Hệ bạch huyết là một phần quan trọng của hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động của cơ thể. Khi mắc bệnh phù bạch huyết thì có thể dẫn đến nhiều bệnh lý phức tạp khác. Vậy phù mạch bạch huyết là gì, điều trị như thế nào?
1. Bệnh phù bạch huyết là gì?
Phù bạch huyết là tình trạng tích tụ dịch bất thường trong mô mềm, xảy ra do sự tắc nghẽn của hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết dẫn lưu dòng bạch huyết (chất lỏng không màu có chứa bạch cầu di chuyển trong cơ thể), giúp chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác.
Dòng bạch mạch di chuyển trong các ống nhỏ được gọi là mạch bạch huyết. Còn hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ có khả năng bắt giữ vi khuẩn, lọc các chất có hại ra khỏi dòng bạch huyết. Khi các hạch bạch huyết bị cắt bỏ hoặc tổn thương thì dịch bạch huyết sẽ bị ứ đọng, tích tụ trong các mô xung quanh, gây phù nề.
Thông thường tình trạng phù bạch huyết biểu hiện ở cả tay và chân. Tình trạng này hay xuất hiện ở những người đã điều trị ung thư vú hay các loại ung thư có ảnh hưởng tới bàng quang, niệu quản, thận, tinh hoàn, tuyến tiền liệt và dương vật. Với những bệnh nhân đang điều trị ung thư vùng đầu cổ thì cổ là vị trí phổ biến nhất của phù bạch huyết. Tuy nhiên, phù bạch huyết cũng có thể xuất hiện ở dưới cằm, mặt và trong miệng. Tình trạng này có thể tiến triển ngay sau khi phẫu thuật, xạ trị hoặc sau vài tháng, thậm chí nhiều năm khi đã kết thúc điều trị ung thư.
2. Nguyên nhân gây bệnh phù bạch huyết
Có 2 nguyên nhân chính gây phù bạch huyết là nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. Cụ thể:
Nguyên nhân nguyên phát: Khá hiếm gặp, chủ yếu do những rối loạn phát triển và thường xảy ra ở người dưới 20 tuổi. Cụ thể:
- Bệnh Milroy: Là 1 rối loạn di truyền từ trong trứng, gây các dị tật hạch bạch huyết, dẫn tới phù bạch huyết;
- Bệnh Meige: Là khi mạch bạch huyết hình thành nhưng không có van giữ dịch, khiến bạch huyết chảy ngược, có những hoạt động bất thường ở tay, chân;
- Phù bạch huyết khởi phát muộn: Xuất hiện ở người từ 35 tuổi trở lên.
Nguyên nhân thứ phát: Bất kỳ thủ thuật nào gây tổn hại tới mạch bạch huyết đều có thể gây phù. Đó là:
- Phẫu thuật ung thư vú;
- Xạ trị ung thư;
- Ung thư;
- Nhiễm trùng.
Những đối tượng thường dễ bị phù mạch bạch huyết là:
- Mắc bệnh ung thư hoặc đang trong quá trình điều trị bệnh ung thư;
- Đã từng phẫu thuật, có vùng mổ lớn;
- Tiếp xúc với các chất độc hại hoặc chất phóng xạ lâu;
- Mắc bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tự miễn khác;
- Điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh;
- Người lớn tuổi;
- Người bị béo phì.
3. Triệu chứng của bệnh phù bạch huyết
Những người bị phù bạch huyết thường có các triệu chứng sau:
- Sưng ở tay hoặc chân;
- Có cảm giác nặng ở tay hoặc chân;
- Yếu, giảm sự linh hoạt của các chi;
- Đeo nhẫn, đồng hồ hay mặc quần áo bị chật;
- Có cảm giác đau đớn, khó chịu;
- Da căng, bóng, bị đỏ hoặc ấm;
- Da không lõm khi bị đè, ép hoặc da cứng;
- Da dày hơn;
- Da sần sùi như vỏ cam, sưng lên với những vết lồi lõm nhỏ;
- Xuất hiện mụn cóc hoặc mụn nước trên da, rỉ dịch;
- Sưng mắt, môi, mặt, cổ hoặc vùng dưới cằm;
- Khó chịu, cảm giác bí chật ở những vùng bị phù;
- Khó xoay cổ, cử động vai hoặc cằm;
- Sẹo ở cổ và da mặt;
- Sưng mi mắt, giảm thị lực;
- Khó nói, khó nuốt, khó thở;
- Chảy nước bọt, làm rơi thức ăn trong miệng khi ăn uống;
- Nghẹt mũi, đau tai giữa kéo dài nếu bị sưng nặng.
Các triệu chứng của bệnh phù bạch huyết thường tiến triển từ từ, đôi khi rất khó phát hiện. Đôi khi, triệu chứng duy nhất mà người bệnh có thể nhận thấy được là cảm giác nặng hoặc đau ở cánh tay hoặc chân. Tuy nhiên đôi khi phù bạch huyết có thể xuất hiện đột ngột. Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh lý này, bạn nên xin ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn cần biết cách làm để tình trạng phù không nặng hơn. Sưng phù cũng có thể là dấu hiệu bệnh ung thư tái phát nên bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Bệnh phù bạch huyết có thể khiến cánh tay hoặc chân dễ bị nhiễm trùng với những biến chứng như:
- Viêm mô tế bào: Vi khuẩn lây nhiễm trên da khiến tay hoặc chân bị viêm mô tế bào trầm trọng. Nếu không điều trị đúng cách, người bệnh có thể bị nhiễm trùng máu;
- Nhiễm trùng các mạch bạch huyết: Biến chứng là các điểm phù nghiêm trọng;
- Ảnh hưởng tâm lý: Phù bạch huyết có thể ảnh hưởng tới ngoại hình và tâm lý của bệnh nhân. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
4. Chẩn đoán bệnh phù bạch huyết
Lưu ý quan trọng khi chẩn đoán là cần loại trừ những nguyên nhân nguy hiểm như huyết khối hoặc nhiễm trùng máu. Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh, tiền căn phù của người bệnh và kết hợp nhiều xét nghiệm khác nhau. Các phương pháp chẩn đoán phù bạch huyết gồm:
- Siêu âm Doppler mạch máu: Là kỹ thuật nhanh, chính xác, giúp xác định tổn thương ở vị trí bị phù;
- Chụp cộng hưởng từ: Giúp xem xét các mô, đặc điểm của tình trạng phù;
- Chụp cắt lớp vi tính: Giúp hiển thị rõ ràng các khu vực bị tắc nghẽn của hệ bạch huyết;
- Hình ảnh hạt nhân phóng xạ: Sử dụng thuốc nhuộm phóng xạ nhằm quan sát toàn bộ hệ bạch huyết.
Dựa vào triệu chứng và chẩn đoán, bác sĩ phân độ giai đoạn bệnh phù bạch huyết như sau:
- Giai đoạn 0: Chưa nhìn thấy sưng phù dù đã có tình trạng tổn thương hệ bạch huyết. Hầu như người bệnh không có triệu chứng nào trong giai đoạn này. Tình trạng này có thể tồn tại hàng tháng hoặc nhiều năm trước khi có dấu hiệu sưng phù;
- Giai đoạn I: Da bị lõm vào khi bị đè nén, chưa thấy có sự hình thành sẹo hoặc mô xơ rõ ràng. Việc nâng cao phần chi bị sưng phù thường sẽ giúp giảm sưng;
- Giai đoạn II: Da không bị lõm khi bị đè nén, xuất hiện những vết sẹo từ trung bình đến nặng. Việc nâng cao phần chi bị sưng phù sẽ không làm giảm sưng nữa;
- Giai đoạn III: Da cứng hơn, phần cơ thể bị phù đã tăng kích cỡ và thể tích nhiều hơn, bề mặt da thay đổi. Ở giai đoạn này, phù bạch huyết sẽ kéo dài vĩnh viễn.
5. Các phương pháp điều trị phù bạch huyết
Phù bạch huyết có chữa được không? Hiện không có phương pháp điều trị bệnh phù bạch huyết đặc hiệu. Các phương pháp can thiệp chủ yếu giúp làm giảm sưng, giảm đau cho bệnh nhân. Cụ thể:
- Băng quấn ở nơi bị tổn thương: Việc quấn băng quanh toàn bộ chi bị tổn thương giúp tạo áp lực đẩy dịch bạch huyết chảy ngược vào trong chi và thân thể. Khi quấn, cần quấn chặt ngón tay và ngón chân, quấn lỏng dần khi di chuyển tới cánh tay và cẳng chân;
- Tập luyện: Bạn nên thường xuyên vận động, di chuyển tay và chân bị phù để kích thích dịch bạch huyết lưu thông. Bạn cần lưu ý không nên tập luyện quá sức mà chỉ cần co nhẹ các cơ là được. Các bài tập bệnh nhân nên áp dụng là: Tập kéo giãn, tập tăng cường tính linh hoạt, tập xây dựng sức mạnh cơ bắp. Một số phương pháp được khuyến nghị là nên tập thể dục nhịp điệu tập trung vào phần trên cơ thể, giảm cân, hít thở sâu,...;
- Massage: Là phương pháp giúp dòng chảy bạch huyết di chuyển nhẹ nhàng tới các hạch bạch huyết. Dù vậy, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng phương pháp massage . Nếu vùng da bị tổn thương có nhiễm trùng hoặc có cục máu đông thì cần tránh massage. Nếu bệnh nhân đang mắc ung thư thì nên tránh massage ở vùng đã xạ trị;
- Ép nén: Là phương pháp sử dụng máy bơm gắn vào quần áo ở vùng bị tổn thương rồi bơm hơi vào ống tay áo để gây áp lực, kích thích dịch bạch huyết di chuyển từ ngón tay, ngón chân, làm giảm sưng ở cánh tay và chân;
- Mặc đồ nén: Chọn quần áo dài tay hoặc vớ để nén cánh tay và chân. Phương pháp này thường được bác sĩ khuyến nghị áp dụng sau khi đã giảm sưng ở tay hoặc chân bằng những thủ thuật khác;
- Phẫu thuật: Với những trường hợp bị phù mạch bạch huyết trầm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ các mô thừa ở tay và chân. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ làm giảm tình trạng sưng nặng, không thể điều trị dứt điểm căn bệnh này;
- Phương pháp khác: Trị liệu bằng laser liều thấp, chăm sóc da, dùng thuốc (kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc thuốc giảm đau), vật lý trị liệu,...
6. Phương pháp phòng ngừa bệnh phù bạch huyết
Để không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, bạn nên áp dụng một số phương pháp phòng ngừa sau:
- Bảo vệ tay, chân, hạn chế các chấn thương. Nên chăm sóc cẩn thận các vết xước, vết bỏng,... để không bị nhiễm trùng. Nếu không cần thiết thì bạn nên hạn chế việc tiêm chủng hoặc lấy máu vào các chi bị ảnh hưởng;
- Trong quá trình phục hồi sau điều trị ung thư, bệnh nhân nên thư giãn tay, chân. Người bệnh nên tập thể dục nhưng không được tập gắng sức;
- Tránh làm nóng cánh tay và chân. Nên hạn chế chườm ấm hoặc chườm đá lên tay, chân;
- Nên đặt tay chân lên cao để dịch bạch huyết dễ dàng lưu thông;
- Không nên mặc quần áo quá chật, không đeo trang sức quá sát;
- Giữ vệ sinh tay, chân sạch sẽ;
- Theo dõi những thay đổi, vết rạn trên da;
- Dưỡng ẩm da hằng ngày;
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao;
- Ăn uống điều độ, kiểm soát trọng lượng cơ thể, tránh béo phì.
Bệnh phù bạch huyết hiện chưa có cách điều trị dứt điểm. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh (chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục phù hợp) có thể giúp kích thích lưu thông dòng bạch huyết, giảm tình trạng sưng phù nói chung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.