Thuốc đặt hậu môn là một dạng thuốc khá đặc được bào chế ở thể rắn, thường có hình dạng viên đạn nên được gọi là thuốc đạn. Thuốc đạn được dùng chủ yếu cho trẻ nhỏ, đôi khi cũng dùng cho người lớn. Vậy liều dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ được tính như thế nào?
1. Thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ được sử dụng rất phổ biến
Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ < 5 tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do nhiễm khuẩn. Khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C cần phải sử dụng đến các loại thuốc hạ sốt kịp thời, tránh để để tình trạng sốt cao kéo dài có thể dẫn đến co giật và các biến chứng khác nguy hiểm cho trẻ.
Trên thực tế lâm sàng, để hạ sốt cho trẻ, phụ huynh thường có hai cách dùng thuốc là dùng thuốc đường uống và đặt hậu môn. Có nhiều bé bị sốt do viêm VA, amidan, viêm họng... không chịu uống, uống thuốc bị nôn. Trẻ sốt cao li bì còn rất mệt, việc cho trẻ uống thuốc sẽ lại càng khó khăn hơn. Do đó giải pháp hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng các loại thuốc đặt hậu môn được sử dụng khá phổ biến.
2. Thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ có những ưu điểm gì?
Thuốc viên đạn hạ sốt cho trẻ em thường chứa paracetamol ở các liều lượng khác nhau. Thuốc đặt hậu môn có ưu điểm là hấp thu dễ dàng, được bào chế bằng cách phối hợp dược chất với các tá dược tan chảy ở nhiệt độ cơ thể (37 độ C). Thuốc tan rã ra nhanh khi đặt vào trực tràng và được giữ ở vị trí cần thiết, không bị đẩy do lực cản cơ vòng hậu môn.
Mặt khác hệ thống tĩnh mạch trực tràng rất dày đặc, lưu lượng máu tuần hoàn tại đây khá lớn nên sự hấp thu thuốc qua đường này nhìn chung rất tốt. Đặc biệt, tĩnh mạch trực tràng có đường đi thẳng vào tuần hoàn chung mà không qua gan, do đó sử dụng thuốc theo đường này sẽ cho hiệu quả cao, giảm gánh nặng cho gan trong việc thải độc, tác dụng của thuốc cao hơn do không bị phá hủy ở gan.
Sử dụng thuốc đạn còn giúp trẻ tránh được tương tác giữa thuốc với bộ máy tiêu hóa, đặc biệt ở những trẻ đang sốt và bị tổn thương đường tiêu hóa. Ngoài ra, dùng viên hạ sốt đặt hậu môn cũng không bị ảnh hưởng khi trẻ bị nôn ói hay co giật. Thuốc đặt hậu môn cho hiệu quả nhanh hơn thuốc hạ sốt dùng theo đường uống.
3. Cách tính liều lượng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
Trẻ bị sốt cao (> 38,5 độ C) cha mẹ thường hạ sốt cho con bằng các thuốc như paracetamol (còn gọi là acetaminophen) hay ibuprofen, trong đó thuốc đạn paracetamol hạ sốt đặt đường hậu môn là một sự chọn thích hợp trong các trường hợp này về tính hiệu quả và an toàn. Thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ thường được bào chế thành 3 hàm lượng gồm: 80mg, 150mg và 300mg. Nếu trẻ có thể uống, phụ huynh nên chuyển qua sử dụng đường uống càng sớm càng tốt.
Thành phần thuốc đặt hậu môn hạ sốt cho trẻ bao gồm Paracetamol và tá dược (tá dược trơn, tác dược dính như gelatin, tween, PEG,...) dễ chảy ở điều kiện thường, vì vậy khi đặt thuốc vào hậu môn, các tá dược sẽ chảy ra và giải phóng dược chất paracetamol dưới tác dụng của thân nhiệt.
Lưu ý liều lượng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ cũng tương tự như liều dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dùng đường uống. Công thức tính liều thuốc cho trẻ em như sau:
- 10 – 15mg/kg/lần;
- Sử dụng thuốc lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng nếu trẻ còn sốt;
- Tổng liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ em tối đa là 60mg/kg/ngày đối với trẻ từ 10 - 15kg),
- Liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ em tối đa mỗi ngày không vượt quá 3g.
Khuyến cáo không nên cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt cả thuốc dùng đường uống và thuốc đạn, vì điều này dễ dẫn đến dùng thuốc quá liều quy định. Paracetamol ở liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ em thông thường nhìn chung khá an toàn, tuy nhiên với liều cao có thể gây độc, đặc biệt là độc với gan (gây hại cho gan).
Các loại thuốc cho tác động toàn thân như thuốc giảm đau, an thần, hạ sốt, chống nôn khi dùng đường uống có sinh khả dụng thấp hơn so với khi dùng thuốc theo đường đặt hậu môn, vì đường đặt hậu môn có khả năng tránh được chuyển hóa lần đầu qua gan.
Nếu thuốc được đặt đúng vị trí, dược chất sẽ đi theo đường trực tràng dưới và giữa hấp thu qua tĩnh mạch chủ dưới vào tuần hoàn chung. Nếu đặt thuốc quá sâu vào trong, dược chất có thể đi vào đường trực tràng trên, hấp thu qua tĩnh mạch cửa gan để vào tuần hoàn chung, tuy nhiên tại đây thuốc sẽ bị chuyển hóa lần đầu qua gan dẫn đến giảm tác dụng của thuốc.
4. Dùng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt cho trẻ sao cho an toàn?
- Thuốc phải hậu môn cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, nên để thuốc trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Trước khi sử dụng viên đặt hậu môn nên kiểm tra viên thuốc, bảo đảm thuốc đủ độ cứng để dễ dàng đưa thuốc vào trực tràng. Sau khi bóc thuốc ra khỏi bao bì cần phải nhét ngay vào hậu môn, vì thuốc sau khi rời lớp vỏ sẽ dễ tan nhanh.
- Lưu ý thuốc đặt hậu môn có chứa paracetamol, vì vậy không được cho trẻ dùng kèm với các loại thuốc uống cùng chứa paracetamol, dễ dẫn đến quá liều.
- Khi đặt thuốc, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ. Rửa tay sạch bằng xà phòng, đặt trẻ ở tư thế mông dốc lên để dễ dàng đặt thuốc. Nhẹ nhàng khi đặt thuốc vào, tránh mạnh tay sau đó khép giữ 2 nếp mông trẻ để thuốc không rơi ra ngoài trong 2 - 3 phút.
- Lưu ý phụ huynh không nên xem việc dùng thuốc đặt hậu môn là giải pháp thường xuyên để hạ sốt cho trẻ. Mỗi ngày không nên đặt hậu môn quá 2 lần, nên xen kẽ giữa các lần dùng thuốc uống và thuốc đặt để đảm bảo tác dụng hạ sốt. Thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng khi trẻ không thể uống được, nôn ói nhiều, co giật hoặc trẻ đang ngủ không muốn đánh thức trẻ dậy.
- Không dùng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt cho trẻ bị dị ứng paracetamol, trẻ mắc bệnh nặng ở gan, trẻ bị viêm da vùng hậu môn - trực tràng, chảy máu trực tràng, trẻ đang tiêu chảy.
- Không nên dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn vì lớp niêm dịch trực tràng lúc này không bình thường, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng điều trị.
- Lưu ý khi chăm trẻ sốt cha mẹ cần thường xuyên cặp nhiệt độ cho trẻ. Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, để tăng hiệu quả dùng thuốc phụ huynh nên cởi bỏ bớt quần áo, tránh ủ trẻ ấm quá,. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, đặt trẻ nơi thoáng.
- Thuốc hạ sốt thường có tác dụng sau khi trẻ uống 15 - 30 phút. Khi đợi thuốc có tác dụng, cha mẹ có thể tiến hành lau mát cho trẻ. Nếu sau lau mát nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị ngay lập tức.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về liều dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ. Nếu còn bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ, dược sĩ tư vấn để được thăm khám và hỗ trợ, tránh sử dụng quá liều cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.