Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mức cân nặng và chiều cao của trẻ trung bình cần phải đạt được theo độ tuổi để đánh giá mức độ tăng trưởng. Do đó, việc chăm sóc con chưa bao giờ là dễ dàng đối với các bậc làm cha mẹ.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phạm Lan Hương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
1. Nguyên nhân trẻ chậm tăng cân là gì, gây hậu quả ra sao?
Có rất nhiều yếu tố gây nên tình trạng trẻ chậm tăng cân, một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ:
- Trẻ biếng ăn: Biếng ăn ở trẻ là tình trạng - giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn. Trẻ em ở mỗi giai đoạn có sự phát triển khác nhau nên kích thước dạ dày cũng có sự thay đổi. Với trẻ nhỏ, cần thiết kế thức ăn và số bữa tăng dần theo tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày và đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Bữa ăn ít chất, đơn điệu: Đa số các bậc cha mẹ đều cho con ăn theo sở thích mà chưa chú ý đến số lượng và chất lượng thực phẩm nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng cho sự phát triển của con.
- Trẻ có hệ tiêu hóa không tốt, hấp thu kém: Hậu quả là sẽ không hấp thu đủ dinh dưỡng để cơ thể phát triển toàn diện, chậm tăng cân.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tình trạng chậm tăng cân ở trẻ như: Ăn nhiều chất đạm không cần thiết, trẻ quá hiếu động, bị nhiễm giun sán...
2. Tăng cân ở trẻ như thế nào là hợp lý?
Theo BS Phạm Lan Hương, Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cho hay: Khi mới chào đời, cân nặng và chiều cao của bé đều tăng lên một cách nhanh chóng. Đối với trẻ sơ sinh, cân nặng thường dao động từ 2,5 – 4,5kg. Trung bình, khi trẻ được 5 tháng tuổi sẽ nặng gấp đôi lúc sinh và khi được 12 tháng tuổi, cân nặng có thể tăng gấp 3 lần.
Giai đoạn từ 0 – 3 tháng tuổi: Trẻ tăng mỗi ngày khoảng 20 – 3gr, tức là 600 – 900gr/ tháng. Giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi: Trẻ thường sẽ chỉ tăng từ 15 – 20gr/ ngày, tức khoảng 450 – 600gr/ tháng. Giai đoạn từ 6 – 12 tháng: Tốc độ tăng cân ở giai đoạn này cũng tương tự như giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi, thậm chí chậm hơn và giai đoạn 1 – 5 tuổi: Giai đoạn này, mỗi năm trẻ chỉ tăng trung bình từ 1 – 2kg.
3. Làm sao để trẻ tăng cân nhanh và đều theo từng tháng?
Những tháng đầu sau sinh là thời kỳ “đỉnh cao” để bé phát triển về cân nặng. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng tăng cân nhanh, thậm chí có nhiều chỉ tăng rất ít cân nặng.
- Tốc độ tăng cân của trẻ quá nhanh hoặc quá chậm đều không tốt.
- Cần giúp trẻ tăng cân đều theo từng tháng, đảm bảo sau 3 tháng trẻ có thể đạt được mức cân nặng đạt chuẩn theo độ tuổi của mình.
- Trẻ sơ sinh thì trong 6 tháng đầu đời, cho bé bú mẹ hoàn toàn là cách tốt nhất để bé tăng cân ổn định và phát triển bình thường.
- Đối với trẻ nhỏ cần: Đảm bảo thời gian ngủ đúng, chất lượng, khuyến khích vận động và cho trẻ ăn dặm đúng cách
Bên cạnh đó, BS Phạm Lan Hương, Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cũng đưa ra lưu ý trong quá trình chăm sóc giúp trẻ tăng cân hợp lý:
- Để giúp bé tăng cân hiệu quả và triệt để nhất thì mẹ cần phải biết rõ những biểu hiện của chậm tăng cân như thế nào, từ đó ứng với trường hợp của con mình.
- Về mặt dinh dưỡng: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đúng cách cho con, mỗi bữa ăn cần cân bằng các nhóm chất đạm, đường, chất béo và rau củ. Đồng thời đa dạng trong cách chế biến.
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt
- Bổ sung dinh dưỡng từ sữa cho trẻ mỗi ngày để giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
- Bổ sung thêm kẽm để giúp trẻ ăn ngon hơn.
- Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày
- Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày
- Mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua thực phẩm như: tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai...hoặc các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B.
Nếu tình trạng trẻ chậm tăng cân kéo dài không cải thiện, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.