Nhiều người bị mất ngủ kinh niên quyết định điều trị mất ngủ bằng thuốc theo toa hoặc thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, thuốc mất ngủ không phù hợp với tất cả mọi người, không được dùng lâu dài, có thể gây tác dụng phụ và nghiện. Vì vậy, cần sử dụng thuốc điều trị mất ngủ an toàn dưới sự giám sát của bác sĩ.
1. Gặp bác sĩ trước tiên
Khi bị mất ngủ, bước đầu tiên bạn nên làm là đến cơ sở y tế thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi về thói quen ngủ của bạn và có thể chỉ định xét nghiệm để xem có vấn đề sức khỏe nào khác ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn hay không. Bác sĩ cũng có thể tư vấn cho bạn thói quen ngủ tốt hoặc giới thiệu bạn đến một bác sĩ khác để điều trị căn bệnh góp phần gây ra chứng mất ngủ của bạn.
Trước khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ, các chuyên gia khuyên bạn nên bắt đầu với liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ với ít tác dụng phụ hoặc ít gây phụ thuộc hơn. Cụ thể, liệu pháp này giúp bạn phát hiện những suy nghĩ và hành vi khiến chứng mất ngủ trở nên tồi tệ hơn; đồng thời thay đổi bằng những suy nghĩ và hành vi hỗ trợ giấc ngủ ngon. Bạn cũng sẽ được dạy các bước thực hành thói quen ngủ tốt hơn, kỹ thuật thư giãn, chiến lược kiểm soát giấc ngủ hữu ích trong tương lai....
Theo một nghiên cứu về giấc ngủ, liệu pháp này có hiệu quả điều trị chứng mất ngủ ngang bằng với thuốc ngủ trong ngắn hạn và vượt trội hơn trong dài hạn. Mặc dù đây là một phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn, nhưng cần tốn nhiều thời gian và công sức mới thấy được tác dụng. Nếu chứng mất ngủ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn; hoặc nếu bạn mất ngủ vì bạn đang trải qua một khoảng thời gian buồn bã hay căng thẳng, bác sĩ có thể quyết định điều trị mất ngủ bằng thuốc.
2. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo toa
Khi lựa chọn một loại thuốc mất ngủ cho bạn, bác sĩ sẽ xem xét sức khỏe, tuổi tác, các tình trạng y tế khác và các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng. Bạn có thể phải thử nhiều thuốc khác nhau để tìm được loại phù hợp với mình.
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn trước khi viết đơn thuốc, ví dụ như giá cả của từng loại, có nằm trong bảo hiểm y tế hay không và liệu có những hạn chế nào không.
Một số thuốc mất ngủ kê đơn bao gồm:
- Benzodiazepines: Đây là một loại thuốc cũ, khiến bạn buồn ngủ bằng cách làm chậm hệ thần kinh trung ương. Mặc dù đôi khi vẫn kê được đơn, nhưng bác sĩ thường ưu tiên những loại thuốc mới hơn vì benzodiazepine có nguy cơ gây nghiện và khiến bạn nhanh chóng bị “lờn” thuốc.
- Thuốc Z: Loại thuốc mới này hoạt động theo cách tương tự như thuốc benzodiazepine, nhưng sự khác biệt chính là ít tác dụng phụ và ít nguy cơ gây nghiện hơn. Tuy nhiên FDA cảnh báo một số trường hợp hiếm, những người điều trị mất ngủ bằng thuốc này có thể bị mộng du hoặc thực hiện các "hành vi ngủ phức tạp" trong khi không hoàn toàn tỉnh táo.
- Thuốc đối kháng thụ thể Orexin: Loại thuốc mới này giúp bạn đi vào giấc ngủ bằng cách giảm lượng orexin mà não tạo ra. Orexin là một hóa chất não giúp bạn tỉnh táo.
- Thuốc chống trầm cảm: Một tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm là khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia thường không khuyên bạn sử dụng thuốc với mục đích này. FDA chỉ chấp thuận một loại thuốc chống trầm cảm để điều trị chứng mất ngủ là doxepin.
- Chất chủ vận thụ thể melatonin (ramelteon): Loại thuốc kê đơn này bắt chước hoạt động của hormone melatonin. Cơ thể tạo ra melatonin để giúp điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ. Thuốc không có tác dụng đối với tình trạng khó duy trì giấc ngủ.
3. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn
Giống như thuốc kê đơn, thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác. Vì thuốc sẽ không phù hợp với những người có tình trạng sức khỏe nhất định, nên bạn luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ không kê đơn.
Một số thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC phổ biến bao gồm:
- Thuốc kháng histamine: Hầu hết các thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC đều có thành phần chính là kháng histamine. Histamine là một chất hóa học được tạo ra bởi hệ thống thần kinh, có vai trò duy trì sự tỉnh táo. Những loại thuốc này sẽ hoạt động chống lại histamine và giúp bạn buồn ngủ, nhưng bạn cũng rất dễ bị lờn thuốc.
- Melatonin: Loại hormone này được bán dưới dạng thực phẩm chức năng. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giảm bớt một chút thời gian bạn phải trằn trọc trước khi ngủ, nhưng không có bằng chứng rõ ràng về tác dụng tốt đối với chứng mất ngủ. Nếu sử dụng lâu dài, bộ não sẽ nghĩ rằng phải cần melatonin mới ngủ được, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thuốc và rất khó ngủ nếu không có thuốc.
4. Tác dụng phụ của thuốc hỗ trợ ngủ
Cho dù là mua tự do hay kê đơn, các thuốc mất ngủ đều có thể đi kèm những tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:
- Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Tiêu chảy, buồn nôn hoặc các vấn đề tiêu hóa khác
- Các vấn đề về bộ nhớ và hiệu suất làm việc
- Mộng du, ngủ gật khi lái xe, khi nấu nướng hoặc khi đang ăn (đặc biệt khi dùng thuốc “Z”)
- Phản ứng dị ứng.
5. Cách sử dụng thuốc điều trị mất ngủ an toàn
Trước khi bắt đầu điều trị mất ngủ bằng thuốc, bạn cần phải biết cách sử dụng an toàn như sau:
- Báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác hoặc có các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao hoặc tình trạng gan
- Nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc đang dự định mang thai
- Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc
- Chỉ uống đúng theo liều lượng bác sĩ kê đơn: Một số loại thuốc ngủ kê đơn chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Không dùng liều cao hơn quy định. Nếu liều ban đầu không tạo ra tác dụng như mong muốn, đừng tự ý uống thêm thuốc khi chưa thông qua bác sĩ trước.
- Không uống rượu khi dùng thuốc: Rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Ngay cả một lượng rượu nhỏ kết hợp với thuốc ngủ cũng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, lú lẫn hoặc ngất xỉu. Kết hợp rượu với một số loại thuốc ngủ có thể dẫn đến tình trạng thở chậm hoặc bất tỉnh nguy hiểm, và rượu thực sự có thể gây mất ngủ.
- Không uống thuốc khi chưa đến giờ đi ngủ: Thuốc mất ngủ có thể khiến bạn kém nhận thức về những gì mình đang làm, làm tăng nguy cơ gặp các tình huống nguy hiểm. Chờ cho đến khi bạn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của mình vào buổi tối, lúc đó mới uống thuốc và lên giường đi ngủ ngay.
- Đảm bảo có thời gian rảnh rỗi để nằm yên trên giường sau khi bạn uống thuốc (4 - 8 giờ tùy vào loại thuốc)
- Khi thử một loại thuốc mới, hãy dùng liều đầu tiên vào buổi tối mà bạn có thể ở nhà vào sáng hôm sau. Không uống thuốc ngủ mới vào đêm trước một cuộc hẹn hoặc hoạt động quan trọng, vì bạn không biết trước được thuốc sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào.
- Không lái xe khi đang sử dụng thuốc điều trị mất ngủ
- Báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn ngừng dùng thuốc: Khi bạn đã sẵn sàng ngừng điều trị mất ngủ bằng thuốc, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chỉ dẫn trên nhãn. Một số loại thuốc phải được ngừng dần dần. Ngoài ra, cần lưu ý rằng bạn có thể bị mất ngủ trong vài ngày sau khi ngừng uống thuốc.
Điều quan trọng là bạn phải uống thuốc ngủ theo đơn đúng giờ mỗi ngày. Tự ý bỏ qua liều trong 1 - 2 đêm có thể khiến não bộ bị nhầm lẫn, thuốc sẽ mất tác dụng như mong muốn.
6. Ai không nên dùng thuốc ngủ?
Thuốc ngủ kê đơn có thể không an toàn nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu thuộc đối tượng này, bạn cũng cần hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC.
Hãy thận trọng nếu bạn có:
- Bệnh thận
- Huyết áp thấp
- Các vấn đề về nhịp tim
- Co giật.
Không phải tất cả các loại thuốc ngủ đều an toàn cho những người mắc các chứng bệnh trên. Tuy nhiên bác sĩ có thể kê một loại thuốc mất ngủ phù hợp để bạn sử dụng an toàn.
Những người lớn tuổi nên đặc biệt cẩn thận, nhất là người trên 75 tuổi. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến họ nhiều hơn so với những người trẻ tuổi. Thuốc cũng sẽ ở trong cơ thể người già lâu hơn, dẫn đến rối loạn trí nhớ và nhầm lẫn, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngay cả thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC cũng có thể gây ra tác dụng phụ nặng hơn đối với người lớn tuổi.
Nếu bạn có tiền sử lạm dụng chất kích thích, các phương pháp điều trị chứng mất ngủ không dùng thuốc (chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi) là an toàn nhất. Đôi khi bác sĩ sẽ cho phép bạn sử dụng thuốc điều trị mất ngủ như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chủ vận thụ thể melatonin.
7. Thuốc không phải là giải pháp lâu dài
Mặc dù, điều trị mất ngủ bằng thuốc có thể giúp bạn ngủ được trong ngắn hạn, nhưng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Theo chuyên gia về giấc ngủ, phương pháp điều trị chứng mất ngủ hiệu quả nhất là tái tạo và sắp xếp lại nhận thức của bạn khi nghĩ về giấc ngủ chứ không phải “đánh thuốc mê” bản thân mỗi đêm.
Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc điều trị mất ngủ có thể khiến chứng bệnh này trở nên tồi tệ hơn. Thuốc mất ngủ không khắc phục được vấn đề mà chỉ đang che khuất vấn đề. Vì vậy, liệu pháp tâm lý (áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp cùng với thuốc) mới giúp bạn tìm ra tận cùng nguyên nhân gây mất ngủ. Ngoài ra, ngủ theo lịch trình đều đặn, tập thể dục thường xuyên, tránh đồ uống có caffein và không ngủ trưa nhiều vào ban ngày, cũng như kiểm soát căng thẳng cũng sẽ hữu ích.
Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ có thể cần thiết ở một số người bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org