Xét nghiệm cách tính hệ số thanh thải creatinin được thực hiện nhằm đánh giá chức năng thận về mặt lâm sàng. Từ đó, xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện suy thận giai đoạn sớm và các bệnh lý khác để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
1. Một số khái niệm liên quan
Về cơ chế lọc máu của cơ thể: Toàn bộ máu của cơ thể sẽ chảy qua thận hàng trăm lần mỗi ngày. Thận đẩy chất lỏng trong máu qua các đơn vị thận (nephron) được ví như những máy lọc nhỏ. Sau đó, thận tái hấp thu phần lớn dịch lọc trở lại vào máu. Phần dịch và các chất thải không được thận tái hấp thu sẽ được bài tiết ra ngoài qua đường tiết niệu.
Cầu thận là một búi các vi mạch nằm bên trong các đơn vị thận, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lọc. Lượng máu được lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian được gọi là độ lọc cầu thận (GFR).
Creatinin là sản phẩm dị hóa của creatine phosphate, được thải hoàn toàn bởi thận, tỷ lệ thuận với độ lọc cầu thận. Do độ lọc cầu thận không thể được đo trực tiếp nên xét nghiệm độ thanh thải creatinin sẽ được thực hiện để ước lượng độ lọc cầu thận. Đó cũng là cách đo độ lọc cầu thận cơ bản đang áp dụng hiện nay.
Hệ số thanh thải creatinin phụ thuộc vào lượng máu cơ thể đưa tới thận để lọc và khả năng lọc của ống thận. Nếu lượng máu lọc giảm, có thể bệnh nhân đã gặp phải các vấn đề như xơ vữa động mạch thận, mất nước hoặc sốc. Hoạt động của ống sinh niệu sẽ bị giảm do các bệnh lý như hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận,...
2. Xét nghiệm tính hệ số thanh thải creatinin là gì?
Xét nghiệm thanh thải creatinin là phương pháp thu thập các mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ và nồng độ creatinin huyết thanh. Độ thanh thải creatinin được tính toán theo công thức:
CC = UV/P.
Trong đó:
- U: Số miligam creatinin trong mỗi decilit nước tiểu trong vòng 24 giờ;
- V: Thể tích nước tiểu thải ra mỗi phút (đơn vị mililit);
- P: Creatinin huyết thanh tính theo miligam/decilit.
3. Chỉ định tính hệ số thanh thải creatinin
Tính hệ số thanh thải creatinin là một biện pháp được sử dụng để:
- Đo độ lọc cầu thận, đánh giá khả năng lọc của thận;
- Theo dõi tăng nồng độ creatinin hoặc phát hiện đạm trong nước tiểu thông qua tổng phân tích nước tiểu;
- Thực hiện khi nghi ngờ mắc bệnh thận thông qua các triệu chứng: Sưng phù (vùng mặt, cổ tay, bụng, đùi, mắt cá chân); nước tiểu có bọt, máu, có màu cà phê; giảm lượng nước tiểu; có cảm giác nóng rát hoặc tiết dịch bất thường khi đi tiểu; thay đổi tần suất đi tiểu; đau vùng hông lưng gần vị trí thận; tăng huyết áp; có máu hoặc protein trong nước tiểu;
- Thực hiện khi nghi ngờ bị giảm lượng máu nuôi thận do một rối loạn khác như suy tim sung huyết.
4. Quy trình tính hệ số thanh thải creatinin
4.1 Chuẩn bị
- Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ về quy trình kỹ thuật;
- Không cần kiêng ăn, uống trước khi thực hiện xét nghiệm;
- Một số trường hợp có thể phải kiêng thịt nấu chín, trà, cà phê hoặc không uống thuốc vào ngày thực hiện xét nghiệm;
- Có thể phải tạm thời ngưng sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
4.2 Quy trình thực hiện
- Lấy mẫu nước tiểu 24 giờ, bỏ nước tiểu đầu và lấy mẫu trong vòng 24 giờ kế tiếp;
- Thu lại các mẫu nước tiểu được lấy trong 24 giờ sau;
- Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân bảo quản mẫu nước tiểu: Giữ lạnh trong vòng 24 giờ, ghi rõ thời gian bắt đầu lấy mẫu nước tiểu đầu tiên lên bình chứa nước tiểu;
- Chỉ định lấy mẫu nước tiểu lần cuối khi sắp hết 24 giờ;
- Lấy mẫu máu tĩnh mạch trong vòng 24 giờ lấy mẫu nước tiểu;
- Ghi rõ số tuổi, cân nặng, chiều cao của bệnh nhân trong phiếu xét nghiệm;
- Gửi mẫu nước tiểu đến phòng xét nghiệm ngay lập tức.
*Lưu ý:
- Nên lấy mẫu nước tiểu trước khi đại tiện để nước tiểu không bị phân lây nhiễm;
- Không bỏ giấy vệ sinh vào bình chứa mẫu nước tiểu xét nghiệm;
- Khuyến khích người bệnh uống nước trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp chống chỉ định uống nước);
- Không nên tập thể dục quá sức trong vòng 24 giờ lấy mẫu nước tiểu vì có thể làm tăng độ thanh thải creatinin.
5. Đọc kết quả tính hệ số thanh thải creatinin
5.1 Kết quả bình thường
- Nam giới dưới 40 tuổi: 107-139 ml/phút hoặc 1.78-2.32 ml/s (đơn vị SI);
- Nữ giới dưới 40 tuổi: 87-107 ml/phút hoặc 1,45-1,78 ml/s (đơn vị SI);
- Trẻ sơ sinh: 40-65 ml/phút.
Các chỉ số giảm 6.5 ml/phút/mỗi 10 năm tuổi do giảm độ lọc cầu thận.
Độ lọc cầu thận dự đoán (eGFR): trên 60 ml/phút/1.73 m2.
5.2 Kết quả bất thường
- Tăng nồng độ: Do tập thể dục, mang thai hoặc mắc hội chứng cung lượng tim cao;
- Giảm nồng độ: Do suy giảm chức năng thận (viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp tính, xơ vữa động mạch thận), mắc các tình trạng gây giảm độ lọc cầu thận (sốc, mất nước, suy tim sung huyết, xơ gan cổ trướng,...).
*Lưu ý về kết quả tính hệ số thanh thải creatinin:
- Những người có một thận mất chức năng hoặc chỉ có một thận khỏe mạnh bình thường vẫn có độ thanh thải creatinin bình thường vì thận khỏe mạnh sẽ tăng cường độ lọc để bù lại;
- Độ thanh thải creatinin có xu hướng giảm xuống theo tuổi đời vì độ lọc cầu thận cũng giảm dần theo tuổi;
- Tập thể dục có thể làm tăng nồng độ creatinin;
- Chế độ ăn nhiều thịt có thể gây tăng nhẹ độ thanh thải creatinin;
- Thu thập nước tiểu không hoàn chỉnh có thể đưa ra số liệu thấp hơn và không chính xác;
- Mang thai sẽ làm tăng độ thanh thải creatinin;
- Độ lọc cầu thận dự đoán có thể không chính xác ở người béo phì, cao tuổi, suy dinh dưỡng nặng, mang thai, liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi;
- Một số loại thuốc như aminoglycoside, cimetidine, thuốc hóa trị kim loại nặng và thuốc gây độc thận như cephalosporin có thể làm tăng nồng độ creatinin;
- Một số loại thuốc như thuốc can thiệp tiết creatinin, kháng sinh có thể làm giảm nồng độ creatinin.
Để thu được kết quả chính xác nhất, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng cách tính hệ số thanh thải creatinin của bác sĩ đưa ra. Từ đó, việc chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan sẽ được thực hiện tốt hơn.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM