Nhọt là những mụn đỏ, chứa đầy mủ hình thành dưới da, vùng da xung quanh cũng có thể bị đỏ và đau. Nhọt thường đau và phát triển lớn hơn cho đến khi mủ được dẫn ra ngoài hoặc cơ thể tự hấp thụ hết. Nếu được đánh giá cần dẫn lưu mủ, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên nhọt, dùng gạc vô trùng để thấm và loại bỏ mủ trong môi trường vô trùng. Ngoài ra bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị mụn nhọt tại nhà theo bài viết sau đây.
1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra mụn nhọt
Nhọt thường xuất hiện tại các vùng mặt, cổ, nách, mông. Trước khi tìm hiểu cách chữa mụn nhọt, chúng ta cần biết về các nguyên nhân gây ra mụn nhọt. Nguyên nhân thường gặp nhất là tụ cầu vàng hay là vi khuẩn Staphylococcus aureus. Các vi khuẩn xâm nhập qua da, sau đó làm viêm nang lông gây ra nhọt. Lông mọc ngược và tắc tuyến bã cũng có thể gây ra mụn nhọt. Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ gây ra mụn nhọt bao gồm:
- Vệ sinh thân thể không đúng cách.
- Các vết thương ngoài da, vết đứt do cạo râu, .. không được chăm sóc.
- Mụn trứng cá hoặc bệnh chàm da.
- Các rối loạn miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hơn.
- Tiếp xúc gần gũi với người bị mụn nhọt, chẳng hạn như dùng chung dao cạo râu hoặc khăn tắm.
2. Cách chữa mụn nhọt tại nhà
2.1. Chườm nóng điều trị mụn nhọt tại nhà
Nhiệt độ giúp tăng lưu thông máu tại chỗ tạo điều kiện cho nhiều tế bào bạch cầu và kháng thể đến khu vực đó để chống lại nhiễm trùng. Chườm nóng khi bị nhọt là một trong cách chữa nhọt tại nhà tốt nhất mà bạn có thể thử. Đắp một miếng gạc ấm lên vùng da bị nhọt trong vòng 15-20 phút mỗi lần, ba đến bốn lần một ngày cho đến khi hết nhọt.
2.2. Sử dụng tinh dầu tràm trà điều trị mụn nhọt tại nhà
Tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng khuẩn và khử trùng mạnh mẽ, có thể giúp điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra nhọt. Không nên bôi tinh dầu tràm trà trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng rát. Thay vào đó, pha loãng năm giọt tinh dầu dầu tràm trà với một thìa cà phê dầu dừa hoặc dầu ô liu thành dung dịch dùng để điều trị mụn nhọt tại nhà.
2.3. Sử dụng bột nghệ điều trị mụn nhọt tại nhà
Bột nghệ có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm có thể giúp mụn nhọt nhanh khỏi. Sử dụng nghệ là một những cách chữa nhọt tại nhà tiện lợi, dễ thực hiện nhất. Bạn có thể chọn uống bột nghệ, sử dụng tại chỗ, hoặc cả hai để điều trị mụn nhọt tại nhà:
- Cho một thìa cà phê bột nghệ vào nước hoặc sữa rồi đun sôi, để nguội và uống ba lần mỗi ngày.
- Cho bột nghệ vào nước hoặc có thể thêm một ít gừng để tạo thành hỗn hợp và đắp lên nhọt ít nhất hai lần một ngày.
2.4. Sử dụng muối Epsom (muối magie sulphate) điều trị mụn nhọt tại nhà
Muối Epsom mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có công dụng điều trị mụn nhọt tại nhà. Muối Epsom có thể giúp làm khô mủ, hoặc khiến vết nhọt tự dẫn lưu ra ngoài.
Pha muối Epsom vào nước ấm và dùng dung dịch này làm ướt miếng gạc sạch. Sử dụng miếng gạc đã thấm dung dịch muối đắp lên vùng da bị nhọt trong 15-20 phút mỗi lần, ít nhất ba lần mỗi ngày cho đến khi hết nhọt.
2.5. Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh điều trị mụn nhọt tại nhà
Bạn có thể nhờ dược sĩ tại quầy thuốc tư vấn các loại thuốc mỡ kháng sinh để điều trị mụn nhọt tại nhà. Thuốc mỡ kháng sinh Neosporin là một lựa chọn thường được giới thiệu nhất. Bôi thuốc mỡ kháng sinh vào nhọt ít nhất hai lần một ngày cho đến khi hết nhọt, nó vừa có tác dụng chữa lành vừa có thể ngăn nhiễm trùng lây lan.
2.6. Sử dụng dầu thầu dầu điều trị mụn nhọt tại nhà
Dầu thầu dầu có chứa một hợp chất gọi là axit ricinoleic, là một chất chống viêm tự nhiên cùng với đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ làm cho dầu thầu dầu trở thành một phương pháp điều trị mụn nhọt tại nhà tuyệt vời.
Bôi trực tiếp một lượng nhỏ dầu thầu dầu lên vùng da bị nhọt, ít nhất ba lần một ngày cho đến khi triệu chứng giảm.
2.7. Sử dụng dầu neem (dầu Sầu Đâu) điều trị mụn nhọt tại nhà
Dầu neem có đặc tính khử trùng, kháng khuẩn có thể giúp điều trị nhiễm trùng da, bao gồm cả mụn nhọt. Sử dụng dầu neem bôi trực tiếp lên mụn nhọt ba đến bốn lần một ngày là một biện pháp dùng để điều trị mụn nhọt tại nhà. Lưu ý bạn phải đảm bảo rửa tay trước và sau khi thoa.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đôi khi các biện pháp điều trị mụn nhọt tại nhà sẽ không giải quyết được mụn nhọt cứng đầu, khi đó bạn cần sự can thiệp của bác sĩ:
- Mụn nhọt chưa khỏi hoặc tiến triển nặng (đau nhức dữ dội, kích thước lớn nhanh, da xung quanh chuyển sang màu đỏ tươi hoặc vệt đỏ dài hơn) hơn sau một tuần điều trị tại nhà.
- Nhọt tái phát liên tục hoặc nhọt nổi nhiều hơn khắp người.
- Người bị nhọt có bệnh nền tiểu đường và suy giảm miễn dịch cũng cần bác sĩ can thiệp.
Các biện pháp điều trị mụn nhọt tại nhà có thể có nhiều hiệu quả đối với mụn nhọt nhỏ, chúng ta nên áp dụng đúng cách để mang lại kết quả tốt nhất. Nếu bạn sau 5 đến 7 ngày mà triệu chứng không giảm hoặc nếu mụn nhọt tiến triển nặng hơn hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể làm tiêu mụn nhọt bằng cách cấy mủ tìm tên vi khuẩn và kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.