Cách giảm kali trong máu

Kali là nguyên tố vi lượng vô cùng quan trọng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tuy cần thiết nhưng nếu cung cấp quá dư thừa Kali hoặc chức năng thận suy giảm gây tích tụ Kali sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm thế nào để giảm Kali trong máu?

1. Hiện tượng tăng Kali máu là gì? Ảnh hưởng của tăng Kali máu đến sức khỏe như thế nào?

Kali là một cation quan trọng của cơ thể, được bổ sung hàng ngày qua các loại thực phẩm tự nhiên. Kali giúp duy trì nhịp tim ổn định, đảm bảo cân bằng và hoạt động bình thường của các dây thần kinh hay các tế bào cơ.

Khi ăn quá nhiều thực phẩm chứa kali hoặc uống các loại thuốc bổ sung kali thì thận sẽ thải lọc qua đường nước tiểu. Ở những người chức năng thận suy giảm, hoặc lượng kali đưa vào cùng lúc quá nhiều thì sẽ gây tình trạng tăng kali máu.

Chỉ số kali ở người bình thường trong khoảng 3,6 - 5,2 mEq/L. Nếu nồng độ Kali trong máu lớn hơn 5,5 mEq/L được gọi là tăng kali máu. Nồng độ kali trong máu cao sẽ làm gián đoạn hoạt động của một số cơ quan và hệ cơ quan, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Một số triệu chứng có thể gặp khi tăng kali máu

  • Yếu cơ hoặc co thắt cơ.
  • Mệt mỏi, khó thở, giảm thông khí, buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Cảm giác ngứa rát ở da.
  • Rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều), có thể rung thất hoặc vô tâm thu.
  • Co giật, hôn mê, tử vong.
  • Phát hiện sớm tăng kali máu có thể dựa vào thay đổi các sóng trên điện tâm đồ.

2. Nguyên nhân gây tăng Kali máu

Một số nguyên nhân gây tăng Kali máu có thể gặp:

  • Quá trình tổn thương thận cấp gây thiểu niệu, làm giảm bài tiết kali qua đường nước tiểu.
  • Suy thận mạn độ lọc cầu thận dưới 15 mL/phút mới gây giảm chức năng bài tiết kali.
  • Bệnh lý gây tiêu cơ vân, bỏng, chảy máu mô mềm, chảy máu đường tiêu hóa hay suy thượng thận cũng làm tăng nồng độ kali trong máu.

Một số nguyên nhân gây tăng kali máu giả như quá trình lấy máu garo quá chật làm tan hồng cầu, tăng tiểu cầu, tăng bạch cầu (kali tiết ra trong quá trình đó).

3. Điều trị tăng kali máu

Quy trình điều trị tăng kali máu phụ thuộc vào nồng độ kali trong máu

  • Nồng độ Kali máu trong khoảng 5 - 5,5 mmol/l: điều chỉnh bằng thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Nồng độ Kali máu trong khoảng 5 - 6 mmol/l: điều chỉnh chế độ ăn, ngưng sử dụng thực phẩm, thuốc có chứa kali, tăng thải kali qua đường nước tiểu, đường phân bằng các thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng.
  • Nồng độ Kali máu trong khoảng 6 - 6,5 mmol/l: sử dụng các thuốc làm hạ kali máu, chuẩn bị lọc máu cấp cứu.
  • Nồng độ Kali máu trên 6,5 mmol/l: lọc máu cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị cụ thể

  • Các chế phẩm Calci: tác dụng đối kháng với kali trên tim và hệ thần kinh cơ do làm ổn định màng tế bào. Thường sử dụng trong tăng kali máu kèm theo rối loạn trên điện tâm đồ.
  • Các thuốc làm tăng phân bố kali từ ngoài vào trong tế bào: insulin, thuốc kích thích giao cảm Albuterol, thuốc lợi tiểu quai (furosemid), thuốc nhuận tràng
  • Nếu nồng độ kali trong máu lớn hơn 6,5 mmol/l hoặc tăng kali máu kèm thay đổi trên điện tâm đồ từ giai đoạn 2 trở lên và tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa thì cần chỉ định lọc máu cấp cứu.

4. Chế độ dinh dưỡng để làm giảm kali máu mức độ nhẹ

Nguồn cung cấp kali chính cho cơ thể là thông qua chế độ ăn hàng ngày, đối với chế độ ăn đầy đủ và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng thì không cần bổ sung kali dưới các dạng thuốc hay thực phẩm chức năng nào khác. Ở những người có chức năng thận bình thường, lượng kali cần bổ sung cho cơ thể khoảng 4700mg/ ngày. Ở bệnh nhân có suy giảm chức năng thận mạn tính cần bổ sung khoảng 3000mg/ ngày. Các cách làm giảm kali máu bằng chế độ dinh dưỡng:

  • Lựa chọn thực phẩm ít kali như thịt lợn, thịt gà, tôm, trứng, bánh mì, sữa gạo, củ cải, ngô, rau diếp, anh đào, dâu tây,...; hạn chế các loại thực phẩm như cá, thịt đỏ, bưởi, dưa hấu, bơ, cà chua, các loại trái cây sấy khô, sữa chua, các loại hạt, khoai tây, sữa và các chế phẩm từ sữa,... do thành phần chứa nhiều kali.
  • Giảm lượng kali trong một số loại rau xanh bằng cách ngâm rau sống hoặc rau đông lạnh trong nước ít nhất 2 giờ.
  • Nấu chín các loại thực phẩm tươi, rau củ để làm giảm bớt lượng kali. Uống nước lọc và hạn chế rượu bia, các loại nước có ga, các loại nước bổ sung điện giải,...

Tóm lại, tăng kali máu là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương đến nhiều cơ quan và hệ cơ quan. Nếu tăng kali máu mức độ nhẹ có thể điều chỉnh bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và giải quyết nguyên nhân gây tăng kali máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe