Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi luôn cần được chăm sóc chu đáo và tận tình để trẻ có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian mà trẻ có thể mắc phải một số vấn đề sức khỏe đáng lưu ý, chẳng hạn như sốt phát ban, ọc sữa hoặc vàng da.
1. Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi
Trung bình trẻ 2 tháng tuổi có cân nặng trung là 5,1 kg và chiều cao là 7,1 cm đối với bé gái và 5,5 kg và 58,4 cm đối với bé trai.
Khi trẻ được 2 tháng tuổi đã có những thay đổi nhiều hơn so với những tháng đầu, trẻ lớn lên từng ngày, biết cười, biết đưa tay vào miệng thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau.
Lúc này, trẻ cũng bắt đầu phát triển hơn về mặt cảm xúc và nhận thức, biết nín khóc khi được an ủi, vỗ về. Ngoài ra, trẻ cũng đã bắt đầu nhận diện được các gương mặt hay giọng nói quen thuộc, thậm chí biết giật mình khi có tiếng động lớn.
Khi trẻ được 2 tháng tuổi, não bộ sẽ được kết nối chặt chẽ với nhau và chứa hàng tỷ tế bào. Các kết nối tế bào não sẽ được hình thành mỗi khi bé nghe giọng nói, ngửi mùi hương, nhìn thấy khuôn mặt hoặc cảm nhận được sự chăm sóc từ cha và xây dựng sự gắn bó thân thiết giữa bạn và bé.
2. Các vấn đề về sức khỏe thường gặp ở trẻ 2 tháng tuổi
2.1 Phát ban sơ sinh
Phát ban ở trẻ sơ sinh là tình trạng xuất hiện các nốt phát ban có màu đỏ trên khắp cơ thể trẻ. Chúng thường xuất hiện trong vòng từ 1-2 ngày sau khi sinh và có thể biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm, tình trạng này có thể quay trở lại trong vài tuần tới.
Mặc dù phát ban ở trẻ sơ sinh thường gây mất thẩm mỹ, nhưng nó không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có thể không cần nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp điều trị.
Ngoài ra, phát ban ở trẻ sơ sinh thường kèm theo các dấu hiệu đáng chú ý như: Sốt cao bất ngờ (có thể lên tới 40 độ), sau khi hạ sốt sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ các khu vực như mông, mặt, hoặc đầu. Các nốt ban đỏ có kích thước nhỏ, lấm tấm như đầu tăm. Chúng thường gây cảm giác khó chịu cho bé, tuy nhiên không gây ngứa.
Bên cạnh các triệu chứng trên, trẻ có thể gặp phải các vấn đề khác như mệt mỏi, hay cáu gắt, uể oải, quấy khóc hoặc biếng ăn. Thậm chí nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị sưng hạch ở cổ hoặc đau họng.
Để giúp trẻ hết bị phát ban, cha mẹ nên thực hiện theo các cách dưới đây:
- Hạ sốt cho bé
- Cho bé ăn các loại thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa, chẳng hạn như sữa hoặc cháo, đồng thời bổ sung nước đầy đủ giúp trẻ nhanh hết sốt phát ban
- Vệ sinh và giữ cho da bé luôn khô thoáng
2.2 Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Đây là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, có các biểu hiện như xuất hiện các mảng da có màu vàng hoặc vảy dày trên đầu tựa như gàu. Các vảy da cũng có thể tìm thấy ở tai, mũi, lông mày hoặc vùng bẹn.
Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh còn được gọi là chứng cứt trâu, đôi khi chúng có thể bị nhầm lẫn với một số căn bệnh về da khác, chẳng hạn như chàm sơ sinh. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng phân biệt được 2 chứng bệnh này vì thông thường viêm da tiết bã ở trẻ sẽ không gây ngứa, trong khi bệnh chàm sơ sinh có thể khiến bé luôn cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu.
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là do các hormone tăng tiết bã nhờn trong nang lông và tuyến dầu được truyền từ mẹ sang con trước khi sinh. Một tác nhân khác có thể bắt nguồn từ loại nấm malassezia, thường sinh trưởng và phát triển chủ yếu trong các bã nhờn cùng một số loại vi khuẩn khác.
Căn bệnh này không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, và có thể tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi. Các bậc cha mẹ có thể điều trị tại nhà cho bé thông qua những bước sau:
- Nhẹ nhàng xoa một lượng dầu dành cho em bé hoặc dầu khoáng lên khu vực xuất hiện vảy trên da đầu
- Để dầu trong khoảng 1 giờ
- Sau đó gội sạch đầu cho bé
- Sử dụng bàn chải mềm để nhẹ nhàng lấy các mảng vảy trên đầu bé.
2.3 Ọc sữa ở trẻ sơ sinh
Một số trẻ sơ sinh có thể mắc phải tình trạng ọc sữa hoặc nôn trớ ngay sau khi bú. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này nếu trẻ không bị ọc nhiều sữa và vẫn khỏe mạnh hoặc tăng cân đều đặn.
Để cải thiện được tình trạng này, bạn hãy vỗ nhẹ lưng bé cho đến khi con hết trớ sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể giữ cho bé đứng thẳng trong vòng 20-30 phút sau khi cho ăn.
Thực tế, ọc sữa không giống như nôn. Tình trạng nôn thường xảy ra mạnh mẽ hơn và rất có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở trẻ. Hơn nữa, nôn mửa có thể gây ra mất nước nhanh chóng cho trẻ sơ sinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe.
2.4 Hắt hơi ở trẻ sơ sinh
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ hắt hơi để giúp thông thoáng mũi. Tình trạng này sẽ xảy ra phổ biến trong vài tháng đầu sau sinh và xuất hiện với tần suất cao trong một ngày. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ bị cảm lạnh.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể khiến bé bị khó thở hoặc gây khó khăn khi bú. Để giải quyết được vấn đề này, bạn có thể tham khảo phương pháp sau đây:
- Nhỏ 1-2 giọt nước muối vào mũi bé để đánh tan chất nhầy, giúp bé dễ hắt hơi hơn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương để tăng thêm độ ẩm cho không gian nhà ở. Tuy nhiên, tuyệt đối không cho bé tiếp xúc gần với hơi nóng từ máy để tránh bị bỏng.
Khi sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn cần chú ý vệ sinh và khử trùng máy thường xuyên. Bởi vì khi không được làm sạch đúng cách, các loại vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển trong máy, dẫn đến các vấn đề về hô hấp, bệnh tật hoặc dị ứng.
Đối với loại nước muối nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh, các bà mẹ hoàn toàn có thể tự làm nước muối ngay tại nhà với công thức đơn giản sau:
- Cho 2,5 ml (1/2 muỗng cà phê) muối vào 250 ml (cốc) nước đun sôi để nguội.
- Lưu trữ trong một chiếc lọ sạch có nắp đậy kín đáo
- Chỉ sử dụng dung dịch trong vòng 24 giờ
2.5 Nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Nấc cụt là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên chúng thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
Chứng nấc cụt có thể tự hết khi bé được ôm ấp, vỗ về, thay đổi vị trí hoặc khi trẻ mút đầu ngón tay và được cho ăn.
2.6 Vàng da ở trẻ sơ sinh
Sau khi sinh, các tế bào hồng cầu trong máu của trẻ có thể sản sinh ra quá mức cần thiết. Khi những tế bào này bị phá vỡ, chúng sẽ giải phóng ra bilirubin. Thông thường, chất này có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể bé trong những ngày đầu đời thông qua nhu động ruột. Tuy nhiên, khi bilirubin không được đào thải, chúng sẽ tích tụ lại trong cơ thể, dẫn đến tình trạng vàng da ở trẻ.
Để đảm bảo độ chính xác về tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng như biết được trẻ bị vàng da bệnh lý hay sinh lý, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM