Thở khò khè là một trong những dấu hiệu đặc trưng của người mắc bệnh lý hen suyễn. Vậy có những cách giảm thở khò khè cho người bị hen như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây để giải đáp thắc mắc.
1. Vì sao người bị hen lại hay thở khò khè?
Với những bệnh nhân hen suyễn, hệ hô hấp sẽ bị tổn thương khiến cho đường thở bị viêm. Khi đó, các tiểu phế quản sẽ hẹp lại làm cho nhịp điệu hít thở của người bệnh không được thông suốt và gây ra sự khò khè nhất định. Ở những bệnh nhân bị hen thì còn có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, suy tim, viêm nắp thanh quản, viêm phổi,...
Thở khò khè ở người bị hen cũng do một phần chất nhầy dư thừa trong đường thở. Với những bệnh nhân hay gặp tình trạng này thì sẽ cố gắng ho mạnh để tống đờm giúp thoải mái hơn.
Thở khò khè ở người bị hen không chỉ làm giảm chất lượng sinh hoạt, cuộc sống mà còn khiến cho người bệnh gặp trở ngại khi giao tiếp công việc.
2. Cách giảm thở khò khè ở người bị hen
Cách trị thở khò khè ở người lớn ngày nay được áp dụng từ các phương pháp khá gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày như:
- Uống nước ấm thay vì nước lạnh, nước để nguội
Cách trị thở khò khè ở người lớn hiệu quả nhất và nhanh chóng nhất chính là một ly nước ấm vừa phải. Nước ấm sẽ giúp làm loãng các chất nhầy trong khí quản khiến chúng không bám vào trong thành họng được. Ngoài ra, với việc uống đủ nước cũng giúp cho đường họng của bạn không bị khô ráp.
- Xông hơi
Xông hơi nóng hoặc hơi nước ẩm cũng là một cách giúp giảm chất nhầy trong đường thở, khiến người bị hen cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài xông hơi thì bạn cũng có thể tắm bằng vòi sen có nước ấm. Nên nhớ tránh các không gian có tính chất nóng, khô, thiếu độ ẩm.
- Cai thuốc lá
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bỏ hút thuốc là một trong những cách giảm thở khò khè mà những ai đang mắc phải chứng này nên áp dụng ngay hôm nay. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng thuốc lá thì khả năng những người xung quanh mắc bệnh đường hô hấp do hít phải khói thuốc là rất cao, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Thường xuyên chùi rửa các thiết bị quạt, sưởi trong nhà
Bụi bẩn trong không khí chúng ta hít vào có thể đến từ quạt, lò sưởi, cánh quạt điều hòa. Do đó nếu một bệnh nhân hen sống ở nơi có những thiết bị dễ bám bụi như vậy thì cũng cần chùi rửa thường xuyên.
- Tập thở mím môi
Cách trị thở khò khè ở người lớn bằng việc tập thở mím môi rất phổ biến hiện nay. Phương pháp này sẽ giúp cho đường thở được mở rộng ra và những lần hít thở cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn. Cách làm cũng vô cùng đơn giản, người bệnh nên thư giãn cổ và vai, hít từ từ bằng mũi trong 2 nhịp, sao đó mím môi chặt và thổi ra từ từ trong 4 nhịp. Duy trì tập luyện bài tập này mỗi ngày sẽ giúp người bệnh giảm đáng kể chứng thở khò khè, khó thở.
- Không vận động thể thao dưới thời tiết lạnh hoặc khô
Khi tập thể dục, chạy bộ trong thời tiết trời lạnh và khô, cổ họng có thể bị co lại, đường thở lúc này cũng sẽ hẹp hơn và bắt đầu có tiếng khò khè. Nhưng với những người bệnh có thói quen sinh hoạt bằng cách tập gym thì nên khuyến cáo tập trong phòng có nhiệt độ ổn định, không quá lạnh cũng như không quá thiếu độ ẩm.
Nếu người bệnh có triệu chứng thở khò khè kèm với khó thở, đau đầu, chóng mặt thì nên tiến hành đưa đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những cách giảm khó thở, khò khè ở người lớn, đặc biệt là người bị hen suyễn. Tất cả đều là những phương pháp tự nhiên không phụ thuộc vào thuốc men, người bệnh có thể tự làm hoặc nhờ người thân hỗ trợ. Nếu tình trạng hen suyễn kéo dài và không thuyên giảm thì nên đi khám chuyên khoa hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.