Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Biếng ăn tâm lý ở trẻ là biếng ăn không do bệnh lý thực thể. Trẻ bị biếng ăn tâm lý cần được phát hiện và khắc phục kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
1. Biếng ăn ở trẻ
Biếng ăn (hay chán ăn) là tình trạng thường gặp ở trẻ, nhất là những trẻ từ 1- 6 tuổi. Chưa có định nghĩa chuẩn về biếng ăn ở trẻ, nhưng có thể nhận biết trẻ biếng ăn khi có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu sau:
- Trẻ không chịu ăn hết số lượng thức ăn cần thiết trong khẩu phần ăn; hoặc mỗi bữa ăn kéo dài quá 30 phút.
- Trẻ ăn ít, chưa được một nửa khẩu phần ăn cần thiết theo tuổi.
- Trẻ ngậm thức ăn trong miệng và không chịu nhai, nuốt.
- Từ chối ăn bằng cách khóc, gào thét hoặc chạy trốn khi thấy thức ăn.
- Bé nôn, ói khi nhìn thấy thức ăn.
- Cân nặng của trẻ không tăng lên trong 3 tháng liên tực.
Biếng ăn không hẳn là bệnh, mà đó có thể là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Biếng ăn do bệnh: Biếng ăn có thể là biểu hiện của bệnh suy dinh dưỡng hoặc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính như: nhiễm ký sinh trùng (nhiễm giun, sán,...), viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng răng miệng, bệnh lý bẩm sinh,...
- Biếng ăn tâm lý: Biếng ăn tâm lý là nguyên nhân thường gặp của tình trạng biếng ăn ở trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xuất phát từ việc trẻ bị ép buộc vào một khuôn khổ nào đó trong bữa ăn, cách cho ăn không đúng, không khí bữa ăn căng thẳng, phụ huynh không hiểu được tâm lý của trẻ, hoặc trẻ được nuông chiều thái quá.
- Biếng ăn do dinh dưỡng: Sai lầm trong chế biến thức ăn có thể là nguyên nhân dẫn đến biếng ăn ở trẻ. Việc cho trẻ ăn một loại thức ăn lặp đi lặp lại nhiều bữa có thể dẫn đến cảm giác chán nản và không thích thú với việc ăn uống. Thành phần thực phẩm kém phong phú, thiếu chất dinh dưỡng, hoặc chế biến không đúng cách cũng có thể khiến trẻ chán ăn, tiêu hóa kém,...
2. Biểu hiện biếng ăn tâm lý ở trẻ
Trẻ bị biếng ăn tâm lý cũng thường biểu hiện những triệu chứng như những trẻ biếng ăn khác như:
- Trẻ từ chối thức ăn bằng cách che miệng, không chịu há miệng hoặc quay mặt đi khi nhìn thấy thức ăn.
- Khi đưa được thức ăn vào miệng thì trẻ lại thường xuyên ngậm thức ăn, không chịu nuốt. Nếu bị ép ăn có thể trẻ sẽ khóc lóc hay gào thét để chống đối.
- Trẻ lớn bị biếng ăn có thể chạy trốn vào giờ ăn, hoặc tỏ thái độ khó chịu, không thích ăn, hoặc chỉ ăn rất ít.
Tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể gây ra những ảnh hưởng trước mắt như hạ đường huyết, không đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày của trẻ,... Về lâu dài, biếng ăn có thể khiến trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, thậm chí là suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ sau này.
3. Chẩn đoán biếng ăn tâm lý ở trẻ
Chẩn đoán biếng ăn tâm lý ở trẻ dựa vào các tiêu chí sau đây:
- Trẻ ăn kém hơn 1 tháng, dẫn đến sụt cân hoặc không lên cân.
- Trẻ không mắc các bệnh lý thể chất hay bệnh lý tâm thần (rối loạn nhai lại,...).
- Khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ cả về số lượng và chất lượng nhưng trẻ vẫn kém ăn.
- Tình trạng biếng ăn xảy ra trước 6 tuổi, và tình trạng này có thể được cải thiện khi người khác chăm sóc trẻ.
4. Nguyên nhân trẻ bị biếng ăn tâm lý
Như đã đề cập ở trên, biếng ăn tâm lý xuất phát từ tâm lý của trẻ. Trẻ bị biếng ăn tâm lý có thể do một số nguyên nhân sau:
- Trẻ cảm thấy không được tôn trọng khi bị ép ăn.
- Phụ huynh, người nuôi dưỡng không hiểu đúng nhu cầu tâm sinh lý của trẻ ở từng giai đoạn phát triển.
- Thức ăn và cách chế biến thức ăn không phù hợp với sở thích, cơ địa và sự phát triển của trẻ, ví dụ như chỉ cho trẻ lớn ăn nước hầm, cháo xay nhuyễn; hoặc cho trẻ ăn không đúng cách.
- Không khí bữa ăn căng thẳng làm ảnh hưởng tâm lý khi ăn của trẻ.
- Nuông chiều trẻ thái quá, ví dụ như cho trẻ xem tivi vào mỗi bữa ăn để “mua chuộc trẻ” khiến trẻ có tâm lý chỉ ăn khi được xem tivi.
- Quát mắng, dọa dẫm khi trẻ không chịu ăn hay ăn chậm sẽ khiến trẻ có tâm lý đau khổ, sợ hãi khi ăn, dần dần trẻ sẽ có phản ứng chống đối lại việc ăn uống, ghét người cho trẻ ăn.
- Chuyển dịch đột ngột môi trường sống của trẻ như đi nhà trẻ, chuyển trường, hay thay đổi người chăm sóc,... có thể là nguyên nhân khởi phát biếng ăn tâm lý của trẻ
5. Làm gì khi trẻ bị biếng ăn tâm lý?
Biếng ăn tâm lý ở trẻ là một tình trạng không hiếm. Để khắc phục vấn đề này, các bậc phụ huynh cần phải kiên nhẫn để giải quyết được các nguyên nhân liên quan đến yếu tố tâm lý của trẻ, cùng với tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách.
Các biện pháp sau có thể khắc phục, hỗ trợ biếng ăn tâm lý ở trẻ:
- Không ép trẻ ăn: Trẻ biếng ăn tâm lý nếu bị ép ăn thì vấn đề sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Khi hình thành việc từ chối thức ăn thì nó có thể trở thành chứng biếng ăn chống đối ở trẻ. Càng ép ăn, trẻ càng có xu hướng kháng cự bằng cách khóc lóc, quay mặt đi khi được cho ăn, thậm chí là chạy trốn khi chuẩn bị đến giờ ăn.
- Cho trẻ ăn cùng cả nhà: Cho trẻ ăn riêng có thể khiến trẻ tập trung, điều này phù hợp với trẻ nhỏ khi mà chế độ ăn của trẻ khác biệt so với người lớn. Tuy nhiên, ở những trẻ biếng ăn tâm lý, việc cho trẻ ăn cùng cả gia đình có thể thay đổi tâm trạng ăn uống của trẻ, tạo bầu không khí vui vẻ và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Không mua chuộc hay dọa dẫm trẻ: Không nên lấy việc ăn uống của trẻ làm điều kiện để thưởng cho trẻ cái này hay cái kia, điều này không giải quyết được biếng ăn tâm lý một cách lâu dài. Càng không nên hù dọa trẻ nếu trẻ không chịu ăn, vì sẽ làm cho trẻ có tâm lý chống đối với việc ăn uống.
- Chuyển tiếp môi trường từ từ: Sự thay đổi đột ngột môi trường sinh hoạt của trẻ như bắt đầu đi học, chuyển trường,... có thể khởi phát tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Do đó, cần có sự chuyển tiếp một cách từ từ để trẻ có thể làm quen, thích nghi với môi trường mới, bớt đi những lo lắng, điều này giúp cải thiện biếng ăn tâm lý của trẻ. Phụ huynh có thể điều chỉnh bữa ăn ở nhà dựa trên thực đơn ở trường của trẻ để trẻ cảm thấy bữa cơm ở lớp gần gũi hơn.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu: Thay vì ép trẻ ăn, phụ huynh có thể cho trẻ ăn theo nhu cầu và tôn trọng quyết định dừng lại bữa ăn của trẻ, không nên ép trẻ ăn khi trẻ cảm thấy no và không muốn ăn nữa. Điều này khiến trẻ có cảm giác được tôn trọng và tránh tâm lý chống đối khi ăn.
- Chia nhỏ bữa ăn: Biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể được khắc phục với việc chia nhỏ bữa ăn trong ngày, điều này vừa giúp trẻ giảm cảm giác chán ngấy khi không phải ăn một lượng thức ăn quá nhiều trong một bữa, vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ.
Nếu biếng ăn tâm lý ở trẻ vẫn không được cải thiện, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý trẻ em để được tư vấn và điều trị hiệu quả tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.