Cách dự phòng thấp tim ở trẻ em

Thấp tim là bệnh lý do liên cầu khuẩn gây ra, bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 5-15 tuổi với các triệu chứng như sốt, họng đỏ, chảy máu cam, thiểu niệu, mệt mỏi, ăn kém và đặc biệt là các nguy cơ tổn thương tim trong tương lai. Vậy có những cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ em nào?

1. Thấp tim là gì?

Thấp tim là bệnh lý toàn thân thường gặp ở độ tuổi 5-15 bắt nguồn sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm da do liên cầu. Đặc biệt sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim sẽ tăng lên.

Các dấu hiệu thấp tim thường biểu hiện sau 2-4 tuần nhiễm liên cầu. Biểu hiệu thấp tim có thể kể đến như:

  • Sốt cao trên 38 độ
  • Họng đỏ
  • Vã mồ hôi
  • Chảy máu cam
  • Đái ít
  • Mệt mỏi
  • Ăn kém, nhợt nhạt
  • Đôi khi cũng không có triệu chứng gì nhưng sau đó 1-5 tuần trẻ có triệu chứng đau khớp

2. Thấp tim có nguy hiểm không?

Ảnh hưởng chức năng tim:

  • Thấp tim ngoài biểu hiện thành triệu chứng kể trên thì các tác động lên tim mạch cho cả thời điểm mắc bệnh và trong tương lai khi trẻ lớn lên đều nguy hiểm. Thấp tim gây tổn thương lên cơ tim và màng trong tim là chủ yếu.
  • Thấp tim cũng gây tổn thương các cấu trúc van tim, dày, co kéo, vôi hoá tổ chức van tim dẫn tới hẹp hở van hai lá, hở van động mạch chủ.
  • Người bệnh có thể có biểu hiện như: mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng thổi bất thường ở tim.
  • Nếu tình trạng viêm tim nặng có thể dẫn tới suy tim thậm chí là tử vong hoặc để lại di chứng van tim nặng nề trong tương lai.

Ảnh hưởng đến khớp:

  • Đau viêm, sưng nóng đỏ ở một số khớp là biểu hiện điển hình sau thấp tim
  • Các khớp bị đau thường là khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay làm người bệnh đi lại và cử động khó khăn. Ít khi đau ở các khớp cột sống hay ngón tay, ngón chân
  • Biểu hiện tại khớp của bệnh nhân thấp tim rất dữ dội và cũng tương xứng với mức độ tổn thương tim đang tiến triển.

Ảnh hưởng đến thần kinh:

  • Là các triệu chứng muộn của thấp tim, xuất hiện nhiều tháng sau khi nhiễm liên cầu, đó là các vận động nhanh, không tự chủ, không định hướng, tăng lên khi xúc động và mất đi khi ngủ.
  • Lúc đầu trẻ có thể chỉ hay cáu gắt, mệt mỏi nhưng có thể cả kèm múa tay, chân bất thường, nói khó và gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày (cầm đũa, cầm bút)

Ảnh hưởng ở da:

  • Các biểu hiện ở da do thấp tim tương đối hiếm gặp
  • Có thể có các hạt Meynet cứng, đường kính 0,5-2 cm dưới da, không dính vào da mà dính vào nền xương, vị trí thường gặp ở đầu gối, ấn không đau
  • Hoặc các ban hồng, vàng nhạt 1-3 cm, hình tròn, bờ viền cao hơn mặt da ở vị trí thân mình, gốc chi, không bao giờ xuất hiện ở mặt

3. Cách phòng bệnh thấp tim ở trẻ em

Mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng thực hiện lối sống và sinh hoạt như:

  • Giữ môi trường sống sạch sẽ
  • Vệ sinh cơ thể và mũi họng thường xuyên
  • Giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông
  • Ăn uống đủ chất để nâng cao đề kháng

Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, đặc biệt là viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A cần áp dụng phòng thấp cấp I (phòng tiên phát) như sau:

  • Sử dụng kháng sinh Penicillin hoặc Erythromycin thời gian kéo dài 10 ngày
  • Cefalosporin thế hệ 1 hoặc 2 có hiệu quả diệt liên cầu nhưng vẫn phải sử dụng trong 10 ngày
  • Một số nhóm Macrolid hiệu quả với liên cầu nhưng chưa được khuyến cáo về việc rút ngắn số ngày điều trị

Các trường hợp trẻ đã được chẩn đoán thấp tim, có tiền sử thấp tim chưa được phòng bệnh đúng cách cần thực hiện các biện pháp phòng thấp tim cấp II gồm:

  • Tiêm phòng thấp tim: Penicillin. Với các bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao thời gian tiêm là 3 tuần/ lần
  • Uống phòng thấp tim: Phenoxymethyl, Penicillin hoặc Sulfadiazin
  • Tiếp tục phòng thấp cấp II cho bệnh nhân bị bệnh van tim do thấp sau khi đã phẫu thuật bệnh van tim
  • Trẻ từng bị thấp tim có di chứng hẹp hở van tim cần giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn để phòng ngừa nhiễm khuẩn răng gây nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm nội mạc tim
  • Khi nhổ răng hoặc làm thủ thuật cần thông báo cho bác sĩ để dùng kháng sinh dự phòng
  • Trẻ nên được tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng
  • Thời gian phòng bệnh tối thiểu là 5 năm sau đợt thấp lần cuối cho tới năm 18 tuổi (không bị bệnh về tim) và 25 tuổi hoặc lâu hơn (có viêm tim)
  • Các bệnh van tim do thấp và bệnh nhân đã thay van nhân tạo cần phòng thấp tim cấp II suốt đời

Tóm lại, thấp tim ở trẻ em là bệnh lý do liên cầu khuẩn gây ra, có nguy cơ tổn thương tim trong tương lai. Do đó cần phòng bệnh thấp tim ở trẻ em bằng cách giữ môi trường sống và cơ thể sạch sẽ, ăn uống đủ chất để nâng cao đề kháng, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc các bệnh về đường hô hấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe