Việc điều trị bệnh bằng thuốc cho trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần phải kết hợp với một số phương pháp hỗ trợ khác như đặt máy thở khí dung. Vậy máy thở khí dung là gì và cách sử dụng máy thở khí dung cho trẻ em như thế nào?
1. Máy khí dung là gì? Chỉ định dùng máy khí dung cho trẻ em?
Máy khí dung là một sản phẩm được sử dụng phổ biến trong nhi khoa giúp chữa trị bệnh các về đường hô hấp. Loại máy này có chức năng xông mũi, họng cho trẻ giúp trẻ hít thở dễ dàng và có thể lọc vi khuẩn bên trong.
Máy thở khí dung trẻ em là một phương pháp được chỉ định điều trị thay thế đường uống cho một số bệnh nhi. Tuy nhiên, không phải bệnh lý nào ở trẻ em cũng sử dụng máy thở khí dung, mà chỉ được sử dụng máy trong những trường hợp bao gồm:
- Trẻ bị suy hô hấp;
- Trẻ bị viêm mũi mạn tính, cấp tính;
- Trẻ bị viêm xoang mạn tính;
- Người bệnh bị viêm họng;
- Viêm thanh quản;
- Viêm phế quản;
- Hen suyễn;
- Bệnh nhi gặp khó khăn trong việc uống thuốc hoặc trong trường hợp không thể dùng xịt định liệu;
- Dùng để vệ sinh đường hô hấp, phòng các bệnh về đường hô hấp.
Máy thở khí dung cho trẻ em sẽ hỗ trợ chuyển thuốc thành các hạt dạng khí, sương mịn sau đó dùng áp lực phun của động cơ máy để đẩy các hạt thuốc vào sâu trong phế quản và phế nang của người bệnh. Giúp thuốc được hấp thu nhanh chóng và hạn chế được các tác dụng phụ do thuốc uống trực tiếp gây ra cho người bệnh như là gây rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng dạ dày...
Tuy nhiên, nếu dùng nhiều, dùng sai cách sử dụng máy thở khí dung có thể dẫn tới khí dung quá nhiều và xuất hiện tình trạng bị phụ thuộc thuốc, gây tổn hại lâu dài cho phổi do thuốc lắng đọng trong phổi. Do đó, việc sử dụng máy thở khí dung cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần phải cẩn trọng, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý dùng thuốc xông tại nhà cho trẻ.
2. Cách sử dụng máy thở khí dung cho trẻ em
- Bước 1: Đặt máy thở khí dung lên bề mặt vững và bằng phẳng. Lắp ráp các bộ phận và nối máy với nguồn điện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ.
- Bước 2: Đảm bảo máy khí dung sạch và vệ sinh tay sạch sẽ, sau đó dùng ống sạch lấy thuốc cho vào bầu phun khí dung. Lưu ý: Có thể pha thêm nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc nếu dùng loại thuốc đã pha sẵn thì không cần thêm nước muối sinh lý. Lượng dịch trong bầu phun không được ít hơn 2,5ml.
- Bước 3: Nối mặt nạ với bầu phun của máy khí dung. Mặt nạ phải đảm bảo che kín được cả mũi và miệng, viền của mặt nạ phải che khớp lên mặt bệnh nhi. Khởi động máy và kiểm tra xem máy có phun sương không?
- Bước 4: Trong quá trình phun khí dung trẻ nên ngồi thẳng hoặc nếu không thì phải dùng ống nối gấp khúc để cho bầu phun khí dung của máy luôn được giữ thẳng. Thở ra nhẹ nhàng. Khi sương bắt đầu được phun ra, hướng dẫn trẻ hít sâu qua miệng khoảng 3 đến 5 giây cho mỗi lần thở. Nếu trẻ lớn có thể hướng dẫn trẻ trước khi thở ra nên nín thở 10 giây.
- Bước 5: Sử dụng máy khí dung cho trẻ tối đa từ 5 - 15 phút. Trong khi máy thở khí dung hoạt động, thuốc có thể bị bám vào thành cốc đựng thuốc, có thể gõ hoặc lắc nhẹ cốc cho các giọt này rơi xuống. Khi không còn thấy sương được phun ra và máy phát ra âm thanh phù phù thì có thể tắt máy.
Lưu ý: Phải đảm bảo máy phun khí dung được an toàn vệ sinh, sử dụng dây và mặt nạ riêng. Sau mỗi lần xông phải được rửa bằng dung dịch sát trùng nếu muốn dùng lại. Ngoài ra, trong quá trình xông mũi - họng bằng máy, nếu phụ huynh nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần ngay lập tức đưa trẻ đi khám hoặc liên hệ với bác sĩ. Mặc dù việc sử dụng tại nhà sẽ có nhiều thuận lợi cho trẻ và phụ huynh nhưng ba mẹ cần phải trang bị kỹ lưỡng cách sử dụng trước khi dùng cho trẻ.
3. Một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung cho trẻ
Trong quá trình sử dụng máy thở khí dung cho trẻ em có thể gặp tình trạng trẻ không hợp tác dễ làm bay hơi thuốc, không nhận đủ liều thuốc như chỉ định. Điều này gây cản trở trong việc điều trị bệnh cho trẻ. Chính vì thế, khi sử dụng máy khí dung cho trẻ, các phụ huynh cần lưu ý một số điều sau đây:
Giữ đúng khoảng cách:
- Khi sử dụng máy thở khí dung cần cho trẻ ngồi thẳng lưng, không được đặt máy quá xa vì sẽ tạo không gian trống cho thuốc thoát ra. Theo các bác sĩ, nếu đặt máy phun khí dung cách mặt trẻ khoảng 1cm thì lượng thuốc trẻ hấp thu được chỉ còn khoảng 50%. Nếu để khoảng cách này lớn hơn khoảng 2.5 cm thì 80% lượng thuốc có thể bị thoát ra ngoài. Do đó, các phụ huynh cần chú ý sử dụng máy thở khí dung đúng cách và mang lại hiệu quả cho trẻ.
Chọn thời điểm thích hợp
- Trong thời gian trẻ đang vui chơi hoặc vừa ăn uống xong thường là khoảng thời gian trẻ hoạt động nhiều và ít hợp tác, do đó không nên xông mũi họng cho trẻ vào lúc này. Đặc biệt là ở trẻ em dưới 2 tuổi, hầu hết các bé đều quấy khóc, không chịu hợp tác trong quá trình xông mũi họng. Do đó, ba mẹ có thể lựa chọn những thời điểm yên tĩnh trong ngày hoặc trong thời gian bé đang ngủ để thực hiện đặt máy thở khí dung cho trẻ.
Lựa chọn môi trường yên tĩnh:
- Trong lúc xông mũi - họng, trẻ cần tập trung cho việc hít thở sâu, những hoạt động xung quanh rất dễ chi phối và khiến không hợp tác. Chính vì thế, ba mẹ nên lựa chọn môi trường, không gian yên tĩnh, giúp trẻ tập trung cho việc xông mũi họng khoảng 10 - 15 phút để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Lựa chọn máy thở khí dung có kích thước phù hợp:
- Việc lựa chọn máy thở khí dung có kích thước phù hợp sẽ giúp quá trình xông mũi - họng cho trẻ dễ dàng và mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi những máy khí dung kích thước lớn so với khuôn mặt của trẻ sẽ tạo điều kiện cho khí thuốc bay ra ngoài và trẻ không được hấp thu đủ lượng thuốc đã chỉ định.
Dùng đủ liều lượng thuốc theo chỉ định:
- Mọi người đều có thể mua máy khí dung về nhà sử dụng, nhưng việc sử dụng thuốc, liều lượng và cách pha thì phải theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn. Không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh cho trẻ. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh, mà còn khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Vệ sinh sạch sẽ máy khí dung:
Máy khí dung được dùng trực tiếp trong quá trình xông mũi - họng cho trẻ với công dụng chính là hỗ trợ điều trị các bệnh lý về hô hấp. Do đó, trước và sau mỗi lần sử dụng, nên vệ sinh thật kỹ để loại trừ toàn bộ vi khuẩn bám trên máy. Nếu máy đã được dùng trong một thời gian dài nên được thay phần lọc không khí để đảm bảo không bị ẩm mốc từ bên trong. Khuyến khích phụ huynh chỉ sử dụng một dây và một mặt nạ cho mỗi trẻ để đảm bảo về mặt vệ sinh cũng như phù hợp với kích cỡ khuôn mặt.
Hy vọng với bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về cách dùng và công dụng của máy khí dung trong việc hỗ trợ các bệnh lý hô hấp cho trẻ. Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần ghi nhớ một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung cho trẻ để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất và ngăn chặn các tình huống phát sinh ngoài ý muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.