Răng thật luôn là tốt nhất. Dẫu vậy, có những trường hợp người bệnh bắt buộc phải nhổ răng. Dù là một dạng điều trị ngoại trú, bệnh nhân vẫn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước và sau khi được chữa trị. Nếu không nắm rõ các vấn đề gặp phải sau khi nhổ răng, bệnh nhân có thể sẽ hoang mang, không kịp trở tay khi xảy ra biến chứng.
1. Khi nào cần nhổ răng?
Như đã đề cập ở trên, không phải trường hợp nào bác sĩ chuyên khoa cũng đề xuất nhổ răng. Chỉ khi răng bị tổn thương nặng nề, không thể bảo tồn hoặc phục hồi mới cần nhổ bỏ. Thông thường, người bệnh sẽ tiến hành nhổ răng trong các trường hợp:
- Răng mọc sai vị trí: Sau khi răng sơ sinh rụng, răng vĩnh viễn bị mọc lệch ra khỏi quỹ đạo, không đúng chức năng. Do đó, chúng cần được nhổ bỏ hoàn toàn để tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ;
- Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm: Không phải răng khôn nào cũng mọc đúng vị trí của nó. Răng khôn có thể mọc ngang, mọc dọc, mọc kẹt, mọc lệch, mọc ngầm. Một khi nó có nguy cơ làm hỏng các răng bên cạnh hay cấu trúc cả hàm, răng khôn sẽ được chỉ định nhổ ngay lập tức;
- Chỉnh hình răng hàm mặt: Hay còn có tên gọi khác đơn giản hơn là chỉnh nha hay niềng răng. Lúc này, nhổ răng có tác dụng giúp quá trình chỉnh hình dễ dàng hơn, đạt được kết quả nhanh hơn, tốt đẹp hơn;
- Răng bị nứt, vỡ nặng nề, không thể bảo tồn (do chấn thương, tai nạn...);
- Mắc các bệnh lý về răng miệng: như sâu răng mức độ nặng, viêm nha chu...;
- Nhiễm trùng răng: Hóa trị hoặc cấy ghép nội tạng có khả năng làm tổn hại hệ miễn dịch, nhiễm trùng răng. Khi đó, cần nhổ chiếc răng đó nhằm ngăn chặn việc nhiễm trùng diễn ra.
2. Những biến chứng nguy hiểm không thể bỏ qua sau khi nhổ răng
Nhổ răng có tác động không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, bạn không nên chủ quan trước những vấn đề thường gặp dưới đây:
2.1. Chảy máu sau khi nhổ răng
Răng gắn liền với các mạch máu và dây thần kinh. Trong khi đó, hành động nhổ răng trực tiếp tác động lên những vùng nhạy cảm này. Vì vậy, chảy máu sau khi nhổ bỏ răng là điều rất bình thường, đặc biệt khi nhổ răng khôn. Bệnh nhân chỉ cần cắn chặt bông gòn trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là máu sẽ ngừng chảy.
Ngoài ra, rỉ một chút máu trong vòng 24 giờ tiếp theo cũng không phải là một vấn đề đáng ngại. Nếu người bệnh cắn chặt bông gòn nhưng vẫn chảy máu nhiều, không có dấu hiệu dừng lại mới là triệu chứng bất thường.
Bên cạnh đó, nếu đang điều trị bệnh bằng thuốc chống đông máu như Aspirin, Clopidogrel, Warfarin, người bệnh cần ngưng sử dụng trước khi nhổ răng 3-4 ngày.
2.2. Nhổ răng xong bị đau nhức
Tương tự như chảy máu, sưng đau là điều không thể tránh khỏi sau khi nhổ răng. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sử dụng thuốc tê nên bệnh nhân đa phần không cảm nhận được gì. Dẫu vậy, người bệnh sẽ thấy đau khi thuốc tê hết tác dụng và cơn đau sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày.
Để giảm thiểu tình trạng này, thông thường các bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau với tác dụng phụ không đáng kể. Nếu cảm giác đau diễn ra nhiều hơn 3 ngày và có dấu hiệu tăng dần, bệnh nhân cần tái khám để được chẩn đoán và tư vấn chi tiết.
2.3. Lệch khớp cắn
Khi một chiếc răng vĩnh viễn bị nhổ bỏ hoàn toàn, nó sẽ tạo ra một lỗ trống trong hàm răng. Đương nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến những chiếc răng xung quanh. Lâu ngày, răng bị xê dịch, khớp cắn thay đổi. Cách phát âm, chức năng nhai hay yếu tố thẩm mỹ cũng không được đảm bảo. Trong trường hợp này, các bác sĩ thường gợi ý trồng răng giả để giữ khớp cắn không bị lệch.
2.4. Viêm huyệt ổ răng
Còn được gọi là viêm ổ răng khô, là tình trạng đau từ trong xương. Nó phổ biến ở những người hút thuốc, uống thuốc tránh thai hay khi nhổ răng khôn. Cơn đau bắt đầu từ ngày thứ 2 sau khi nhổ răng, có thể kéo dài trong nhiều ngày đến nhiều tuần.
Điều trị viêm huyệt ổ răng chủ yếu với mục đích làm giảm các triệu chứng. Một số biện pháp có thể tham khảo bao gồm: dùng thuốc giảm đau theo đơn thuốc của bác sĩ, uống nhiều nước, súc miệng với nước muối ấm và đánh răng một cách nhẹ nhàng.
2.5. Viêm xương tủy hàm
Viêm xương tủy hàm có các biểu hiện như sưng tấy, sốt, đau kéo dài đến 1 tháng. Đôi khi, nó cũng bị nhầm lẫn với viêm ổ răng khô. Tuy nhiên, viêm xương tủy hàm đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân khi điều trị trong thời gian dài.
3. Nhổ răng xong nên làm gì?
Khi quá trình nhổ răng đã được thực hiện thành công, việc bệnh nhân cần làm là nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe răng miệng theo tư vấn của bác sĩ. Sau đây là một số lưu ý bệnh nhân cần lưu tâm để nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường:
- Ăn thực phẩm dạng lỏng, mềm. Tránh các loại thực phẩm dai, cứng, gây khó khăn cho việc nhai nuốt thức ăn;
- Không hút thuốc, nhai kẹo cao su trong vòng 24 giờ kế tiếp;
- Không súc miệng trong 6 giờ đầu tiên, những ngày tiếp theo có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý nhẹ nhàng;
- Tránh hoạt động thể lực mạnh, đòi hỏi nhiều sức lực như tập thể dục, bê vác vật nặng...;
- Chú ý vệ sinh răng miệng hàng ngày, có thể đánh răng như bình thường, tránh chạm vào phần nhổ răng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.