Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng toàn thân rất mạnh mẽ. Phản ứng này thường xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như côn trùng, thuốc, thực phẩm hoặc nhựa, Sốc phản vệ diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy điều trị sốc phản vệ như thế nào?
1. Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng với các triệu chứng như: nổi mề đay, sưng, giãn mạch máu và hạ huyết áp. Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc. Nếu sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Tình trạng sốc phản vệ thường bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Cơ thể sẽ tạo ra một loại protein, có tên là immunoglobulin E hoặc IgE để chống lại các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, việc phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất vô hại, chẳng hạn như một số thực phẩm nhất định sẽ gây ra các chuỗi phản ứng hóa học và kích hoạt hiện tượng dị ứng xảy ra.
Mặc dù cơ thể không thể phản ứng kịp trong lần đầu tiên tiếp xúc với những chất lạ, nhưng nó sẽ tạo ra các kháng thể trong lần tiếp theo. Khi đó, chất gây dị ứng sẽ liên kết với các kháng thể này, và cơ thể sản sinh ra nhiều histamin, dẫn đến sốc phản vệ.
2. Các triệu chứng của sốc phản vệ
2.1 Chẩn đoán xác định.
Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (NIAID) đề ra các tiêu chuẩn chẩn đoán phản vệ như sau:
- Tiêu chuẩn 1. Bệnh lý cấp tính có triệu chứng da-niêm với ít nhất một trong hai loại triệu chứng hô hấp và tuần hoàn.
- Tiêu chuẩn 2. Có ít nhất 2 trong số 4 loại triệu chứng dưới đây, sau khi tiếp xúc với một chất có thể là dị ứng nguyên: da-niêm, hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa.
- Tiêu chuẩn 3. Tụt huyết áp đột ngột sau khi tiếp xúc với một chất chắc chắn là dị ứng nguyên.
Phản vệ nặng khi có triệu chứng suy hô hấp hoặc tụt huyết áp.
2.2 Chẩn đoán phân biệt.
- Phản vệ suy hô hấp cần phân biệt với:
+ Co thắt phế quản trong hen phế quản
+ Tràn khí màng phổi
+ Thuyên tắc phổi.
- Phản vệ tụt huyết áp cần phân biệt với:
+ Sốc dây X
+ Các loại sốc khác: sốc tim, sốc mất máu, sốc nhiễm khuẩn
+ Hạ đường-huyết
Xét nghiệm cận lâm sàng định hướng chẩn đoán, đánh giá mức độ
- Các xét nghiệm thông thường đối với một bệnh nhân sốc, suy hô hấp: chức năng gan-thận, ion đồ, khí máu động mạch...
- Nhóm xét nghiệm chuyên biệt xác định phản vệ: có thể thử histamine-huyết tương, methyl-hista- min trong nước tiểu, tryptase-huyết thanh (có thể tăng cao cho đến 3 giờ sau phản ứng phản vệ).
- Có thể làm thử nghiệm da hay các xét nghiệm máu giúp xác định yếu tố khởi phát trường hợp phản vệ của bạn.
3. Xử trí sốc phản vệ
Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị ứng nguyên. Đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp, chân cao. Tư thế nằm nghiêng nếu có nôn (nằm nghiêng trái nếu là phụ nữ có thai).
Phản vệ cơ chế miễn dịch và không miễn dịch được xử trí giống nhau, trong đó adrenaline và ôxy là các biện pháp quan trọng nhất và sớm nhất để làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Adrenaline được chỉ định cho người có dấu hiệu của phản vệ hay đe dọa phản vệ, hoặc cả khi không có triệu chứng chuẩn mực cho chẩn đoán phản vệ.
Phản vệ nhẹ
- Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 0,3-0,5ml adrenaline 1/1.000.
- Lặp lại mỗi 5 phút nếu các triệu chứng vẫn còn.
Phản vệ nặng
- Tiêm tĩnh mạch 3-5ml adrenaline 1/10.000.
- Lặp lại mỗi 3-5 phút nếu còn tụt huyết áp.
- Tụt huyết áp kéo dài thì truyền tĩnh mạch liều khởi đầu 1-4 micro- gram/ phút, tối đa là 10 micro- gram/phút.
Thuốc vận mạch (Dopamine, Noradrenaline, Vasopressin) nếu vẫn còn tụt huyết áp.
Dùng các thuốc kháng histamin và cortisone để giảm viêm đường thở, cải thiện hô hấp, đề phòng sốc phản vệ tái phát.
Dùng beta-agonist (ví dụ albuterol) nếu vẫn còn co thắt phế quản sau tiêm adrenaline.
Thuốc kháng histamine (Promethazine, Pipophen) chỉ có tác dụng giảm triệu chứng da-niêm.
Liều tiêm bắp thông thường của adrenaline cho mọi lứa tuổi: 0,01 mg/kg (liều tối đa 0,5 mg).
Dùng bơm tiêm tự động: chỉ cho các liều 0,15 mg và 0,3 mg.
4. Dự phòng sốc phản vệ
Đối với người bệnh
Cách phòng phản vệ tốt nhất là tránh xa các yếu tố gây phản vệ.
Luôn mang theo mình thông tin cho biết bạn bị dị ứng với thuốc nào hay chất nào khác (đeo vào cổ hay cổ tay, hay để trong ví).
Bạn phải luôn luôn có một túi đồ cấp cứu với các thuốc cần thiết. Khi bạn có một bơm tiêm tự động adrenaline, phải luôn kiểm tra hạn sử dụng và thay thế trước khi hết hạn.
Khi bạn bị phản vệ mà không có sẵn bơm tiêm tự động, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm adrenaline và ổn định sinh hiệu trước khi chuyển đến cơ sở chuyên khoa điều trị tiếp tục.
Cẩn thận báo cho các bác sĩ của bạn biết về các phản ứng thuốc mà bạn có.
Khi đang tiêm một thuốc nào đó, nếu bạn cảm thấy bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, ngứa da... hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử trí phản vệ.
Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường
Nếu bạn có dị ứng với côn trùng đốt, phải cẩn thận khi gần chúng. Mặc quần dài và áo dài tay, không đi chân trần lên cỏ, tránh các màu sáng, không dùng nước hoa, không mở soda bên ngoài nhà. Bình tĩnh khi gần loại côn trùng đó.
Nếu bạn dị ứng với thức ăn, đọc cẩn thận nhãn. Quá trình chế biến có thể thay đổi, bạn cần kiểm tra định kỳ nhãn hiệu các thứ mà bạn thường ăn. Khi bạn đi ăn ở tiệm, tìm hiểu cách chế biến và các thành phần có trong món ăn. Một tí thức ăn mà bạn dị ứng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.
Đối với nhân viên y tế
Cho thuốc đúng chỉ định, cân nhắc sử dụng thuốc trên những bệnh nhân cơ địa dị ứng.
Khi thực hiện thuốc cho bệnh nhân, luôn đem theo hộp chống sốc.
Đối với các thuốc có nguy cơ phản vệ cao thì phải thử test trước khi dùng, ví dụ như huyết thanh kháng uốn ván, Streptomycin...
Khi nghi ngờ phản vệ, phải dùng adrenaline ngay cho bệnh nhân.
Đối với những trường hợp bất khả kháng phải dùng thuốc trên cơ địa dị ứng thuốc mà bệnh nhân đã thông báo, phải sử dụng steroid trước 30 phút và dùng liều thuốc rất nhỏ sau đó tăng dần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.