Xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày có thể giúp bệnh nhân chẩn đoán tình trạng của mình nhờ kết quả xét nghiệm H Pylori. Nhiều người nhiễm phải vi khuẩn H. Pylori mà không có triệu chứng, nhưng đối với một số bệnh nhân khác có thể gặp biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày, loét hay viêm dạ dày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Các loại xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày
Kết quả xét nghiệm H Pylori có thể giúp phát hiện loại vi khuẩn này trong đường tiêu hoá. Từ đó, bác sĩ có thể dựa trên kết quả xét nghiệm để chẩn đoán liệu bệnh nhân có bị nhiễm trùng hay không và đưa ra các biện pháp điều trị chính xác và phù hợp với tình trạng của người bệnh.
Hiện tại, có khá nhiều cách xét nghiệm vi khuẩn HP có thể được thực hiện. Một số xét nghiệm phổ biến có thể kể đến bao gồm:
1.1 Xét nghiệm không nội soi
Xét nghiệm không nội soi gồm các phương pháp sau đây:
1.1.1 Xét nghiệm phân (xét nghiệm kháng nguyên H. Pylori trong phân)
Mục đích là để phát hiện sự hiện diện kháng nguyên của vi khuẩn HP có trong mẫu phân của người bệnh.
Loại xét nghiệm này có ưu điểm là chi phí thấp, đơn giản và cho kết quả nhanh. Tuy nhiên, có khả năng kết quả xét nghiệm H Pylori không chính xác vì dương tính giả. Điều này là do một số yếu tố trong phân có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm.
1.1.2 Xét nghiệm hơi thở Ure (test thở Ure)
Quy trình thực hiện xét nghiệm hơi thở như sau:
- Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu hơi thở của người bệnh bằng cách cho người bệnh thở vào một chiếc túi.
- Sau đó, bệnh nhân sẽ uống một chất lỏng đặc biệt có chứa ure và chờ khoảng 15 phút.
- Trong thời gian này, nếu bệnh nhân có vi khuẩn HP trong dạ dày thì vi khuẩn sẽ phân hủy ure thành khí carbon dioxide và lẫn vào trong hơi thở của người bệnh.
- Người bệnh sau đó được thu thập mẫu hơi thở lần thứ hai.
- Cả hai mẫu đều được gửi đến phòng xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm H Pylori theo phương pháp này cho thấy mẫu hơi thở thứ hai của người bệnh có mức carbon dioxide cao hơn bình thường, người bệnh đã nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.
1.1.3 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu nhằm xác định xem người bệnh có đang tạo ra kháng thể với vi khuẩn HP trong dạ dày hay không. Nếu có, điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang bị nhiễm vi khuẩn HP hoặc từng bị nhiễm trong quá khứ.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm H Pylori có thể không phản ánh đúng tình trạng của người bệnh dù đây là phương pháp dễ thực hiện và có kết quả xét nghiệm rất nhanh.
1.2 Xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày có nội soi
Trong quá trình thực hiện các xét nghiệm có nội soi, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô trong đường tiêu hoá để nghiên cứu và chẩn đoán. Mặc dù kết quả xét nghiệm H Pylori bằng các phương pháp nội soi có độ chính xác cao, tuy nhiên ít được thực hiện vì tính xâm lấn cao.
Một số xét nghiệm nội soi phổ biến gồm:
1.2.1 Xét nghiệm mô học
Mô trong đường tiêu hoá sẽ được gửi đến chuyên khoa giải phẫu bệnh nhuộm để quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm vi khuẩn HP. Cùng với đó, xét nghiệm này cũng kiểm tra sự biến đổi về mặt tế bào học và mô bệnh học để xem có bất thường nào hay không.
1.2.2 Xét nghiệm urease nhanh
Vi khuẩn HP sẽ sản xuất ra một enzyme gọi là urease, cho phép vi khuẩn này tồn tại trong môi trường axit của dạ dày. Vì thế, các chuyên gia sẽ sinh thiết mẫu mô tại khu vực bị tổn thương và đem vào môi trường phản ứng có chứa ure để kiểm tra.
Nếu kết quả xét nghiệm H Pylori bằng phương pháp này cho thấy ure bị phân huỷ trong môi trường phản ứng và tạo ra amoniac, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán nhiễm khuẩn HP. Chất chỉ thị màu sẽ là đặc điểm biểu thị cho phản ứng tạo ra amoniac, từ đó đánh giá được sự xuất hiện của vi khuẩn HP.
1.2.3 Nuôi cấy vi khuẩn
Các bác sĩ sẽ nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu sinh thiết của người bệnh trong môi trường dinh dưỡng. Tuy nhiên, kết quả của phương pháp xét nghiệm này phải mất vài tuần mới có.
Ưu điểm của loại xét nghiệm này là bác sĩ có thể đánh giá loại thuốc kháng sinh nào phù hợp với bệnh nhân cũng như có khả năng điều trị thành công cao nhất.
1.2.4 PCR (Phản ứng Chuỗi Polymerase)
Trong xét nghiệm PCR, các đoạn ADN của vi khuẩn HP sẽ được khuếch đại và được dùng để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn trong dạ dày người bệnh.
Nhìn chung, xét nghiệm phân và xét nghiệm ure hơi thở được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng trong việc chẩn đoán nhiễm HP và cũng để đánh giá hiệu quả điều trị. Các xét nghiệm này cũng được thực hiện thường xuyên nhất, cho kết quả nhanh và không xâm lấn.
Tuy nhiên, xét nghiệm hơi thở ure thường không được khuyến cáo áp dụng cho trẻ nhỏ. Thay vào đó, trẻ nên được tiến hành xét nghiệm phân để xác định tình trạng.
2. Khi nào cần xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày?
Các xét nghiệm thường được tiến hành khi người bệnh có các triệu chứng đau ở hệ tiêu hóa hoặc biểu hiện khác của loét, bao gồm:
- Đau bụng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Khó tiêu.
- Cảm giác no nhanh hoặc đầy bụng.
- Buồn nôn.
- Ợ.
Một số bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn và cần can thiệp y tế khẩn cấp. Có thể kể đến các triệu chứng như:
- Đau bụng dữ dội, đột ngột và kéo dài.
- Phân có máu hoặc màu đen.
- Nôn ra máu hoặc bãi nôn có màu giống bã cà phê.
Xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày có thể được thực hiện sau 4 đến 6 tuần kể từ khi hoàn thành điều trị để kiểm tra xem vi khuẩn HP đã được loại bỏ chưa. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều cần xét nghiệm lại.
3. Đọc kết quả xét nghiệm như thế nào cho đúng?
Kết quả xét nghiệm H Pylori cho kết quả dương tính khi phát hiện kháng nguyên của H. pylori trong phân hoặc khi xét nghiệm hơi thở hay sinh thiết cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn này.
Khi đó, người bệnh sẽ được điều trị bằng cách kết hợp kháng sinh và các loại thuốc khác để tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời giảm đau và điều trị tình trạng loét.
Nếu kết quả xét nghiệm H Pylori âm tính có nghĩa là người bệnh không nhiễm H. pylori và các triệu chứng có thể do nguyên nhân khác gây ra. Nếu triệu chứng vẫn tiếp diễn, người bệnh có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu, chẳng hạn như sinh thiết mô để xác định nguyên nhân.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được đánh giá cao với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, hệ thống trang thiết bị hiện đại và dịch vụ chăm sóc toàn diện. Không gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện an toàn, tiệt trùng và đảm bảo độ chính xác cao trong các kết quả xét nghiệm, qua đó mang đến sự yên tâm cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.