Chăm sóc bệnh nhân liệt giường thật không dễ dàng và điều quan trọng là người chăm sóc cần phải thật kiên trì, bởi người bệnh không còn khả năng thực hiện những chức năng cơ bản. Bên cạnh đó, người bệnh bị liệt nằm một chỗ còn có nguy cơ mắc phải một số tình trạng như loét do tì đè, tắc mạch,...
1. Chăm sóc loét do tì đè
Loét do tì đè là một tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân bị liệt, do kém dinh dưỡng ở một hoặc nhiều vùng da nào đó của cơ thể. Bên cạnh đó, sức nặng của cơ thể đè lên vùng da, cơ khiến cho mạch máu khó lưu thông hoặc không đến được, gây thiếu dinh dưỡng, trong khi đó máu tĩnh mạch ứ lại gây sung huyết, bung ra và gây loét. Loét thường gặp ở những vị trí xương lồi lên mà không có cơ bao bọc hoặc có nhưng quá ít như vùng da xương chẩm, vùng xương cùng, vùng da khuỷu tay, xương bả vai, gót chân,...
Vì vậy, để phòng ngừa loét do tì đè hiệu quả nhất trước tiên bạn cần lựa chọn một chiếc giường và đệm phù hợp cho người bệnh. Một chiếc giường và đệm đa năng không chỉ giúp người chăm sóc cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn trong quá trình chăm sóc mà còn giảm áp lực hạn chế tình trạng lở loét.
Bên cạnh đó, bạn cần nhận biết được dấu hiệu của loét như:
- Vùng da ở chỗ tì đè đỏ
- Sung huyết
- Người bệnh cảm thấy đau
- Nốt phồng lên như bỏng, khi nốt phồng bị vỡ ra sẽ thấy vùng da tại đó có màu đỏ, xanh nhạt rồi đen lại,...
Chăm sóc người bị liệt là phải luôn giữ cho da người bệnh luôn khô thoáng và sạch sẽ. Hằng ngày xoa bóp cho bệnh nhân ít nhất 3-4 lần, đặc biệt là những vùng da dễ bị loét. Nếu vùng da bị phồng, cố gắng giữ cho nốt phồng không vỡ ra đề phòng nhiễm trùng. Thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân sau một khoảng thời gian, tốt nhất là 30 phút một lần lăn trở và đặt tư thế người bệnh thoải mái nhất có thể.
2. Cách vệ sinh khi chăm sóc người bệnh bị liệt
Người bệnh bị liệt sẽ mất khả năng tự chăm sóc bản thân, việc vệ sinh thân thể cho người bệnh rất khó khăn. Trong khi đó, vệ sinh thân thể tốt sẽ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả loét do tì đè. Vào mùa hè, người chăm sóc nên tắm cho người bệnh hằng ngày, mùa đông có thể giảm tần suất xuống 2-3 lần/tuần. Bạn có thể dùng khăn ấm để lau người cho bệnh nhân, sử dụng các dung dịch vệ sinh thân thể dạng xịt khô. Thay bỉm, tã lót thường xuyên để tạo cảm giác khô thoáng cho người bệnh. Đối với vệ sinh răng miệng nên được thực hiện hằng ngày, hãy dùng bông gạc để vệ sinh hoặc sử dụng nước muối sinh lý, nước súc miệng để người bệnh vệ sinh hàng ngày.
3. Lựa chọn chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng cân bằng các chất đạm, mỡ, vitamin và chất khoáng sẽ giúp cho người bệnh khỏe mạnh và giảm nguy cơ loét. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ dễ dàng tiêu hóa và hạn chế tình trạng béo phì cũng như bị thiếu chất ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng hồi phục. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
4. Chăm sóc thể chất và tinh thần
Chăm sóc người bệnh nằm một chỗ cần đặc biệt chú ý đến vận động để phòng ngừa cứng khớp. Hãy tập cho người bệnh một số động tác vận động nhẹ nhàng như tập co duỗi chân, tay, vận động các ngón tay,... nhằm giúp các cơ khớp bệnh nhân linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, động viên tinh thần người bệnh là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Người bệnh bị liệt, nằm một chỗ thường rất hay bi quan, buồn bã và muốn bỏ cuộc do mất đi các chức năng sống cơ bản. Do vậy, cần tác động tư tưởng, giúp bệnh nhân luôn cảm thấy lạc quan, yêu đời,... tinh thần thoải mái sẽ góp phần quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Tóm lại, chăm sóc bệnh nhân bị liệt là công việc không dễ dàng, cần phải kiên trì để tránh tình trạng mất tinh thần ở cả người chăm sóc và người bệnh. Ngoài ra, người bệnh bị liệt còn có nguy cơ loét do tì đè, tắc mạch, cứng khớp,... Do đó, ngoài việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh như về thể chất, tinh thần, dinh dưỡng,... cần dự phòng biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.