Da thô ráp, thiếu sức sống hoặc bong tróc là những dấu hiệu cảnh báo da không đủ độ ẩm cần thiết. Những dấu hiệu này có thể gặp ở những người có da khô hoặc da thiếu nước. Vậy cách chăm sóc, phân biệt da khô và da thiếu nước như thế nào?
1. Phân biệt da khô và da thiếu nước
Da của con người có cấu tạo với khoảng 70% thành phần là nước. Trong đó có đến 20-30% nước đó nằm ở lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Ở điều kiện sinh lý bình thường, chính lớp màng nước ngoài cùng này có tác dụng giữ ẩm cho làn da, đồng thời bảo vệ da khỏi sự tấn công của các yếu tố khác nhau như môi trường và vi khuẩn.
Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà nước ở lớp màng bảo vệ này hao hụt nhiều đồng nghĩa với việc sức khỏe của da không còn được đảm bảo nữa. Khi đó, chúng ta có thể cảm nhận được thông qua những dấu hiệu như làn da không mịn màng, kém độ đàn hồi hơn, xỉn màu và trông thiếu sức sống. Ngoài ra đôi khi da mất nước sẽ bong tróc ở một vài vị trí như kẽ mũi hay khoé miệng.
Khi gặp những dấu hiệu trên, nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng đây là dấu hiệu của da khô và tìm mua những sản phẩm chăm sóc chuyên dành cho da khô để sử dụng.
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên vẫn có thể xuất hiện khi làn da thiếu nước và cần được bổ sung độ ẩm, vì vậy vẫn có rất nhiều người vẫn chưa thể phân biệt da khô và da thiếu nước.
Khái niệm da khô dành để mô tả về một loại da, tương tự các loại da khác như da dầu, da thường hoặc da hỗn hợp. Da khô thường có những biểu hiện sau:
- Nguyên nhân dẫn đến da khô là do thiếu độ dầu cần thiết;
- Lỗ chân lông có kích thước nhỏ;
- Cảm giác khô căng, có thể bong tróc;
- Vẫn xuất hiện các loại mụn như mụn thịt, mụn đầu đen và các loại mụn khác;
- Không căng mịn và kém sức sống;
- Hấp thụ các sản phẩm dưỡng da kém;
- Rất dễ bị kích ứng, nhất là khi sử dụng mỹ phẩm;
- Chăm sóc, dưỡng da không đúng cách sẽ khiến da khô thêm.
Da thiếu nước là một tình trạng của da chứ không phải một loại da. Bất kỳ loại da nào cũng có thể bị thiếu nước, kể cả thuộc loại da dầu, nghĩa là lúc nào vùng mũi/trán cũng bóng dầu nhưng da vẫn có thể bị bong tróc. Khác với da khô, da thiếu nước có những biểu hiện sau:
- Nguyên nhân thường do da bị thiếu nước;
- Lỗ chân lông kích thước có thể to hoặc nhỏ;
- Da khô căng nhưng có vùng trên da vẫn bị đổ dầu và nổi mụn;
- Hấp thụ kem dưỡng ẩm rất nhanh;
- Sự xuất hiện của các nốt mụn đầu đen và các loại mụn khác;
- Lớp phấn trang điểm mau trôi, trôi không đồng đều (chỗ còn phấn chỗ không) vì da đã hút hết phần “nước” trong lớp kem nền;
- Da xỉn màu, không đều màu hay ngả sang màu xám;
- Thói quen sinh hoạt không điều độ là yếu tố làm da thiếu nước trầm trọng hơn.
XEM THÊM: Da khô và da mất nước khác nhau thế nào?
2. Một số nguyên nhân làm da thiếu nước
Thông qua các thông tin trên, chúng ta hãy xác định xem da mình thực chất thuộc trường hợp nào và tìm phương pháp giải quyết. Nhiều trường hợp cùng lúc da vừa khô, vừa bị thiếu nước.
Tuy nhiên đa số trường hợp da thiếu nước hay gặp vào mùa đông (mùa lạnh nhưng bổ sung nước không đủ) và đôi khi cũng gặp vào thời điểm gần hè nắng nóng dẫn đến cơ thể mất nước nhiều và da thiếu nước hơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng da bị thiếu nước:
- Các yếu tố môi trường bên ngoài như nắng, gió, ngồi phòng máy lạnh nhiều;
- Chế độ ăn uống không phù hợp như ăn nhiều đồ ngọt, uống cà phê hoặc thức uống có cồn. Đồng thời, không bổ sung đủ nước hằng ngày, ít ăn rau xanh, trái cây;
- Thói quen sinh hoạt tiêu cực như thức khuya, hút thuốc lá, stress kéo dài, sử dụng các loại thuốc khác hoặc dùng sai sản phẩm chăm sóc da;
- Yếu tố nội tiết như do rối loạn kinh nguyệt hoặc đang mang thai.
3. Cần làm gì khi da khô hoặc thiếu nước?
Sau khi phân biệt da khô và da thiếu nước, chúng ta cần xem xét các biện pháp để điều trị, chăm sóc thích hợp, tránh để ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe làn da.
3.1. Sử dụng sản phẩm dưỡng da phù hợp
Người có làn da khô hãy chọn lựa những sản phẩm dưỡng ẩm ở dạng dầu, dạng kem đặc (cream moisturizer) và serum, bất kể sản phẩm đó dùng vào ban ngày hay ban đêm. Đa số các sản phẩm dành cho da khô sẽ có dòng chữ “nourishing” (nuôi dưỡng) và “rich moisturiser” (dưỡng ẩm tăng cường).
Đối với người da thiếu nước (không thuộc loại da khô) thì bên cạnh các loại kem dưỡng ẩm phù hợp hãy sử dụng thêm những sản phẩm chăm sóc da dạng sữa, dạng lotion bổ sung độ ẩm hay các loại sản phẩm dưỡng da dạng dầu, sản phẩm đặc trị có các dòng chữ như “hydra” hay “hydrating” (bổ sung nước).
3.2. Tránh những sản phẩm khiến da khô hơn
- Sản phẩm tẩy tế bào chết: Nhiều người có quan niệm sai lầm là da khô bong tróc cần phải sử dụng các loại tẩy tế bào chết (hoá học lẫn cơ học) để loại bỏ lượng da bong ra và hy vọng da sẽ láng mịn trở lại. Đây là quan niệm rất sai lầm (cho cả da khô và da thiếu nước) vì lúc này da ở tình trạng rất dễ bị tổn thương. Tác động lên da càng mạnh thì da sẽ càng trở nên khô hơn, càng dễ đóng vảy hơn. Nếu quá trình này vẫn tiếp diễn thì sức khỏe làn sẽ da không bao giờ tốt lên được. Tốt nhất chỉ nên tẩy tế bào chết mỗi tuần 1 lần, tẩy càng nhẹ nhàng càng tốt và bổ sung độ ẩm cần thiết cho da bằng những sản phẩm thích hợp khác;
- Sữa rửa mặt tạo bọt: Da khô và da thiếu nước khi tiếp xúc với sữa rửa mặt tạo bọt làm tình trạng da càng trầm trọng hơn. Để chăm sóc tốt nhất, chúng ta hãy đổi sang sữa rửa mặt dạng cream, gel không tạo bọt để cải thiện sức khỏe làn da;
- Sản phẩm chăm sóc da có chứa mùi hương nhân tạo, silicon hoặc lanolin khiến da thiếu nước nặng thêm.
3.3. Bổ sung dưỡng chất trong chế độ dinh dưỡng
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết, có thể 2-3 lít nước một ngày. Việc này có thể đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được;
- Ăn thêm 2-3 hũ sữa chua mỗi ngày và bổ sung thêm trái cây, rau xanh trong chế độ ăn uống. Nếu da gặp các vấn đề về mụn, chúng ta phải cắt giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày và lựa chọn các loại trái cây có vị thanh mát như cam, sắn, mận, táo...;
- Bổ sung dầu cá (omega 3) mỗi ngày rất có lợi cho da, bất kể loại da nào. Tuy nhiên những thực phẩm bổ sung phải dùng liên tục 3 tháng mới mang lại kết quả khả quan.
Da khô và da thiếu nước có một số điểm tương đồng nên nhiều người thường nhầm lẫn và không thể phân biệt, từ đó tìm mua các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn phân biệt được 2 loại da và cách chăm sóc da thật tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.