Các ứng dụng của chụp CT, MRI

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại được ứng dụng phổ biến trên lâm sàng để phát hiện nhiều bệnh lý. Cùng tìm hiểu ứng dụng của chụp CT và chụp MRI qua bài viết sau.

1. Ứng dụng của chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi là chụp CT, là kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng nhằm phát hiện các bệnh lý từ phần đầu, sọ não, mặt, cổ, ngực, tim, vùng bụng, vùng chậu, xương, mô mềm đến các bệnh lý về mạch máu não, cổ, mạch máu chi và các mạch máu tạng khác.

Chụp CT cũng được ứng dụng trong hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi hậu phẫu. Bên cạnh đó, kỹ thuật chụp CT 3D còn cho phép đánh giá chính xác vị trí thương tổn trong không gian 3 chiều, từ đó giúp định hướng tốt cho phẫu thuật cũng như xạ trị. Chụp CT còn được áp dụng để tái tạo hình ảnh không gian 3 chiều trong các bệnh lý bất thường bẩm sinh, giúp các nhà phẫu thuật tạo hình chỉnh sửa những dị tật bẩm sinh tốt hơn.

Các trường hợp ứng dụng phương pháp chụp CT cụ thể như sau:

1.1. Chụp CT sọ não

Chụp CT sọ não được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Chấn thương vùng sọ não, chấn thương vùng đầu mặt và đa chấn thương;
  • Tai biến mạch máu não thoáng qua hoặc tai biến mạch máu não có dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt nửa người, liệt mặt, thất ngôn,...;
  • Co giật, động kinh, chóng mặt, đau nửa đầu;
  • Chứng tăng áp lực nội sọ với các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, nhìn không rõ,...;
  • Các bệnh lý về não như viêm màng não, viêm não, áp xe não, lao não, lao màng não, sa sút trí tuệ...

1.2. Chụp CT đầu mặt cổ

Chụp CT đầu mặt cổ được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Chấn thương vùng đầu, mặt, cổ;
  • Có khối u ở vùng đầu, mặt, cổ;
  • Viêm hoặc áp xe mô mềm ở vùng cổ;
  • Bệnh lý về xoang, hốc mũi;
  • Có dị vật ở đường ăn và đường hô hấp.

1.3. Chụp CT cột sống

Chụp CT cột sống cổ được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Bị chấn thương cột sống, đa chấn thương, trong đó nghi ngờ có chấn thương cột sống;
  • Các bệnh lý về xương như u xương lành tính hoặc ác tính, di căn xương;
  • Các bệnh nhiễm trùng như hội chứng chèn ép tủy sống, lao cột sống, áp xe mô mềm cạnh sống;
  • Dị tật cột sống bẩm sinh như gù, vẹo cột sống, bất sản đốt sống hay dính đốt sống;
  • Bệnh lý vôi hóa dây chằng dọc trước hoặc dọc sau.

1.4. Chụp CT phổi và lồng ngực

Chụp CT phổi được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Bệnh lý khối u phổi: xác định số lượng, kích thước và tính chất của khối u; đánh giá sự xâm lấn và di căn của khối u;
  • Bệnh lý về phế quản và phổi như giãn phế quản hay viêm tiểu phế quản cấp, phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Bệnh lý về nhiễm trùng phổi như viêm phổi, lao phổi, áp xe phổi, nấm phổi;
  • Bệnh lý về màng phổi như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, khối u màng phổi, ổ cặn màng phổi;
  • Các bệnh lý khác về phổi như bụi phổi, phổi kẽ, bất thường phổi bẩm sinh, phổi biệt lập, ho ra máu kéo dài,...

Chụp CT lồng ngực được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Bệnh lý về trung thất như khối u trung thất, u tuyến ức, tuyến giáp thòng, kén màng phổi, kén màng tim, hạch trung thất;
  • Bệnh lý về mạch máu như phình bóc tách động mạch, bất thường mạch máu bẩm sinh, thuyên tắc động mạch phổi;
  • Bệnh lý về xương thành ngực như xương sườn, xương ức, sụn sườn, đốt sống ngực;
  • Chấn thương hoặc nghi ngờ chấn thương ở ngực.

1.5. Chụp CT bụng chậu

Chụp CT bụng chậu được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Bệnh lý về gan và đường mật như u gan lành tính, u gan ác tính, chấn thương gan, viêm gan, áp xe gan, xơ gan, nhiễm ký sinh trùng gan, ung thư đường mật, sỏi mật,...;
  • Bệnh lý về tụy, lách và thượng thận như có khối u, viêm nhiễm, di căn, chấn thương;
  • Bệnh lý về thận và tiết niệu như sỏi, khối u, viêm nhiễm trùng, chấn thương;
  • Bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm ruột, tắc ruột, xoắn ruột, viêm ruột thừa, lao, u đại tràng...;
  • Bệnh lý về tử cung, buồng trứng và tiền liệt tuyến.

1.6. Chụp CT xương khớp

Chụp CT xương khớp được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Chấn thương xương;
  • Bệnh lý về xương như viêm xương, lao xương, u xương, di căn xương;
  • Bất thường bẩm sinh ở xương.

Chụp CT cũng được ứng dụng trong hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi hậu phẫu
Chụp CT cũng được ứng dụng trong hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị, theo dõi hậu phẫu

2. Ứng dụng của chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ hay còn gọi là MRI (Magnetic Resonance Imaging) là kỹ thuật chẩn đoán y khoa sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể. Phương pháp này không sử dụng tia X, do đó an toàn đối với người bệnh.

Chụp cộng hưởng từ có thể cho thấy hình ảnh các bộ phận cơ thể người từ nhiều góc độ khác nhau với nhiều lớp cắt trong khoảng một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chụp MRI còn tạo ra những hình ảnh 3 chiều, giúp các bác sĩ có thể nắm được thông tin về vị trí thương tổn.

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, hiệu quả và phổ biến. Với đặc điểm nhanh, gọn và không gây ảnh hưởng phụ, chụp MRI giúp kiểm tra gần như mọi cơ quan bên trong cơ thể, đặc biệt kỹ thuật này có giá trị cao trong việc tạo hình ảnh chi tiết về não và dây cột sống, giúp ích cho việc chuẩn bị trước phẫu thuật, ví dụ như tiểu phẫu não.

Các trường hợp ứng dụng chụp MRI cụ thể như sau:

2.1. Chụp MRI đầu

Chụp MRI đầu được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Nghi ngờ có tổn thương u;
  • Xuất huyết, nhồi máu;
  • Bệnh lý viêm nhiễm;
  • Dị dạng động mạch;
  • Bệnh lý chất trắng, thoái hóa myelin.

2.2. Chụp MRI cột sống

Chụp MRI cột sống được chỉ định với các trường hợp sau:

  • Lao cột sống, viêm nhiễm cột sống;
  • Khối u cột sống;
  • Thoái hóa cột sống, xơ cứng cột sống;
  • Chèn ép thần kinh, tổn thương các mô mềm lân cận.

2.3. Chụp MRI cơ, xương khớp

Chụp MRI cơ, xương khớp được chỉ định với trường hợp cần đánh giá các tổn thương như: u, xâm lấn viêm nhiễm, lao xương, hoại tử, mạch máu khu trú, dây chằng.

2.4. Chụp MRI gan, tụy, lách

Chụp MRI gan, tụy, lách được chỉ định để đánh giá các tổn thương như chấn thương, viêm, u, huyết khối, xâm lấn...

2.5. Chụp MRI thận

Chụp MRI thận được chỉ định để đánh giá các u xâm lấn mạch máu, các trường hợp chống chỉ định tiêm thuốc cản quang có thành phần là iod.

2.6 Chụp MRI mạch máu

Chụp MRI mạch máu được sử dụng trong một số trường hợp không tiêm thuốc cản quang, bệnh lý mạch máu não.

2.7 Chụp MRI tim

Chụp MRI tim được chỉ định để đánh giá tình trạng ứ sắt trong cơ tim.


Chụp MRI tim được chỉ định để đánh giá tình trạng ứ sắt trong cơ tim
Chụp MRI tim được chỉ định để đánh giá tình trạng ứ sắt trong cơ tim

Chụp CT và MRI là hai kỹ thuật hiện đại cho phép chẩn đoán nhiều bệnh lý, tổn thương phức tạp trong cơ thể. Hai kỹ thuật này đều được ứng dụng rất hiệu quả tại các cơ sở y tế thuộc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Vinmec có sự đầu tư về trình độ, kỹ năng chụp của đội ngũ y bác sĩ cũng như trang thiết bị chụp MRI và CT, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho việc chẩn đoán và điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chụp phù hợp và an toàn nhất cho thể trạng bệnh nhân khi đến thăm khám tại Vinmec.

BSCK I Võ Công Hiền đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong siêu âm chẩn đoán các bệnh lý bụng tổng quát, tim - mạch máu nâng cao, sản phụ khoa. Bác sĩ Võ Công Hiền từng có thời gian công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại Học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai trước khi làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Nha Trang.

Để được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến quy trình khám chữa bệnh tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe