Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ sau khi sinh quyết định then chốt đến chất lượng sữa cho trẻ trong giai đoạn phát triển đầu đời. Vì vậy, để đảm bảo được sức khoẻ của mẹ và bé, phụ nữ sau sinh cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Dưới đây là một số loại vitamin tốt cho mẹ sau sinh.
1. Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin cho phụ nữ sau khi sinh
Phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt vitamin. Thêm vào đó, chế độ ăn uống hàng ngày có thể không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng một cách đầy đủ, dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng vi chất dinh dưỡng. Vì vậy việc bổ sung vitamin đóng vai trò quan trong giúp cơ thể người phụ nữ sau khi sinh mau chóng phục hồi, có đủ dinh dưỡng trong sữa mẹ để nuôi trẻ.
Trẻ nên được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ đủ chất dinh dưỡng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ trong năm đầu của cuộc đời.
Trên thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ bị thiếu hụt một số vitamin cần thiết cho cơ thể, như vitamin nhóm B, vitamin D, vitamin C... Những hợp chất này có vai trò khá quan trọng giúp củng cố hệ thống miễn dịch của trẻ, đồng thời giúp ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể xảy ra cho cả mẹ và trẻ.
Nếu nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ không đáp ứng đầy đủ theo khuyến nghị thông qua chế độ ăn hàng ngày, có thể nên cân nhắc sử dụng vitamin tổng hợp sau sinh.
2. Những vitamin tốt cho mẹ sau sinh
Dưới đây là những loại vitamin tốt cho mẹ sau sinh cần được bổ sung trong chế độ dinh dưỡng:
- Vitamin K được xếp vào loại vitamin tốt cho phụ nữ sau sinh. Nó có tác dụng trong quá trình sản xuất hồng cầu, giúp cải thiện mật độ xương cũng như kích thích các yếu tố đông máu trong cơ thể. Ngoài ra, vitamin K còn giúp cho cơ thể duy trì chức năng của não bộ, phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch và tăng độ nhạy cho insulin. Nguồn thực phẩm chứa vitamin K bao gồm bông cải xanh, bắp cải, rau diếp, rau cải bó xôi.... Ngoài ra, để bổ sung đầy đủ vitamin này có thể sử dụng thêm thực phẩm chức năng có chứa hàm lượng vitamin K theo nhu cầu.
- Biotin (hay còn được gọi vitamin B7 hoặc vitamin H) được xếp vào danh sách vitamin tốt cho mẹ sau sinh. Hiện tượng rụng tóc sau sinh chắc hẳn khá phổ biến đối với các bà mẹ. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Nếu dấu hiệu tóc rụng ngày một nhiều, không thuyên giảm và có thể dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể thì lúc này bà mẹ nên được bổ sung biotin. Bởi vì vitamin H có chứa thành phần hợp chất thiết yếu giúp cho da và tóc có sức sống. Hơn nữa chất dinh dưỡng này còn giúp tăng cường trao đổi chất, kiểm soát cân nặng và thúc đẩy quá trình hình thành nên các yếu tố cần thiết khác của cơ thể. Vitamin H có nhiều trong các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng gà, cá, sữa, yến mạch, đậu nành, một số các hạt...
- Vitamin E được ví như “thần dược” giúp phụ nữ sau sinh sớm lấy lại vóc dáng cũng như sức khỏe cơ thể. Vitamin này giúp phụ nữ sau sinh xua tan được những căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình chăm sóc em bé; tăng cường sức đề kháng và giảm tích lũy mỡ thừa trong cơ thể; điều hoà quá trình sản xuất hồng cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời của vitamin E đối với cơ thể thì việc bổ sung quá mức so với nhu cầu của cơ thể có thể gây những ảnh hưởng và tổn hại đến cơ thể. Do đó, cần bổ sung vitamin E theo đúng hướng dẫn. Thực phẩm chứa hàm lượng vitamin E phong phú bao gồm ngũ cốc, đậu tương, lúa mạch, trứng, các loại rau ăn lá có màu xanh đậm...
- Vitamin D nhất là vitamin D3 có vai trò khá đặc biệt trong sự phát triển của trẻ. Nếu thiếu vitamin D3 có thể tăng nguy cơ còi xương, sụn không được vôi hoá dẫn đến tình trạng làm cho xương bị biến dạng, ảnh hưởng đến chiều cao cũng như dáng đi của trẻ. Còn với bà mẹ thì khi không có đủ lượng vitamin D sau sinh, có thể phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như loãng xương, đau khớp, mỏi vai gáy, đổ mồ hôi trộm... Trong trường hợp thiếu vitamin D nghiêm trọng có thể sử dụng vitamin tổng hợp theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, vitamin D cũng có trong các loại thực phẩm như sữa, trứng, thịt ,cá, các loại đậu... và nguồn vitamin D còn khá dồi dào từ ánh nắng mặt trời nên có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để bổ sung cho cơ thể bằng cách tắm nắng vào buổi sáng mỗi ngày.
- Vitamin C giúp bà mẹ sau sinh cân bằng mọi hoạt động của cơ thể. Bởi vì sau sinh, không ít bà mẹ gặp tình trạng suy nhược cơ thể do phải kiêng khem quá mức hoặc có nhiều bà mẹ bị áp lực trong chuyện gia đình và kể cả việc chăm em bé. Vì vậy, đây là loại vitamin tốt cho mẹ sau sinh, giúp cải thiện hệ miễn dịch, sửa chữa các tổn thương của tế bào và nhanh chóng làm lành vết thương, kích hoạt các hoạt động mạnh mẽ, hình thành collage tạo mô liên kết khác nhau trong cơ thể. Môt lợi ích đáng kể nữa của vitamin C đó chính là giúp tăng cường hấp thu sắt vào cơ thể, từ đó phòng ngừa được tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Những thực phẩm như cam, quýt, sơ ri, ổi, rau ngót, cần tây, kinh giới có chứa hàm lượng vitamin C khá phong phú.
- Vitamin B9 hay còn gọi acid folic có vai trò đặc biệt trong sự phát triển của của não bộ. Vitamin này còn tham gia nhiều chức năng thần kinh ở trẻ sơ sinh. Nếu cơ thể thiếu vitamin B9 có thể khiến cho quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào bị chậm lại. Hàm lượng vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm như gạo, sữa, lúa mì, các loại rau xanh có lá sẫm màu.
- Vitamin B6 cũng thuộc vitamin nhóm B, có vai trò trong điều chỉnh giấc ngủ bằng tối ưu hoá quá trình hình thành hormone melatonin. Không những thế vitamin B6 còn khá cần thiết cho sự phát triển thần kinh và thúc đẩy sự hoạt động của não bộ đạt hiệu quả. Vitamin này có chứa hầu hết trong các loại thịt gia cầm, ngũ cốc, yến mạch, chuối... nên tình trạng thiếu hụt vitamin B6 khá hiếm. Tuy nhiên, nếu bà mẹ sau sinh mắc chứng rối loạn hấp thu chuyển hóa bẩm sinh vẫn có nguy cơ thiếu vitamin B6.
- Vitamin B5 có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Đồng thời góp phần tăng cường mức độ hemoglobin trong cơ thể, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, vitamin này còn rất cần thiết cho sự hình thành chất béo, protein, carbohydrate...
- Vitamin B3 thường được lựa chọn cho những trường hợp liên quan đến bệnh lý nhiễm trùng. Hơn nữa, sự hiện diện của vitamin B3 còn giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể, hỗ trợ cho quá trình tuần hoàn máu và cải thiện trí nhớ khá hiệu quả. Vitamin này không được cơ thể dự trữ và được hình thành trong quá trình trao đổi chất. Vì vậy, cần phải bổ sung vitamin này thông qua các loại thực phẩm hàng ngày như sữa, trứng, thịt cá hay các loại hạt....
- Vitamin B12 có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tổng hợp ADN và quá trình nhân đôi, sản sinh tế bào trong cơ thể. Hơn nữa, vitamin này còn tham gia vào cấu tạo dây thần kinh, nhờ đó vận chuyển các tín hiệu thần kinh tốt hơn, tăng cường được khả năng nhận thức cũng như phát triển trí thông minh cho trẻ.
- Vitamin B2 có liên quan đến triệu chứng thiếu máu. Vì, thành phần của vitamin này có tác dụng trong việc lưu trữ và sử dụng sắt của cơ thể. Vitamin này có mặt trong hầu hết các tế bào sống. Khi thiếu vitamin B2 có thể xảy ra những hiện tượng như mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, chướng bụng đầy hơi...
- Vitamin A giúp tăng cường thị lực và thường được bổ sung thông qua sản phẩm thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt bò, cải bó xôi... Vitamin A còn có chức năng tốt trong việc hạn chế tình trạng gãy rụng, xơ rối tóc.
Tóm lại, phụ nữ sau khi sinh rất dễ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin. Việc bổ sung vitamin đóng vai trò quan trong giúp cơ thể người phụ nữ sau khi sinh mau chóng phục hồi, có đủ dinh dưỡng trong sữa mẹ để nuôi trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.