Cách tốt nhất rèn trẻ kỷ luật hơn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Là cha mẹ, một trong những công việc quan trọng của bạn là rèn trẻ kỷ luật hơn. Đó là một công việc cần thời gian và sự kiên nhẫn. Đừng để con bạn sa đà vì bạn nghĩ con còn quá nhỏ để hiểu các quy tắc và hậu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ cần học hỏi các chiến lược kỷ luật hiệu quả và lành mạnh.

Bởi vì trẻ em không được sinh ra với các kỹ năng ngôn ngữ xã hội, vì vậy bạn cần dạy con mình về những hành vi phù hợp khi chúng còn nhỏ. Các quy tắc và hành động bạn thực hiện bây giờ sẽ gắn bó với trẻ suốt thời thơ ấu và trưởng thành. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để cha mẹ có cách tốt nhất rèn trẻ kỷ luật hơn một cách hiệu quả.

1. Hành vi điển hình của trẻ mới biết đi

Hầu hết những đứa trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi đều ẩn chứa một nguồn năng lượng vô cùng lớn. Chúng không ngừng chạy nhảy, vui đùa cho đến khi mệt lả. Chính vì vậy, là cha mẹ bạn hãy tìm ra cách lành mạnh để giúp con bạn vui chơi.

Những đứa trẻ mới biết đi có thể dễ bị kích thích quá mức và đôi khi khó lấy lại bình tĩnh. Việc cần làm ngay lúc này là nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi môi trường đó, tìm cách làm phân tán sự chú ý của trẻ.

Trẻ em trong độ tuổi này khám phá mọi thứ bằng tất cả các giác quan đặc biệt là xúc giác. Nhưng các kỹ năng vận động đang phát triển của trẻ, kết hợp với bản tính bốc đồng, có thể khiến trẻ bị thương. Vậy nên, hãy dạy trẻ cách chạm vào mọi thứ an toàn. Những đứa trẻ của bạn cũng thích khẳng định sự độc lập của mình. Đừng ngạc nhiên khi trẻ sử dụng kỹ năng nói mới của mình để nói “Không” và dùng kỹ năng vận động để thoát khỏi sự kiểm soát của bạn.

Vì tất cả những lý do trên nên trẻ mới biết đi cần được dạy về tính kỷ luật. Nó giúp những đứa trẻ nuôi dưỡng tính độc lập và cách cư xử đúng mực với mọi người xung quanh.


Trẻ nhỏ giai đoạn chập chững biết đi luôn chứa nguồn năng lượng vô cùng lớn
Trẻ nhỏ giai đoạn chập chững biết đi luôn chứa nguồn năng lượng vô cùng lớn

2. Cách kỷ luật với trẻ mới biết đi

Hầu hết các bậc cha mẹ luôn băn khoăn về các cách để kỷ luật trẻ mới biết đi của họ. Không có một phương pháp nào được chứng minh đầy đủ về việc kỷ luật trẻ mới biết đi vì tất cả trẻ em đều khác nhau. Bạn nên thử các công cụ kỷ luật đa dạng và xem phản ứng của con bạn để xác định phương pháp cụ thể nào có thể phù hợp với con bạn nhất. Những cơn giận dữ của trẻ có thể gây khó chịu nếu bạn không xử lý kịp thời. Sau đây là một vài gợi ý dành cho bạn:

2.1. Hãy nhất quán

Khi nói đến kỷ luật, điều quan trọng là phải nhất quán. Là cha mẹ, bạn cần phải kiên định trong cách tiếp cận của mình khi cố gắng xây dựng tính kỷ luật cho con mình. Nếu phản ứng của bạn đối với một tình huống liên tục thay đổi, bạn có thể khiến trẻ nhầm lẫn giữa các cách xử lý tình huống.

Trẻ mới biết đi có thể cần được nhắc nhở và kiểm tra liên tục để thay đổi các kiểu hành vi xấu của chúng và áp dụng các cách ứng xử mới. Việc thiết lập một thói quen cho trẻ sẽ tạo cho trẻ một thói quen giúp trẻ cư xử một cách bình tĩnh và đúng mực. Bạn có thể áp dụng từ những cái đơn giản nhất như lịch sinh hoạt của con theo một lịch trình nhất quán về giờ ăn, giờ chơi, giấc ngủ ngắn và giờ đi ngủ.

Và đừng quên rằng trẻ em học bằng cách quan sát người lớn, đặc biệt là cha mẹ chúng. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng hành vi của chính bạn là nguồn tài liệu kiểu mẫu mà con cần học theo. Khi yêu cầu con thu dọn đồ chơi, bạn sẽ gây ấn tượng mạnh hơn nhiều nếu bạn cất đồ đạc của mình đi thay vì để đồ đạc khắp phòng.

