Đau dây thần kinh tọa không chỉ gây ra đau và khó chịu, mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan. Vì vậy, chẩn đoán sớm và có phương pháp chữa đau dây thần kinh tọa thích hợp là cần thiết.
1. Tìm hiểu về đau dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất của cơ thể người, chạy từ vùng dưới thắt lưng đến ngón chân, có 2 dây thần kinh tọa bên trái và bên phải. Đau dây thần kinh tọa hay còn gọi là đau thần kinh tọa, là tình trạng dây thần kinh tọa bị tổn thương, chèn ép khiến tình trạng đau diễn ra theo đường đi, nhất là vùng cột sống thắt lưng, mặt sau đùi, gót chân.
Bệnh đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, thông thường là 30 – 50 tuổi. Sau bệnh lý viêm khớp dạng thấp, bệnh đau dây thần kinh tọa được xếp thứ hai về mức độ phổ biến. Dù không phải là bệnh lý cấp tính hay ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng đi lại, chất lượng cuộc sống nên rất cần được quan tâm.
Một số nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh tọa:
- Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, đĩa đệm cột sống bị trồi ra so với vị trí ban đầu và chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa và gây ra tình trạng đau dây thần kinh tọa.
- Thoái hóa cột sống:
- Thân đốt sống bị tổn thương do vi khuẩn, lao.
- Viêm đĩa đệm đốt sống.
- Các khối u, hay khối cơ, tình trạng nhiễm trùng, mang thai, chấn thương hoặc gãy xương chậu khiến dây thần kinh tọa bị chèn ép và tổn thương cũng dẫn đến đau thần kinh tọa.
Một số yếu tố nguy cơ khác cũng dẫn đến đau dây thần kinh tọa là:
- Béo phì, tăng cân khiến áp lực lên các đốt sống tăng cao, dễ dẫn đến tổn thương thần kinh tọa.
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì các bệnh lý về xương khớp như gai xương, thoát vị đĩa đệm càng dễ xuất hiện hơn gây nên đau dây thần kinh tọa.
- Ngồi quá lâu, thường xuyên đi giày cao gót, tập luyện thể dục thể thao không đúng cách cũng có thể làm dây thần kinh tọa bị đau.
- Đái tháo đường: Khi bệnh tiến triển nặng và không được điều trị kịp thời có thể gây ra những tổn thương thần kinh, bao gồm tổn thương dây thần kinh tọa, gây đau cho người bệnh.
Triệu chứng của đau dây thần kinh tọa bao gồm:
- Đau theo đường đi của dây thần kinh tọa: Đau ở vùng cột sống thắt lưng, lan ra vùng mặt ngoài đùi, đến mông, sau đến lan xuống vùng mặt trước cẳng chân và cuối cùng là ở các ngón chân.
- Tính chất cơn đau thường là đau âm ỉ, dữ dội, đau theo kiểu bị giật, đau nhiều hơn khi ho, hắt hơi hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
- Có thể kèm theo ngứa vùng chân, tê bì, cứng cẳng chân, bàn chân.
2. Cách chữa đau dây thần kinh tọa
Chữa đau thần kinh tọa thường được áp dụng như sau:
2.1. Chữa đau dây thần kinh tọa không phẫu thuật
- Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế các hoạt động gây áp lực lên thần kinh tọa, nên nằm giường cứng, không được ngồi một vị trí quá lâu, không mang vác những vật có khối lượng nặng.
- Điều trị nội khoa để giảm các triệu chứng cấp tính với các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), thuốc giảm đau Paracetamol. Tuy nhiên, các thuốc này có thể có một số tác dụng không mong muốn lên hệ tiêu hóa, tim mạch... nên cần điều trị kèm theo với thuốc bảo vệ dạ dày, giảm tiết acid dạ dày... Một số trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ, vitamin B...
- Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng tại chỗ.
- Các bài mát - xa.
- Các bài tập kéo giãn cột sống, bơi, bài luyện tập cho cơ lưng và cột sống.
- Nắn chỉnh khớp.
- Dùng thuốc y học cổ truyền.
- Nhiệt trị liệu: Chườm nóng bằng túi chườm, đèn nhiệt hoặc chườm lạnh trong vòng 20 phút/lần và khoảng vài lần/ngày.
- Sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên có thành phần chính là dầu vẹm xanh kết hợp với các dược liệu khác như nhũ hương, thiên niên kiện... giúp làm giảm đau lưng, đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, ngăn ngừa cơn đau tái phát hiệu quả.
2.2. Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh đau dây thần kinh tọa mức độ nặng dẫn đến hẹp ống sống, hội chứng chùm đuôi ngựa, teo cơ... thì cần có chỉ định phẫu thuật.
Đau dây thần kinh tọa cần được chẩn đoán sớm để có biện pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân, tránh được những biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.