Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu người lớn.
Rối loạn điện giải bao gồm các trường hợp tăng hay giảm bất thường của các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Rối loạn điện giải nói chung hay sự mất cân bằng các khoáng chất nêu trên có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và co giật.
1. Vai trò của chất điện giải trong cơ thể con người
Các chất điện giải là những chất có thể hòa tan trong dịch cơ thể, tạo ra các ion mang điện tích âm và dương. Các khoáng chất này có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể vì chúng giúp thực hiện các chức năng thần kinh, cơ bắp, giúp giữ cân bằng lượng dịch trong cơ thể, huyết áp và pH máu.
Rối loạn điện giải thường gặp ở những người có chế độ ăn uống mất cân bằng (ăn quá nhạt, ăn quá mặn, lạm dụng các loại nước giải khát, nước tăng lực,...) và ở những người đang trong tình trạng đau ốm hay mắc các bệnh lý toàn thân. Trong đó, có thể kể đến sự rối loạn hai khoáng chất quan trọng nhất trong nhóm các chất điện giải là Natri và Kali.
2. Các vấn đề thường gặp trong rối loạn điện giải
2.1 Rối loạn Natri
Na là một nguyên tố quan trọng trong cơ thể giúp duy trì thể tích huyết tương, cân bằng lượng acid – base, truyền xung động thần kinh và chức năng của tế bào bình thường của cơ thể. Natri có nhiều trong muối ăn. Na trong tế bào luôn được đổi mới do sự trao đổi Natri giữa trong và ngoài tế bào. Việc cân bằng Natri trong khẩu phần ăn là điều cực kỳ quan trọng để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Nồng độ Natri trong máu bình thường là 135-145 mmol/l.
2.1.1 Tăng nồng độ Natri trong máu
Tăng natri trong máu là tình trạng có nồng độ ion natri cao trong máu. Triệu chứng ban đầu có thể bao gồm cảm giác khát, yếu, buồn nôn và ăn mất ngon. Triệu chứng trở lên nghiêm trọng hơn khi có những biểu hiện như cơ co giật, chảy máu trong hoặc xung quanh não.
2.1.2. Giảm nồng độ Natri máu
Giảm nồng độ Natri máu cũng là một trong những triệu chứng phổ biến ở những trường hợp rối loạn điện giải, có thể kể đến những nguyên nhân như sau:
- Mất muối nhiều qua đường tiêu hóa, nước tiểu, mồ hôi (nôn, tiêu chảy, say nắng, ra mồ hôi nhiều,...).
- Thiểu năng vỏ thượng thận.
- Tổn thương ống thận nặng, suy thận
- Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu cũng dễ dẫn đến giảm nồng độ Natri máu.
- Hội chứng SIADH (tiết hormone ADH quá nhiều gây giữ nước làm giảm nồng độ Na máu).
Triệu chứng lâm sàng của việc giảm nồng độ Natri máu là: Khát, phù, ngất, hoa mắt, khô niêm mạc, nhịp tim nhanh, giảm huyết áp trong tư thế đứng.
Ngoài ra, giảm nồng độ Natri máu gây ra những hậu quả sau:
- Gây nhược trương dịch gian bào, lượng nước trong tế bào sẽ tăng lên đáng kể, giảm khối lượng máu
- Giảm huyết áp có thể gây ra truỵ tim mạch, làm thiểu niệu gây suy thận, nặng hơn có thể phù não...
2.2 Rối loạn Kali
Kali trong cơ thể đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là với hệ tim mạch, nồng độ Kali có sự liên quan mật thiết đến tính hưng phấn của cơ tim, sự dẫn truyền, nhịp tim.
Kali có nồng độ bình thường trong máu là 3,5 – 5 mmol/l.
Trong cơ thể, kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu. Ngoài ra, kali cũng giúp ích cho cơ thể sản xuất ra protein từ các amino acid và biến đổi glucose thành Glucogen - một nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động của cơ thể. Kali có nhiều trong các thực phẩm như chuối, khoai lang, củ cải, ....
Tuy nhiên, cũng như Na, việc tăng hay giảm Kali máu bất thường đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan trong cơ thể.
2.2.1 Tăng Kali máu
Tăng kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Tăng kali máu khi nồng độ Kali > 5 mmol/L. Nồng độ Kali huyết thanh bình thường là 3,5 - 5 mmol/L, ngược lại nồng độ Kali bên trong tế bào khoảng 150 mmol/L. Các rối loạn nồng độ Kali trong máu thường là hậu quả của sự dịch chuyển Kali qua tế bào và không phản ánh chính xác tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa của tổng lượng Kali trong cơ thể.
Các nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân tăng kali máu là:
- Suy thận
- Sốc phản vệ, chấn thương nặng, bỏng nặng, tiêu cơ vân,...
- Nhiễm toan
- Tan máu
- Suy vỏ thượng thận
2.2.2 Hạ Kali máu
Hạ kali máu có thể là hậu quả của sự dịch chuyển ion K+ vào trong tế bào, mất K+ bất thường qua thận, mất kali ngoài thận. Ngoài ra, còn có thể gặp triệu chứng này qua những người hay nhịn ăn, hấp thu kém và bệnh nhân điều trị bằng cortisol, thuốc lợi tiểu kéo dài.
Hạ kali máu sẽ dẫn đến những triệu chứng như yếu cơ, nhược cơ, tay chân run rẩy, giảm phản xạ, tiểu tiện nhiều lần vào ban đêm. Trong trường hợp nặng hơn, có thể gây loạn nhịp tim nếu nồng độ Kali trong máu thấp hơn 2 mmol/l.
Một số triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết của người bị hạ Kali máu:
- Mệt mỏi, liệt mềm.
- Chướng bụng, tiêu chảy.
- Ảnh hưởng đến chức năng tim: nhịp tim chậm, ngừng tim...
- Các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác: Thận...
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.