Cách đọc các chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm

Trên bao bì thực phẩm luôn ghi đầy đủ thông tin về các chỉ số dinh dưỡng có trong đó. Biết cách đọc các chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm sẽ giúp mỗi người lựa chọn được thực phẩm phù hợp để xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.

1. Nhãn ghi chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm là gì?

Theo quy định của pháp luật, tất cả các loại thực phẩm đóng gói đều phải có nhãn ghi thành phần dinh dưỡng dán trên bao bì thực phẩm. Dựa vào nhãn dinh dưỡng, người tiêu dùng sẽ biết được lượng calo, chất dinh dưỡng có trong mỗi khẩu phần ăn và có quyết định chọn mua sản phẩm phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng với những người đang điều trị các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường,... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Trên nhãn dinh dưỡng đề cập tới hàm lượng của các chất dinh dưỡng là chất béo, chất đạm, tinh bột, đường, chất xơ, natri, vitamin và các khoáng chất,... Tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe, mỗi người có thể tính toán các thông số trên, có sự lựa chọn thực phẩm phù hợp, sử dụng với lượng vừa đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và giảm thiểu các nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe.

2. Cách đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm

Những thông tin được đề cập về chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm gồm có:

2.1 Khẩu phần

Là thông tin đầu tiên được đề cập trong thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm. Thông thường, nhãn dinh dưỡng sẽ ghi rõ cả 2 thông tin về khẩu phần chuẩn và số khẩu phần trong mỗi gói thực phẩm. Khẩu phần thường được chuẩn hóa về cùng một đơn vị tính như: gram, mililit, miếng,...

Khẩu phần là tiêu chuẩn ăn của một người trong một ngày, đáp ứng các nhu cầu về chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Khẩu phần có ảnh hưởng lớn tới lượng calo và các thành phần dinh dưỡng trong đó. Vì vậy, người dùng cần chú ý tới khẩu phần trong gói thực phẩm để tránh tiêu thụ một khẩu phần quá lớn (tương đương với việc đang ăn nhiều calo, có thể làm tăng cân).


Khẩu phần là thông tin đầu tiên được đề cập trong thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm
Khẩu phần là thông tin đầu tiên được đề cập trong thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm

2.2 Lượng calo

Thông tin về calo trên bao bì thực phẩm thể hiện việc người dùng đã nạp bao nhiêu năng lượng từ thức ăn. Theo quy chuẩn của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), thông tin về calo trên nhãn dinh dưỡng thường ở dạng chữ lớn và bôi đậm để người tiêu dùng có thể dễ dàng xác định ngay từ đầu.

Calo trên nhãn thực phẩm gồm 2 giá trị là: Lượng calo nói chung và lượng calo có nguồn gốc từ chất béo. Số khẩu phần ăn sẽ quyết định lượng calo tiêu thụ. Chú ý tới lượng calo trên nhãn thực phẩm sẽ giúp mỗi người kiểm soát được cân nặng của mình.

Về các mức độ calo trong thực phẩm: 40 calo là thấp, 100 calo là trung bình và 400 calo là cao. Nếu tiêu thụ quá nhiều calo mỗi ngày thì sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Bởi vậy, mỗi người cần kiểm soát chế độ ăn của mình bằng việc so sánh lượng calo trên bao bì thực phẩm, không tiêu thụ quá lượng hạn định. 2.3 Các chất cần bổ sung

Trên nhãn chỉ số dinh dưỡng, các chất cần bổ sung cho cơ thể thường được thể hiện bằng màu xanh. Các chất này bao gồm: Chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi và sắt. Việc ăn đủ các chất này sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giảm hàng loạt nguy cơ về bệnh tật. Cụ thể, bổ sung đầy đủ canxi giúp giảm nguy cơ loãng xương; ăn đủ chất xơ sẽ thúc đẩy nhu động ruột; chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc, ít chất béo bão hòa và cholesterol,... giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

2.4 Các chất cần hạn chế

Các chất cần hạn chế trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm thường được thể hiện trong khung màu vàng. Các chất đó gồm chất béo, kể cả chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri,... vì chúng có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đau tim, bệnh ung thư hay huyết áp cao,... Vì vậy, mỗi người nên hạn chế ăn chất béo để có chế độ dinh dưỡng cân bằng và một sức khỏe tốt.

2.5 Phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày

Phần trăm giá trị dinh dưỡng thường được thể hiện ở phần dưới cùng của nhãn chỉ số dinh dưỡng, cho biết mỗi khi dùng khẩu phần chuẩn (chế độ ăn chứa 2000 calo), một người cung cấp bao nhiêu phần trăm chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm được xem là chứa ít dinh dưỡng nếu hàm lượng chất đó thấp hơn 5%, và thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng khi hàm lượng chất đó từ 20% trở lên.

Giá trị dinh dưỡng hằng ngày được tính dựa trên chế độ ăn uống trung bình là 2.000 calo mỗi ngày. Nếu hằng ngày một người đang ăn ít hơn hoặc nhiều hơn số calo này thì nên điều chỉnh tỷ lệ phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày cho phù hợp.


Giá trị dinh dưỡng hằng ngày được tính dựa trên chế độ ăn uống trung bình là 2.000 calo mỗi ngày
Giá trị dinh dưỡng hằng ngày được tính dựa trên chế độ ăn uống trung bình là 2.000 calo mỗi ngày

3. Gợi ý về hàm lượng các chất dinh dưỡng nên tiêu thụ hằng ngày

  • Chất béo bão hòa: Có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một người trưởng thành không nên ăn quá 20g chất béo bão hòa mỗi ngày;
  • Chất béo chuyển hóa: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tốt nhất mỗi người không nên ăn chất béo chuyển hóa. Chất này thường được sử dụng trong các món chiên rán, bơ thực vật và các loại đồ ăn vặt;
  • Cholesterol: Người khỏe mạnh bình thường chỉ nên ăn dưới 300mg/ngày và người bị bệnh tim chỉ nên ăn dưới 200mg/ngày;
  • Chất xơ: Giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường. Một thực phẩm được coi là giàu chất xơ nếu chứa trên 5g chất xơ trong 1 khẩu phần ăn. Nam giới dưới 50 tuổi nên ăn tối thiểu 38g chất xơ mỗi ngày và nữ giới dưới 50 tuổi nên ăn tối thiểu 25g chất xơ mỗi ngày. Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám;
  • Vitamin và khoáng chất: Nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có nhãn ghi chỉ số dinh dưỡng đề cập tới vitamin A, vitamin C, canxi và sắt;
  • Muối: Người khỏe mạnh nên ăn dưới 2.300mg muối/ngày. Những người bị bệnh thận, loãng xương, có tiền sử bệnh cao huyết áp và phụ nữ mang thai nên ăn dưới 1.500mg muối/ngày. Nếu ăn nhiều muối, cần ăn thêm thực phẩm giàu kali như cà chua, chuối và nước cam để ngăn ngừa mất canxi;
  • Đường: Chứa nhiều calo và không tốt cho sức khỏe nên cần chọn thực phẩm có chứa không quá 5g đường cho 1 khẩu phần. Người bị tiểu đường cần đặc biệt chú ý tới thông tin về lượng đường trên bao bì thực phẩm.

4. Lưu ý khi đọc chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm


Khi lựa chọn thực phẩm cần đặc biệt lưu ý ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì
Khi lựa chọn thực phẩm cần đặc biệt lưu ý ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì

Những lưu ý quan trọng dưới đây sẽ giúp người dùng lựa chọn được thực phẩm lành mạnh:

  • Ưu tiên chú ý tới tỷ lệ phần trăm giá trị dinh dưỡng hằng ngày thay vì đơn vị gram hay mililit;
  • Không phải mọi thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn thực phẩm đều tốt cho sức khỏe;
  • Lượng calo cần tiêu thụ không phải bắt buộc là 2.000 calo/ngày như trên nhãn thực phẩm;
  • Cần theo dõi thường xuyên lượng khẩu phần ăn mỗi ngày để tính toán được giá trị của các thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm;
  • Chú ý thêm tới ngày sản xuất và hạn sử dụng thực phẩm.

Chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm là thông tin rất quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là với người đang ăn kiêng hoặc trong quá trình trị liệu các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, tim mạch, béo phì,... Việc đọc hiểu các thành phần dinh dưỡng của thực phẩm giúp người tiêu dùng chủ động chuẩn bị bữa ăn cân bằng, đủ chất cho bản thân và gia đình mình.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe