Viêm lợi là vấn đề răng miệng phổ biến có thể gặp ở tất cả mọi người, nhất là những người vệ sinh răng miệng không đảm bảo. Viêm lợi không chỉ gây sưng đau cho người bệnh mà còn khiến hơi thở có mùi khó chịu. Vậy viêm lợi phải làm sao, có những cách chữa viêm lợi tại nhà nào?
1. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi
Viêm lợi là bệnh lý nha khoa rất phổ biến xuất phát từ việc không chăm sóc và điều trị tốt cho sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân của viêm lợi là do những mảng bám hay cao răng không được vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho những vi khuẩn trong khoang miệng bám vào gây viêm. Trong khi đó, việc chải răng hàng ngày hoặc dùng chỉ nha khoa thực tế không thể loại bỏ hết các mảnh vụn thức ăn, chính những mảnh vụn này lâu ngày sẽ tích tụ, hình thành các mảng bám và cao răng.
Số lượng vi khuẩn càng nhiều và mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ bệnh càng nặng. Viêm lợi không gây nguy hiểm nhưng thường làm người bệnh khó chịu, đau đớn, hạn chế việc ăn nhai cũng như gây ra mùi khó chịu làm người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.
Bình thường, lợi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt, không sưng đỏ, không bị chảy máu kể cả khi ăn uống hoặc đánh răng. Ở người có lợi khỏe mạnh thì cũng ít xuất hiện các mảng bám và hơi thở cũng thơm tho hơn.
Một số dấu hiệu mà bạn có thể nhận ra khi bị viêm lợi là:
- Lợi có màu đỏ, đỏ càng đậm thì tình trạng viêm lợi càng nghiêm trọng.
- Lợi sưng và gây đau đớn.
- Khoang miệng có nhiều cao răng, đặc biệt là ở những vị trí lợi sưng đỏ.
- Lợi dễ chảy máu khi ăn uống hoặc đánh răng.
- Lợi tụt xuống sâu, lộ chân răng ra ngoài làm chân răng lỏng lẻo, dễ rụng.
- Miệng có mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra, viêm lợi còn có thể gặp trong một số trường hợp bệnh lý khác như:
- Giảm sức đề kháng, thiếu Vitamin C
- Xương hàm biến dạng, răng dễ lung lay, răng mọc chậm
- Niêm mạc miệng khô hoặc bong, hoại tử.
2. Một số cách chữa viêm lợi tại nhà hiệu quả
2.1. Sử dụng nước muối
Theo các nghiên cứu, muối biển có chứa các tinh chất giúp răng chắc khỏe hơn, cải thiện chất lượng men răng và kháng khuẩn, nhờ đó lợi được bảo vệ khỏi sự tấn công của vi khuẩn.
Sử dụng muối để vệ sinh răng miệng sẽ giúp loại bớt vi khuẩn, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, nước muối còn có ích cho tình trạng viêm lợi khi giúp giảm bớt đau nhức cho người bệnh và hồi phục phần lợi bị viêm. Bên cạnh đó, thành phần Florua có trong nước muối sẽ lấp đầy các lỗ sâu li ti, ngăn ngừa mất khoáng chất từ men răng, phục hồi độ pH tự nhiên của khoang miệng và giúp ngăn chặn hơi thở có mùi.
Người bệnh hoàn toàn có thể pha nước muối tại nhà để vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nồng độ dung dịch muối tốt nhất là 0,9%, đây là nồng độ phù hợp với cơ thể con người. Người dùng sử dụng 9g muối pha trong 1000ml nước để súc miệng hàng ngày 2-3 lần, áp dụng thói quen này liên tục sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng viêm lợi nhanh chóng.
2.2. Dùng nước cốt chanh
Thành phần kháng viêm có trong nước cốt chanh rất tốt trong chữa các bệnh nhiễm trùng nướu răng. Hơn nữa, chanh cũng chứa hàm lượng vitamin C cao, nếu bạn sử dụng thường xuyên sẽ giúp nướu răng phòng ngừa lại các bệnh viêm nhiễm.