2.2. Xác định các yếu tố kích hoạt cơn giận

Nhận biết được những nguyên nhân hoặc kiểu hành vi phổ biến khiến trẻ khó chịu có thể giúp bạn đối phó hiệu quả với trẻ. Lấy ví dụ: nếu trẻ mới biết đi đói hoặc buồn ngủ, trẻ sẽ bị kích động. Thời điểm này đừng tìm cách dạy dỗ trẻ vì trẻ sẽ không thể tiếp thu được bất cứ lời chỉ dạy nào. Một cách tốt để kỷ luật trẻ là không chọc tức trẻ khi trẻ không có tâm trạng tốt.

2.3. Phát triển ý thức về bản thân

Hãy thử cho trẻ tham gia vào các hoạt động mà cả bạn và trẻ có thể làm cùng nhau như cất đồ chơi của trẻ, nấu bữa ăn cho trẻ, đi tắm hoặc mặc quần áo. Điều này có thể hình thành cảm giác trẻ là người quan trọng và trẻ chắc chắn sẽ thích sự chú ý của bạn. Thay vì áp đặt cho trẻ, hãy cho trẻ được lựa chọn.

Đưa ra những lựa chọn cho con bạn để truyền tải thông điệp cho trẻ rằng bạn tôn trọng cảm xúc của trẻ và trẻ có quyền quyết định trong một tình huống cụ thể.

2.4. Xem xét quan điểm của em bé mới biết đi của bạn

Trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc bày tỏ sự không hài lòng của mình, bằng cách tỏ ra giận dữ để thể hiện sự bất đồng của mình trong một tình huống cụ thể. Ví dụ bạn lấy quả bóng mà trẻ yêu thích để nói rằng giờ chơi đã kết thúc nhưng trẻ vẫn muốn chơi thêm và bạn từ chối, thì trẻ sẽ thể hiện sự khó chịu bằng cách gào khóc. Trong tình huống này bạn hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu cảm giác của trẻ. Một lời khuyên là thay vì lấy quả bóng đi ngay lập tức bạn có thể phát tín hiệu thông báo rằng giờ chơi đã hết, con có 10 phút để chơi với quả bóng trước khi mẹ thu nó.

Thông báo cho trẻ những việc bạn sắp làm sẽ khiến trẻ có thời gian chuẩn bị tư tưởng cho việc nghe lời, sau một vài lần thực hiện như vậy trẻ sẽ có được thói quen tốt.

2.5 Sử dụng sự phân tâm

Nếu con bạn đang tập đi hướng về một đồ vật nguy hiểm hãy bình tĩnh nói "Không" và đưa con bạn ra khỏi khu vực đó hoặc đánh lạc hướng con bằng một hoạt động khác.

Điều quan trọng là không đánh đòn con bạn. Ở độ tuổi này, trẻ khó có thể tạo ra mối liên hệ giữa hành vi và hình phạt thể chất. Thông điệp bạn gửi đi cho trẻ khi bạn đánh trẻ là bạn có thể đánh ai đó khi bạn tức giận và điều đó thực sự không tốt một chút nào. Các chuyên gia nói rằng đánh đòn không hiệu quả hơn các hình thức kỷ luật khác, chẳng hạn như thời gian chờ.


Cha mẹ có thể đánh lạc hướng trẻ và hạn chế đánh đòn
Cha mẹ có thể đánh lạc hướng trẻ và hạn chế đánh đòn

2.6. Sử dụng ngôn ngữ thích hợp

Không quát nạt trẻ, mà dùng những câu ngắn gọn xúc tích, và ghi nhớ giọng điệu của bạn đủ để trẻ nghe theo và thực hiện. Mất kiểm soát và quát mắng trẻ chỉ làm trầm trọng thêm hành vi không tốt của trẻ. Bạn có thể tức giận nhưng hãy dành chút thời gian để trấn tĩnh trước khi nói chuyện với con.

Cách tiếp cận tốt nhất có thể là sử dụng một giọng điệu cứng rắn để lên án hành động nhưng không lên án đứa trẻ. Nếu bạn muốn kỷ luật con mình, bạn phải luôn kiểm soát giọng điệu của mình.

2.7. Đừng quên những lời khen

Hãy coi trọng hành vi tốt của trẻ để khuyến khích trẻ lặp lại hành vi đó. Ví dụ khen ngợi trẻ khi trẻ tự thu dọn đồ chơi, bát đĩa sau bữa ăn, tự dọn phòng, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà... Khi bạn đánh giá cao trẻ, trẻ sẽ rất vui và hiểu rằng mình đã làm một việc tốt. Điều này sẽ giúp trẻ làm tốt hơn nữa và sẽ tiến bộ hơn.

