Đổ mồ hôi là một quá trình tự nhiên giúp điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Do đó, khi cơ thể không bài tiết được mồ hôi sẽ gây ra một số hậu quả nghiêm trọng. Vậy có những cách nào để điều trị bệnh lý không ra mồ hôi?
1. Cơ chế hoạt động của tuyến mồ hôi
Hệ thống tuyến mồ hôi bao gồm tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi dầu và tuyến bã nhờn.
Tuyến mồ hôi nước (tuyến Eccrine) - có mặt ở khắp nơi trên cơ thể, nhiều nhất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân sau đó đến da đầu, xuất hiện ít nhất ở thân và tứ chi; chủ yếu bài tiết nước có vai trò làm mát cơ thể. Tuyến mồ hôi dầu (tuyến apocrine) - phân bố chủ yếu ở nách và vùng quanh hậu môn, ít có tác dụng làm mát. Các tuyến mồ hôi chuyên biệt gồm tuyến cổ tử cung, tuyến vú, tuyến lệ hay các tuyến của tiền đình mũi có nguồn gốc từ tuyến mồ hôi apocrine được biệt hóa.
Cấu trúc của mỗi tuyến mồ hôi bao gồm 2 thành phần cơ bản là đơn bị bài tiết và một ống dẫn mồ hôi. Mỗi tuyến mồ hôi có một sợi thần kinh phân nhánh và các mao mạch nhỏ bao quanh lõi ống.
Mỗi ngày cơ thể tiết ra khoảng 500 - 700ml mồ hôi, lượng mồ hôi phụ thuộc vào thời tiết, tình trạng hoạt động hay nghỉ ngơi. Nếu da bị kích ứng tối đa có thể tiết đến 3 lít mồ hôi/ ngày. Nam giới đổ mồ hôi nhiều hơn so với nữ giới.
Chức năng chính của tuyến mồ hôi là điều tiết nhiệt thông qua bay hơi; bài tiết và loại bỏ một phần nước, điện giải; hỗ trợ bảo tồn lớp acid trên bề mặt da, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh.
2. Bệnh lý giảm tiết mồ hôi hay không ra mồ hôi là gì?
Giảm tiết mồ hôi là tình trạng cơ thể không thể tự hạ nhiệt độ thông qua việc tiết mồ hôi ngay cả khi thời tiết nắng nóng hay cơ thể vận động thể lực nhiều. Khi không đổ mồ hôi, cơ thể sẽ không thể tự làm mát có thể dẫn đến tình trạng say nóng, thậm chí là tử vong.
Giảm tiết mồ hôi có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể hoặc một vùng nào đó. Khi tất cả các vùng trên cơ thể đều không bài tiết mồ hôi, không có khả năng tăng tiết bù trừ ở những vùng khác sẽ gây ra tình trạng không tiết dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các triệu chứng hay gặp khi cơ thể giảm tiết mồ hôi:
- Cảm giác xây xẩm, chóng mặt, yếu sức.
- Chuột rút, đặc biệt là ở tứ chi, yếu cơ.
- Sốt cao, đỏ phừng mặt, cơ thể nóng bức.
- Buồn nôn.
Nguyên nhân của tình trạng giảm tiết mồ hôi:
- Một số rối loạn di truyền bẩm sinh hoặc mắc phải như rối loạn thần kinh (bệnh Fabry), rối loạn chuyển hóa.
- Các tổn thương ở da như bỏng, xạ trị, vẩy nến, tắc nghẽn lỗ chân lông nặng có thể ảnh hưởng đến các tuyến mồ hôi, làm chúng hoạt động kém, thậm chí là không thể bài tiết mồ hôi.
- Một số bệnh lý mô liên kết (hội chứng Sjogren) làm teo các tuyến mồ hôi, khiến chúng mất chức năng.
- Các loại thuốc như morphine và botox, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến mồ hôi.
- Tổn thương thần kinh ngoại biên trong bệnh lý đái tháo đường; sử dụng các chất
- Khi cơ thể trong tình trạng mất nước nghiêm trọng do một số bệnh lý khác (tiêu chảy cấp, nôn, mất máu,...) cũng gây ra giảm tiết mồ hôi.
3. Nguy cơ khi cơ thể không bài tiết mồ hôi
Khi cơ thể không bài tiết được mồ hôi sẽ gây một số nguy cơ:
- Cơ thể không thể tự điều chỉnh hạ thân nhiệt khi thời tiết nắng nóng hoặc khi nhiệt độ cơ thể tăng cao. Điều này làm tăng nhiệt độ của tế bào, chuột rút do nhiệt, gây kiệt sức vì nhiệt, có thể dẫn tới sốc nhiệt.
- Quá trình bài tiết mồ hôi cũng thúc đẩy khả năng miễn dịch, loại bỏ các mầm bệnh trong cơ thể. Do đó, nếu giảm tiết mồ hôi hay không tiết mồ hôi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng khả năng tích tụ mầm bệnh.
- Trong mồ hôi có chứa một chất gọi là dermcidin có công dụng kìm hãm một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng da. Khi đổ mồ hôi, lỗ chân lông giãn nở giúp giải phóng độc tố và các chất gây mụn nhọt, trứng cá trên da.
- Đổ mồ hôi ngoài bài tiết nước còn bài tiết một số loại muối, điện giải ra khỏi cơ thể. Nếu không đổ mồ hôi các muối canxi sẽ tích tụ trong cơ thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Mồ hôi được xem như là một loại thuốc giảm đau tự nhiên, chứa tế bào gốc, có vai trò quan trọng trong việc giúp vết thương mau lành. Quá trình bài tiết mồ hôi trong sau các hoạt động thể lực giúp giải phóng hormone endorphin, làm cơ thể sảng khoái hơn, tinh thần phấn chấn hơn. Vì vậy, khi không thể bài tiết mồ hôi, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, tinh thần trở nên ảm đạm.
4. Cách điều trị không ra mồ hôi
Không ra mồ hôi là tình trạng vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào, có thể dẫn đến tử vong nếu không giải quyết kịp thời. Việc điều trị trước tiên cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh và giải quyết nó.
Một số loại thuốc có thể cải thiện tạm thời tình trạng này bao gồm các thuốc nhóm steroid, thuốc tiêm gây tê cục bộ vào mô thần kinh giao cảm ở cổ.
Một số biện pháp phòng ngừa tình trạng giảm tiết mồ hôi:
- Giúp cơ thể không quá nóng bằng cách mặc quần áo sáng màu, rộng rãi, đội mũ rộng vành khi đi nắng. Hạn chế mặc các loại quần áo bó sát, đồ tối màu đặc biệt là vào mùa hè.
- Sinh hoạt và làm việc ở nơi mát mẻ, thông thoáng khí, có quạt, điều hòa.
- Tắm nước mát.
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế các loại trà, cà phê, thuốc lá hay các chất kích thích.
- Tránh vận động nặng, quá sức, thực hiện các động tác chậm rãi, nhẹ nhàng để tránh làm nóng cơ thể.
Tóm lại, không tiết mồ hôi là tình trạng bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào của việc không tiết hay giảm tiết mồ hôi kéo dài cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.