Để áp dụng cách này bạn chỉ cần tạo hỗn hợp gồm nước cốt chanh và thêm một chút muối sau đó khuấy đều và thoa hỗn hợp này lên vùng lợi bị viêm. Giữ trong vài phút để dung dịch thấm rồi súc miệng lại bằng nước sạch. Thực hiện ngày 2 -3 lần để nhanh đạt hiệu quả.
2.3. Mật ong chữa viêm lợi hiệu quả
Mật ong trước nay luôn được biết đến là có rất nhiều tác dụng trong đời sống hàng ngày, từ việc chế biến thức ăn, làm đẹp đến chữa bệnh. Mật ong có tính kháng khuẩn, giúp ức chế sự phát triển vi khuẩn nên được áp dụng trong điều trị viêm lợi sẽ giúp giảm viêm nhiễm một cách lành tính, tự nhiên cũng như giúp lợi phục hồi nhanh hơn.
Để điều trị viêm lợi bằng mật ong, bạn có thể áp dụng 2 cách sau:
- Bôi trực tiếp mật ong lên vùng lợi bị viêm mỗi sáng sau khi đánh răng xong. Giữ trong khoảng 15 – 20 phút thì súc miệng lại với nước. Bạn nên thực hiện mỗi ngày 3 lần để đảm bảo hiệu quả.
- Súc miệng với dung dịch mật ong, chanh với nước ấm trong khoảng 10 phút mỗi ngày sau khi đánh răng xong.
2.4. Lá trầu không
Trong lá trầu có nhiều thành phần có tác dụng kháng khuẩn như tinh dầu peta-phenol, chavicol và hợp chất phenolic khác. Những chất này giúp ức chế những vi khuẩn có hại, là nguyên nhân gây viêm lợi cũng như các bệnh lý răng miệng khác.
Người bệnh có thể áp dụng theo những cách dùng sau để chữa viêm lợi:
- Cách 1: Lấy một lượng lá trầu không vừa đủ đem giã nát, thêm nước vào để đun sôi và bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi ngày súc miệng bằng dung dịch này ít nhất 2 lần, mỗi lần khoảng 5 – 10 phút.
- Cách 2: Rửa sạch, cho lá trầu với muối rồi giã nát. Lấy hỗn hợp này ngâm trong rượu trắng trong 15 phút rồi gạn lấy nước để súc miệng hàng ngày.
- Cách 3: Rửa sạch và giã nát lá trầu không rồi đắp trực tiếp lên vùng viêm lợi. Bạn nên đợi trong vòng 30 phút và không súc miệng hoặc uống nước để tinh chất trầu không ngấm vào lợi sẽ giúp giảm sưng viêm hiệu quả.
2.5. Tinh dầu sả
Theo nhiều báo cáo, tinh dầu sả có nhiều lợi ích trong việc cải thiện sức khỏe răng lợi. Tinh dầu sả sẽ đánh bay những cao răng bám trên bề mặt, hạn chế tình trạng viêm nhiễm.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần pha tinh dầu sả trong nước với tỷ lệ là 2–3 giọt tinh dầu trong 225ml nước và súc miệng hàng ngày, mỗi lần khoảng 30 giây và làm vài lần trong ngày.
3. Khi nào cần đến nha khoa điều trị viêm lợi
Với những trường hợp viêm lợi nhẹ, hầu hết triệu chứng sẽ cải thiện và khỏi hẳn sau vài ngày kiên trì áp dụng những cách điều trị tại nhà như trên. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài hoặc viêm lợi nghiêm trọng, bệnh vẫn hoàn toàn có thể tái phát nếu chăm sóc răng miệng không đúng cách, khi đó bạn cần tìm đến nha sĩ để được khám và điều trị.
Trên đây là những cách chữa viêm lợi tại nhà đơn giản, dễ thực hiện nhưng cũng rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng sưng đau lợi. Tuy nhiên, những phương pháp này lại không thể trị khỏi tận gốc viêm lợi vì tình trạng viêm nhiễm, cao răng chưa được làm sạch sẽ để lại nguy cơ tái phát. Vì vậy, khi gặp vấn đề về răng miệng, đặc biệt là tình trạng nướu sưng, tấy đỏ nghiêm trọng hoặc tái phát nhiều lần, cách tốt nhất là bạn nên đến nha khoa để được khám và điều trị triệt để.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.