặt xung quanh giường nệm như áo quần, rèm cửa cũng cần được vệ sinh sạch sẽ. Sấy khô sau giặt bằng máy sấy hoặc phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời là bước thực hiện không thể thiếu sau giặt vì môi trường ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho rệp giường sinh sôi phát triển.
  • Hút sạch bụi trên giường, gối, chăn nệm và các môi trường xung quanh hằng tuần để ngăn cản sự sinh sôi của rệp. Luôn ghi nhớ vệ sinh các kẽ hoặc ngóc ngách nhỏ, khu vực dưới gầm giường, thậm chí cả ổ cắm điện. Sử dụng máy hút bụi mang lại hiệu quả cao hơn, tuy nhiên cần vệ sinh sạch máy hút bụi sau khi sử dụng.

Hút sạch bụi trên giường, gối, chăn nệm và các môi trường xung quanh hằng tuần để ngăn cản sự sinh sôi của rệp
Hút sạch bụi trên giường, gối, chăn nệm và các môi trường xung quanh hằng tuần để ngăn cản sự sinh sôi của rệp
  • Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện rệp giường, có thể dùng bàn là hơi nước ở nhiệt độ cao để diệt rệp tận gốc. Rệp giường và các ấu trùng của nó thường bị tiêu diệt ở nhiệt độ khoảng 60 độ C. Ưu điểm của bàn là hơi nước là có thể len lỏi vào các kẽ, hoặc những khu vực nhỏ.
  • Sử dụng baking soda để diệt rệp giường tận gốc. Baking soda hay thuốc muối là chất bột trắng, có tính kiềm, mặn với khả năng hút ẩm cao. Chúng tiêu diệt được rệp giường nhờ vào cơ chế hút nước từ cơ thể rệp khiến rệp chết khô một cách từ từ. Dùng baking soda để rải đều xung quanh giường, tường, cửa sổ hay bất cứ khu vực nào nghi ngờ có rệp giường đang sinh sống. Sau đó, sử dụng chổi hoặc máy hút bụi để dọn dẹp lượng baking soda này hàng tuần. Nên lặp lại quy trình này nhiều lần.
  • Sử dụng tinh dầu để diệt rệp giường. Một số loại tinh dầu có tính kháng khuẩn và xua đuổi côn trùng như tinh dầu cây trà, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu bạc hà có thể giúp xua đuổi và dự phòng bị rệp giường đốt. Pha tinh dầu nguyên chất với nước lạnh sau đó dùng bình xịt đều khắp phòng là cách sử dụng đơn giản nhất. Ưu điểm của phương pháp này là có khả năng giúp người dùng thư giãn bên cạnh công năng diệt rệp giường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe