Các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi

Xét nghiệm ung thư phổi là bước quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp phát hiện sớm và xác định phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Ung thư phổi, một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm, yêu cầu áp dụng các xét nghiệm chính xác để cải thiện cơ hội sống sót, chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.

1. Tổng quan bệnh ung thư phổi là gì? 

Ho trong thời gian dài, có thể lẫn máu và đờm, hoặc bị đau tức ngực là những biểu hiện điển hình của ung thư phổi.
Ho trong thời gian dài, có thể lẫn máu và đờm, hoặc bị đau tức ngực là những biểu hiện điển hình của ung thư phổi.

Ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh lý ung thư tại Việt Nam. Nhiều bệnh nhân mắc ung thư phổi lại không xuất hiện các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh.

Chỉ cho đến khi người bệnh gặp các triệu chứng như ho, khó thở, sút cân hay đau ngực thì mới bắt đầu đi khám, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn và khó điều trị thành công. Vì thế, việc khám sức khoẻ định kỳ hay thực hiện xét nghiệm cần thiết là điều quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư phổi.

Ung thư phổi xuất hiện khi những tế bào bất thường ở phổi bất ngờ xuất hiện và sinh sản một cách không kiểm soát. Quá trình này sẽ khiến cho chức năng của phổi bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể lan sang lá phổi còn lại, các hạch xung quanh khí quản hoặc các bộ phận khác trong cơ thể người bệnh.

Vì ung thư phổi không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu nên rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm hay các bệnh lý đường hô hấp khác. Đôi lúc, bệnh chỉ có những biểu hiện thoáng qua, thậm chí là không xuất hiện triệu chứng. Điều này sẽ khiến bệnh nhân khó phát hiện ung thư phổi một cách kịp thời.

Hầu hết các bệnh nhân khi được chẩn đoán và xét nghiệm ung thư phổi đều đang ở giai đoạn cuối của bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh ung thư phổi có thể đã di căn sang các cơ quan khác. Từ đó, kết quả điều trị của bệnh nhân sẽ thấp, khó cứu chữa và tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh ung thư phổi được chia thành hai loại chính, bao gồm:  

  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ.

Các triệu chứng chính của bệnh ung thư phổi bao gồm:

  • Ho trong thời gian dài, ho ra máu, đờm.
  • Đau tức ngực.
  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh không có tác dụng.
  • Thở nông.
  • Sút cân nhanh chóng.
  • Khàn giọng, thở khò khè, khó nuốt.
  • Tràn dịch màng phổi.

2. Chẩn đoán & xét nghiệm ung thư phổi như thế nào?

Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm ung thư phổi thường dùng nhất. Bao gồm:

2.1 Chụp X-quang phổi

Kết quả chụp X-quang phổi có thể giúp phát hiện khối u nhưng lại ít khi thấy được các tổn thương nhỏ khác trong phổi. Chụp X-quang để xét nghiệm ung thư phổi được chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp được dùng để tìm kiếm các khối u ở phổi. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả khi tìm kiếm các tổn thương nhỏ đi kèm.
  • Chụp CT: Kết quả chụp CT sẽ chỉ ra kích thước, vị trí và mức độ xâm lấn của khối u phổi. Cùng với đó là tình trạng di căn, hạch trung thất của người bệnh cũng được hiển thị rõ ràng. Qua đó, bác sĩ có thể định hướng sinh thiết tốt hơn khi chẩn đoán bằng mô bệnh học.  

2.2 Soi phế quản

Soi phế quản là phương pháp sử dụng một ống soi đặc biệt luồn qua mũi hoặc miệng. Từ đó, ống soi thâm nhập vào khí quản rồi đến phổi, giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương hoặc khối u trong phổi của người bệnh.

Đồng thời, quá trình soi phế quản cũng đi kèm với một số kỹ thuật cần thiết để lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm. Có thể kể đến như lấy mẫu sinh thiết phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành tại khu vực có khối u, chải rửa phế quản.

2.3 Xét nghiệm đánh giá di căn

Có một số xét nghiệm ung thư phổi để đánh giá tình trạng di căn của bệnh, bao gồm:

  • PET/CT: Phương pháp này sẽ đánh giá chính xác các tổn thương mà di căn gây ra. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán đúng về giai đoạn của bệnh.
  • Xạ hình xương: Mục đích là để phát hiện nhanh các tổn thương do bệnh di căn đến xương.
  • MRI sọ não: MRI sọ não sẽ xác định xem liệu ung thư phổi đã di căn tới não hay chưa.
  • Siêu âm hoặc chụp CT bụng: Các phương pháp này sẽ giúp phát hiện ung thư phổi di căn đến gan hoặc tuyến thượng thận.

2.4 Xét nghiệm dấu ấn của ung thư phổi

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm đặc biệt hơn bao gồm:  

Xét nghiệm Cyfra 21-1

Dù có mặt trong nhiều cơ quan khác nhau nhưng Cyfra 21-1 hiện diện chủ yếu trong phổi. Cyfra 21-1 có thể được coi là dấu ấn sinh học của ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.  

Xét nghiệm Cyfra 21-1 sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác loại ung thư phổi của bệnh nhân. Người có bệnh phổi lành tính sẽ có chỉ số Cyfra 21 - 1 dưới 3.3 μg/L (hoặc 3.3 ng/ml).

Xét nghiệm Cyfra 21-1 kết hợp với xét nghiệm CEA đã được chứng minh là phương pháp xét nghiệm ung thư phổi đáng tin cậy trong quá trình chẩn đoán ung thư phổi.

Xét nghiệm NSE

NSE là phương pháp được dùng để chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ. Theo nghiên cứu, NSE trong huyết thanh và huyết tương sẽ được định lượng bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang thông qua máy hỗ trợ phân tích miễn dịch.

Theo đó, có 72% trường hợp người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ có mức độ NSE huyết thanh cao hơn 52ng/ml. Tuy nhiên, người bệnh mắc các loại ung thư khác chỉ tăng khoảng 8%.

Nồng độ NSE ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ sẽ cho thấy sự tương quan với tải lượng khối u, số lượng vị trí bị di căn và khả năng đáp ứng điều trị.

Độ nhạy chẩn đoán của xét nghiệm này sẽ tăng theo giai đoạn bệnh ung thư tế bào nhỏ ở người bệnh. Đây cũng là một dấu ấn sinh học khác bổ sung cho ung thư phổi khi được xét nghiệm chung với phương pháp xét nghiệm ProGRP.  

Việc kết hợp hai phương pháp này sẽ làm tăng độ chính xác trong quá trình chẩn đoán dựa trên mô học, tiên lượng cũng như theo dõi ung thư phổi.

Xét nghiệm CEA

Có tới 29% người mắc ung thư phổi có chỉ số CEA cao hơn 10 ng/ml khi xét nghiệm. Ở người bình thường, chỉ số này chỉ nằm ở mức 0 - 2,5 ng/ml.

Xét nghiệm CA 19-9

CA 19-9 là kháng nguyên xuất hiện ở tế bào tuyến của nội tạng con người, trong đó có phổi. Xét nghiệm này không có nhiều giá trị khi chẩn đoán và xét nghiệm ung thư phổi sớm. Bởi lẽ, có khoảng 50% trường hợp người bệnh mắc ung thư phổi không cho thấy sự gia tăng của chỉ số CA 19-9.

Xét nghiệm SCC (Kháng nguyên ung thư tế bào vảy)

Tế bào biểu mô vảy là thành phần chính của biểu bì nhưng cũng xuất hiện trong lớp nền của đường tiêu hoá, phổi và các khu vực khác của cơ thể.

Chỉ số SCC sẽ tăng khi người bệnh mắc ung thư ở nhiều loại mô như phổi hay cổ tử cung. Các giai đoạn ung thư tiến triển hơn sẽ đi kèm với tình trạng tăng nồng độ SCC, đặc biệt là đối với ung thư phổi và ung thư cổ tử cung.

Việc xét nghiệm ung thư phổi dựa trên xét nghiệm kháng nguyên SCC trong nhiều lần liên tiếp sẽ giúp hỗ trợ đánh giá các tình trạng của bệnh như sự tái phát, tồn lưu bệnh sau điều trị hay khả năng đáp ứng điều trị.

Xét nghiệm ProGRP

Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ hoặc cần phân biệt tình trạng này với các loại ung thư phổi khác, xét nghiệm ProGRP sẽ được chỉ định.

Mặc dù chỉ số ProGRP được ghi nhận là dấu ấn sinh học cho ung thư phổi tế bào nhỏ, nhưng nồng độ bất thường của chỉ số này cũng được tìm thấy trong một nhóm bệnh nhân mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Tuy nhiên, nồng độ được đo ở nhóm bệnh nhân này thấp hơn đáng kể so với mức đo được ở những bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ.

So với NSE, xét nghiệm ProGRP là một loại xét nghiệm có độ nhạy cao hơn. Từ đó, bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và phân biệt với các khối u phổi khác. Xét nghiệm này đặc biệt hữu dụng cho các bệnh nhân không thể thực hiện sinh thiết khối u phổi. 

Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?

Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.

Chụp X quang phổi đánh giá căn bệnh ung thư phổi
Chụp X quang phổi đánh giá căn bệnh ung thư phổi

3. Các phương pháp điều trị

Ung thư phổi là bệnh có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Vì thế, đối với mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có phác đồ điều trị cụ thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ có hiệu quả cao nhất khi khối u của người bệnh còn nhỏ và chưa di căn. Để phẫu thuật, người bệnh cần phải có một sức khoẻ ổn định. Có khoảng 20% người bệnh được điều trị ung thư phổi bằng phương pháp này.

Tia xạ: Khoảng 35% bệnh nhân được áp dụng điều trị bằng phương pháp này. Các tia xạ sẽ phá huỷ khối u khi chúng còn nhỏ và chưa di căn. Hoặc, tia xạ có thể được dùng để hạn chế tối đa sự phát triển của các khối u lớn. Phương pháp này có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân, nhưng rất ít trường hợp khỏi hoàn toàn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ của người bệnh.

Hoá chất: Từ 80-90% bệnh nhân mắc ung thư phổi tế bào nhỏ có dấu hiệu thuyên giảm khi kết hợp sử dụng hoá chất và phẫu thuật để điều trị. Đối với các loại ung thư phổi khác, tỉ lệ thuyên giảm chỉ nằm ở mức 40-50%. Đối với giai đoạn muộn, hoá chất chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống.

Chăm sóc giảm nhẹ: Thường được sử dụng cho người bệnh ở giai đoạn cuối, giúp chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và giúp giảm đau. 

Chăm sóc giảm nhẹ thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối
Chăm sóc giảm nhẹ thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Tổng kết lại, xét nghiệm ung thư phổi có nhiều loại khác nhau để giúp đánh giá từng giai đoạn phát triển của khối u. Kết quả xét nghiệm ung thư phổi cũng có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Từ đó, liệu trình điều trị phù hợp cho người bệnh cũng được hỗ trợ rất nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe