Xét nghiệm ung thư phổi có thể giúp bệnh nhân phát hiện ra bệnh ngay khi vừa khởi phát. Những triệu chứng của bệnh trong giai đoạn đầu thường khá mơ hồ và khó phát hiện thông qua một số xét nghiệm sàng lọc ung thư thông thường. Do đó, việc sàng lọc định kỳ với những xét nghiệm chuyên biệt là cần thiết trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư phổi.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tầm quan trọng của chẩn đoán ung thư phổi
Ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung hay ung thư phổi và một số loại ung thư khác thường không biểu hiện ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu.

Vì thế, phần lớn người bệnh thường không nghĩ rằng mình mắc bệnh và chỉ phát hiện ra khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng. Khi ấy, bệnh đã ở những giai đoạn muộn và rất khó để điều trị, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng.
Do đó, những phương pháp xét nghiệm ung thư, đặc biệt là xét nghiệm ung thư phổi đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và chính xác. Từ đó, người bệnh có thể điều trị ngay từ giai đoạn sớm, giúp nâng cao hiệu quả điều trị cũng như tăng cơ hội sống.
2. Xét nghiệm ung thư phổi bằng những phương pháp nào?
Gần đây, sau khi tia phóng xạ được phát hiện ra có ảnh hưởng đến bệnh nhân và gây ra một số tác hại không mong muốn, các chuyên gia đã dần chuyển sang sử dụng phương pháp chụp CT ngực tiêm thuốc cản quang liều thấp. Đây là phương pháp có tính chính xác cao trong việc phát hiện ung thư phổi giai đoạn đầu. Bệnh viện Vinmec Times City cũng đã thực hiện dịch vụ này trong quá trình tầm soát ung thư phổi cho bệnh nhân.
Đa phần các bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi sau khi thăm khám với một số triệu chứng bệnh. Vậy ung thư phổi có triệu chứng gì?
- Ho dai dẳng.
- Khó thở.
- Thở khò khè.
- Ho ra máu.
- Đau vai hoặc ngực thường xuyên.
- Khàn giọng, nặng tiếng.
- Sụt cân không rõ lý do.
- Quá mệt mỏi.
- Ăn không ngon.

Để chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ trước tiên sẽ tiến hành khám lâm sàng cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể kiểm tra ngực và các hạch bạch huyết ở cổ. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp X-quang ngực hoặc chụp CT. Ngoài ra, một số chỉ định xét nghiệm ung thư phổi khác cũng có thể được yêu cầu như:
- Chẩn đoán hình ảnh: Phương pháp này được dùng khi nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư phổi và kiểm tra xem bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nào.
- Mô bệnh học: Sinh thiết có thể được chỉ định, giúp xác định và định hướng điều trị cho người bệnh.
- Xét nghiệm sinh học phân tử khối u: Một số mẫu mô từ tổ chức hoặc cơ quan bị di căn trong bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, không vảy sẽ được mang đi kiểm tra. Mục đích của xét nghiệm này là để kiểm tra sự có mặt của các đột biến gen EGFR hay ALK.
- Yếu tố gắn kết gây chết tế bào theo chương trình đã định (PD-L1): Đây là một loại protein tế bào được cho là có tác dụng kìm hãm sự phát triển của khối u nhờ hệ thống miễn dịch. Mức độ bộc lộ PD-L1 trong khối u có thể ảnh hưởng tới việc điều trị ung thư phổi bằng liệu pháp miễn dịch kháng PD-L1.
Ngoài ra còn có một số phương pháp chẩn đoán ung thư phổi như sau:
- Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu (như xét nghiệm Cyfra 21-1, xét nghiệm NSE, xét nghiệm ProGRP, xét nghiệm CEA hay xét nghiệm SCC) có thể được chỉ định nhằm giúp người bệnh phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm.
- Soi phế quản: Đây là một phương pháp có thể giúp bác sĩ quan sát rõ hơn những tổn thương bên trong phổi. Ống nội soi sẽ được đưa từ mũi hoặc miệng của bệnh nhân để luồn xuống khí quản và phổi. Trong quá trình này, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu sinh thiết hoặc chải rửa phế quản người bệnh.
- Xạ hình xương: Đây là một phương pháp có thể giúp phát hiện ra bệnh ung thư phổi di căn đến xương.
- Chụp CT sọ não: Đây là phương pháp xét nghiệm ung thư phổi để đánh giá tình trạng di căn não.
- Siêu âm hoặc chụp CT vùng bụng: Quá trình này giúp bác sĩ phát hiện ra ung thư di căn tại vùng thượng thận, gan hoặc một số cơ quan khác.

3. Bệnh ung thư phổi có chữa được không?
Nhìn chung, câu trả lời sẽ là có, tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, bệnh có thể được điều trị khỏi hẳn và có tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 90%. Nếu phát hiện càng muộn, tiên lượng sống của bệnh nhân sẽ càng thấp.
Do đó, việc tầm soát và xét nghiệm ung thư phổi định kỳ có thể ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh có khỏi hoàn toàn hay không cũng phụ thuộc vào một số yếu tố khác như sức khỏe bệnh nhân, thời điểm phát hiện và đặc điểm của khối u trong cơ thể người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.