Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Dương - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đau cách hồi là hiện tượng đau được nhiều người quan tâm vì thường gặp trong các bệnh lý động mạch ngoại biên do xơ vữa động mạch hoặc tắc hẹp, nếu quá trầm trọng có thể dẫn đến việc đoạn chi, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt đời sống của người bệnh.
1. Cơn đau cách hồi là gì?
Đau cách hồi là cảm giác đau mỏi hoặc yếu xuất hiện ở chân và thường xảy ra lúc bệnh nhân hoạt động như đi lại. Đặc điểm điểm hình nhất là các triệu chứng xuất hiện khi bệnh nhân hoạt động và biến mất sau một thời gian nghỉ ngơi. Đây là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng vì những người có triệu chứng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
Cơ chế của cơn đau cách hồi như sau: Ở trạng thái bình thường động mạch sẽ mang máu giàu oxy và chất dinh dưỡng từ tim đi khắp cơ thể. Khi động mạch ở chân bị hẹp hoặc tắc sẽ khiến các cơ ở chân không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động, dẫn tới thiếu máu chứa oxy ở chân. Giai đoạn sớm của quá trình này thì chân vẫn còn đủ oxy lúc nghỉ ngơi nên bệnh nhân không cảm thấy đau khi không vận động, chỉ khi vận động nhiều và hẹp động mạch ở chân tới mức không đủ máu nuôi mới có triệu chứng đau. Vì lý do đó nên triệu chứng này mới có tên gọi là cơn đau cách hồi vì xuất hiện lúc đi lại và biến mất khi nghỉ.
Nguyên nhân dẫn tới đau cách hồi: Khi có tuổi, các mạch máu có thể bị tắc do quá trình gọi là xơ vữa mạch hay xơ cứng mạch. Mảng xơ vữa có thể hình thành ở động mạch gồm cholesterol, canxi và mô xơ. Khi mảng xơ vữa đóng ở thành mạch nhiều hơn sẽ khiến động mạch càng hẹp và cứng làm cho dòng máu đến chân giảm đi, tình trạng này còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên.
2. Đặc điểm của cơn đau cách hồi
Cơn đau cách hồi có một số đặc điểm đáng lưu ý như sau:
- Mức độ và cảm giác đau cách hồi của mỗi người là không giống nhau, có thể đau ít, đau nhiều hoặc chỉ có cảm giác mỏi chân nhiều khi đi một quãng đường ngắn.
- Đau có thể xảy ra ở hông, đùi, cẳng chân hoặc bàn chân, đau riêng rẽ hoặc phối hợp tùy thuộc vào vị trí động mạch bị hẹp.
- Đau cả khi nghỉ ngơi, thậm chí hoại tử xảy ra khi lòng mạch hẹp nhiều và tuần hoàn bàng hệ kém phát triển.
- Đau cách hồi bắp chân là vị trí đau gặp nhiều nhất khiến người bệnh cảm thấy như bị chuột rút vùng bắp chân khi đi lại và giảm khi nghỉ. Nếu đau ở 2/3 trên bắp chân thường do hẹp động mạch đùi nông còn 1/3 dưới thường do bệnh lý động mạch khoeo.
- Đau cách hồi do hẹp động mạch chủ bụng sẽ khiến người bệnh có các triệu chứng đau hông, đau háng, bắp đùi khi đi lại, yếu mỏi vùng cơ hông lưng đi kèm với vết thương ở vùng hông lưng lâu lành do máu đến nuôi dưỡng kém.
- Đau cách hồi bắp đùi xảy ra do hẹp động mạch đùi chung hoặc hẹp động mạch chày, động mạch mác nếu vị trí đau thấp hơn. Bắt mạch động mạch phía sau chỗ hẹp thấy yếu, huyết áp thấp hoặc không đo được. Siêu âm trong trường hợp này sẽ giúp xác định cụ thể vị trí tổn thương và ước lượng mức độ nặng của bệnh.
3. Nguyên nhân của cơn đau cách hồi
Cơn đau cách hồi là triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên gây ra do xơ vữa động mạch, hoặc thường xuất hiện ở các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch như sau:
- Tăng cholesterol máu
- Hút thuốc lá, béo phì
- Tăng huyết áp
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu.
4. Điều trị cơn đau cách hồi như thế nào?
Đầu tiên để cải thiện cơn đau cách hồi thì bệnh nhân phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như sau:
- Giảm cholesterol máu: Cụ thể LDL cholesterol điều chỉnh xuống dưới 100 mg/dL bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn kết hợp với thuốc hạ lipid máu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ngừng hút thuốc lá, kiểm soát đường huyết, huyết áp chặt chẽ không chỉ giúp giảm cơn đau cách hồi mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Người bệnh có cơn đau cách hồi cần tập thể dục phục hồi chức năng nhằm giảm triệu chứng đau cách hồi: chọn một địa điểm thuận lợi hoặc chạy trên thảm 45-60 phút trong 3 ngày mỗi tuần, kéo dài ít nhất 3 tháng. Nếu có điều kiện nên chạy dưới sự giám sát của nhân viên y tế ở mỗi giai đoạn tập luyện.
Điều trị nội khoa: Sử dụng các thuốc chống tắc mạch theo chỉ định của bác sĩ có thể cải thiện một phần triệu chứng, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ do nguyên nhân tim mạch.
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật):
- Can thiệp thông mạch qua da: Chỉ định ít xâm lấn và ít nguy cơ hơn phẫu thuật. Một vết chọc nhỏ qua da sẽ đưa một dây dẫn có bóng vào nơi động mạch bị hẹp, bóng nong được đưa đến chỗ hẹp của động mạch và bơm lên làm rộng lòng mạch giúp dòng máu đi qua dễ dàng hơn. Một số trường hợp stent sẽ được đặt vào lòng mạch để tránh hẹp trở lại.
- Phẫu thuật tái thông mạch là phẫu thuật dùng đoạn mạch của cơ thể để nối chỗ hẹp giúp dòng máu chảy qua. Phẫu thuật này tốt nhất là chỉ định cho bệnh nhân sức khỏe tốt dưới 70 tuổi và không bị tiểu đường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.