2.8. Bày tỏ tình cảm

Những cái ôm, những câu khen ngợi, sự chăm sóc đáp ứng nhu cầu về tình cảm của trẻ và khiến trẻ cảm thấy an tâm. Tự do thể hiện tình yêu của bạn bằng cách âu yếm, hôn hoặc đơn giản là ôm con trong vòng tay của bạn sẽ khuyến khích sự gắn bó lành mạnh và hành vi tốt. Sự quan tâm chăm sóc cũng có thể thúc đẩy sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ.

2.9. Đôi khi hãy im lặng

Cố gắng kiên nhẫn và im lặng khi trẻ lên cơn giận dữ và ăn vạ vô cớ. Không để ý đến trẻ sẽ khiến trẻ nhận ra rằng mình không nhận được sự chú ý như mong đợi. Khi trẻ nguôi ngoai, trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm của mình và xin lỗi bạn. Đôi khi, im lặng cũng là một hình thức kỷ luật cho một đứa trẻ.

Nhưng lưu ý: Trẻ em có nguy cơ làm tổn thương bản thân hoặc người khác trong cơn giận dữ nên được đưa đến một nơi yên tĩnh, an toàn để bình tĩnh. Bỏ qua không phải là một cách thích hợp để xử lý hành vi quá hung hăng hoặc nguy hiểm.

2.10. Hãy là một tấm gương

Trẻ mới biết đi thường có khuynh hướng sao chép lại hành động và cách ứng xử của cha mẹ chúng. Chúng học cách ứng phó với các tình huống sau khi nhìn thấy phản ứng của cha mẹ.

Ví dụ, cách bạn đối xử với người khác, cách bạn vượt qua căng thẳng, cách bạn đối phó với cảm giác tiêu cực của mình, đứa trẻ mới biết đi của bạn đang âm thầm quan sát bạn và cũng sẽ cư xử như vậy.

Hãy lưu ý đến hành vi của bạn và cố gắng đặt ra những tấm gương phù hợp để con bạn có thể noi theo. Trở thành một hình mẫu có tính xây dựng cho con bạn có thể là cách tốt nhất để kỷ luật con bạn và khắc sâu những hành vi tốt ở trẻ.


Cha mẹ hãy là một tâm gương sáng giúp các con học tập theo
Cha mẹ hãy là một tâm gương sáng giúp các con học tập theo

3. Một vài mẹo nhỏ để tránh cơn giận dữ của trẻ

Ngay cả đứa trẻ ngoan nhất cũng có thể nổi cơn tam bành. Những cơn giận dữ thường xảy ra trong giai đoạn trẻ mới biết đi vì trẻ có thể hiểu nhiều hơn những gì chúng có thể diễn đạt.

Trẻ mới biết đi của bạn cũng có thể cảm thấy thất vọng theo những cách khác nhau như khi chúng không thể lắp ghép được một khối hình theo ý muốn. Cách tốt nhất để đối phó với cơn thịnh nộ là tránh chúng ra, bất cứ khi nào có thể. Dưới đây là một số mẹo có thể hữu ích:

  • Đảm bảo rằng con bạn không làm mọi cách để thu hút sự chú ý trong đó có ăn vạ.
  • Hình thành thói quen khen ngợi con bạn khi trẻ nhận được sự chú ý vì hành vi tích cực.
  • Cho phép trẻ có được những lựa chọn nhỏ. Điều này làm tăng tính độc lập và tránh những cơn giận dữ.
  • Khi trẻ đang chơi hoặc cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ mới, hãy cung cấp đồ chơi và trò chơi phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, hãy bắt đầu với một việc dễ dàng trước khi chuyển sang các nhiệm vụ khó khăn hơn. Điều này sẽ tạo cho họ sự tự tin và động lực để thử những điều có thể khiến họ nản lòng.
  • Xem xét yêu cầu một cách cẩn thận khi con bạn muốn một cái gì đó. Nó có thái quá không? Nếu không, hãy cố gắng linh hoạt.
  • Biết giới hạn của con bạn. Nếu bạn biết con mình đang mệt mỏi, đây không phải là thời điểm tốt nhất để trẻ cố gắng làm thêm một việc vặt.

Cảm thấy căng thẳng trong khi cố gắng rèn luyện kỷ luật cho con là điều bình thường. Những năm đầu đời của một đứa trẻ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là thời điểm mà nhân cách và hành vi của trẻ phát triển. Vì vậy, hãy duy trì hành vi tốt ở đứa trẻ của bạn thông qua việc học tập quan sát và tuân thủ quy định.

Khi các kỹ năng ngôn ngữ của chúng được cải thiện và chúng trưởng thành, trẻ em sẽ trở nên tốt hơn trong việc xử lý sự thất vọng và các cơn giận dữ sẽ ít xảy ra hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xử lý những cơn giận dữ hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về kỷ luật, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ của con bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, parents.com, kidshealth.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe