Các vấn đề sức khỏe của phụ nữ tiền mãn kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đối với phụ nữ bước vào lứa tuổi trung niên, giai đoạn tiền mãn kinh là giai đoạn gây nhiều thay đổi ảnh hưởng đến tâm sinh lý, thể chất. Phụ nữ mãn kinh thường dễ mắc các vấn đề sức khỏe như loãng xương, bốc hỏa, tiểu đường... gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt hàng ngày.

1. Tổng quan

Giai đoạn tiền mãn kinh diễn tiến từ từ tùy theo độ tuổi, thường trải qua 2 giai đoạn:

  • Tiền mãn kinh: là giai đoạn chuyển giao trước khi phụ nữ hết kinh thật sự. Trong khoảng thời gian này do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm, gây mất cân bằng nội tiết tố nữ (Estrogen và Progesteron) nên cơ thể phụ nữ sẽ thay đổi dẫn đến các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, khó ngủ, cáu gắt, bốc hỏa... tồn tại trong vài tháng hoặc có khi vài năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Giai đoạn tiền mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 45-50 tuổi và kéo dài 2,3 đến 5 năm tùy từng người.
  • Mãn kinh: là giai đoạn buồng trứng của người phụ nữ đã ngừng hoạt động hoàn toàn, không còn rụng trứng và sản xuất nội tiết tố, dẫn đến người phụ nữ không còn kinh nguyệt và cũng không thể mang thai. Phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh thường ở lứa tuổi từ 50-55 tuổi.

Mãn kinh không phải là bệnh lý mà là sự chuyển tiếp thời kỳ bình thường xảy ra ở tất cả phụ nữ lớn tuổi theo quy luật tự nhiên. Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể trải qua mãn kinh sớm hoặc mãn kinh muộn:

  • Mãn kinh sớm là mãn kinh trước 40 tuổi, khi phụ nữ không còn khả năng mang thai do không còn nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng (không rụng trứng). Mãn kinh sớm thường xảy ra ở những phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, xạ trị chữa bệnh, rối loạn miễn dịch, đã phẫu thuật cắt tử cung nhưng còn chừa 2 buồng trứng.
  • Mãn kinh muộn là sau 55 tuổi mới bắt đầu mãn kinh.

2. Thay đổi sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh

Giai đoạn tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng đến người phụ nữ theo nhiều cách khác nhau. Có người không gặp khó chịu gì, nhưng cũng có người gặp những triệu chứng ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Một số thay đổi sức khỏe phụ nữ tiền mãn kinh bao gồm:

  • Tâm lý không ổn định: tình trạng dễ cáu bẳn, bực bội, khó chịu, bốc hỏa (nóng bừng) đột ngột ở mặt, cổ, ngực.
  • Khó ngủ: thường là hệ quả của bốc hỏa trong đêm, đổ mồ hôi đêm.

Tình trạng khó ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh
Tình trạng khó ngủ ở phụ nữ tiền mãn kinh

Một trong những thay đổi quan trọng đến sức khỏe của phụ nữ tiền mãn kinh là vấn đề về loãng xương. Khi nồng độ estrogen suy giảm có thể gây mất dần canxi và chất khoáng, khiến loãng xương, vẹo cột sống, đau vùng thắt lưng, đau thần kinh tọa, xương bị yếu, dễ gãy. Gãy xương ở người lớn tuổi thường khó lành, gây tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa. Nếu cuộc sống kéo dài đến năm 80 tuổi thì từ 20 đến 80 tuổi, ít nhất đã có 50% khối lượng xương bị mất dần đi. Tuổi mãn kinh càng kéo dài hay buồng trứng bị cắt bỏ quá sớm, không được trị liệu thì chất xương càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh cũng bị ảnh hưởng hàm lượng đường huyết trong máu. Khi đường huyết không được kiểm soát, lên xuống thất thường sẽ làm tăng nguy cơ tăng cân, mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu và âm đạo. Những nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn mãn kinh do suy giảm estrogen.

3. Cách phòng ngừa các rối loạn sau mãn kinh

  • Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn nhẹ nhàng để bình ổn tâm trạng, cảm xúc. Tránh các công việc gây áp lực, căng thẳng.
  • Chuẩn bị dinh dưỡng tốt trước giai đoạn tiền mãn kinh: ăn uống đầy đủ, bổ sung các chất chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên, axit béo, canxi, thủy hải sản, tăng cường rau quả.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao, duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và tăng tuần hoàn máu.
  • Giảm cân nếu bị tình trạng thừa cân, mắc bệnh lý béo phì.
  • Cố gắng ngủ đủ giấc vào ban đêm bằng cách giảm ngủ trưa, giữ phòng ngủ yên tĩnh, mát mẻ, tối để dễ ngủ. Tập thói quen đi ngủ sớm và thức dậy vào một giờ nhất định.
  • Khi bị khô ngứa âm đạo, đau khi giao hợp thì có thể sử dụng các loại gel bôi trơn để quan hệ thoải mái hơn.
  • Tránh những chất kích thích dễ khởi phát cơn bốc hỏa như: đồ ăn cay, rượu, cafe, thuốc lá, ở nơi nóng, bị stress, căng thẳng.

Tập luyện thể dục thể thao phù hợp giúp duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và tăng tuần hoàn máu
Tập luyện thể dục thể thao phù hợp giúp duy trì sự dẻo dai của hệ cơ xương và tăng tuần hoàn máu

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp Gói khám và tư vấn sức khỏe tuổi tiền mãn kinh. Khi đăng ký, khách hàng sẽ được khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Phụ khoa; thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nội tiết tố. Khi đăng ký Gói khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe tuổi tiền mãn kinh, khách hàng sẽ được:

  • Khám chuyên khoa Phụ khoa
  • Khám phụ khoa, khám vú
  • Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng
  • Lấy bệnh phẩm làm phiến đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo
  • Chụp Xquang tuyến vú (2 bên)
  • Đo độ loãng xương
  • Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe