Đứt dây chằng đầu gối là một chấn thương thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Để chẩn đoán chính xác cũng như mức độ chấn thương, bác sĩ thường chỉ định chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối. Đây là phương pháp hiệu quả, đánh giá chính xác tình trạng tổn thương hơn so với các phương pháp chụp x-quang, chụp CT.
1. Nguyên nhân gây đứt dây chằng đầu gối
Dây chằng đầu gối có chức năng nối hai hoặc nhiều xương xung quanh khớp xương. Thông thường có bốn loại tổn thương đứt dây chằng phổ biến là đứt dây chằng chéo trước, chéo sau, đứt hai bên dây chằng và đứt dây chằng giữa gối.
Nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng chủ yếu là các chấn thương gập đầu gối hoặc ngã theo tư thế chống chân trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc trong sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra các trường hợp đứt dây chằng có thể xảy ra trong tập luyện, chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, tennis, trong quá trình tập võ, tập thể dục với cường độ quá mạnh...
2. Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng đầu gối
Các dấu hiệu sau sẽ phần nào cảnh báo cho người bệnh về tình trạng chấn thương, việc nhận biết được tình trạng đứt dây chằng đầu gối sớm sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện điều trị:
Bệnh nhân có các biểu hiện sưng và đau đầu gối, mức độ nặng nhẹ sẽ tùy vào tổn thương dây chằng có nghiêm trọng hay không. Thông thường các dây chằng khi bị xé rách hoàn toàn sẽ làm đau đớn và sưng to trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Người bệnh sẽ cảm nhận thấy đầu gối của mình không được chắc chắn, lỏng lẻo hơn, gây khó khăn cho quá trình di chuyển và cảm giác chân đi không thật.
Tình trạng đứt dây chằng lâu ngày không điều trị có thể dẫn đến hiện tượng teo cơ, phần đùi bên chấn thương sẽ nhỏ hơn vì lý do người bệnh ít hoạt động bên khớp gối bị đau.
3. Các trường hợp chỉ định chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối
Chụp cộng hưởng từ sử dụng trong chẩn đoán phát hiện đứt dây chằng đầu gối được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất vì đây là phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả và cho kết quả nhanh chóng. Các trường hợp sau đây thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán, phát hiện đứt dây chằng đầu gối:
- Chấn thương, tai nạn trong khi lao động, sinh hoạt, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi các môn thể thao như đá bóng, tennis, bóng rổ... có các hiện tượng sưng đầu gối, đau nhức dữ dội
- Khi tác động vào gối nghe thấy các tiếng lách tách
- Xuất hiện các triệu chứng bất thường ở đầu gối như đau đớn, sưng tấy, tím tái hoặc chảy máu
- Phát hiện các tổn thương do đứt dây chằng đầu gối mà chụp x-quang, chụp CT không thấy được
- Các trường hợp gãy xương, dị tật xương bánh chè
- Theo dõi các trường hợp sau phẫu thuật khớp và dây chằng đầu gối.
4. Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối
Hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra các tác dụng phụ của việc chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối, tuy nhiên bệnh nhân thực hiện chụp MRI nên lưu ý thông báo cho bác sĩ những vấn đề như sau:
- Bệnh nhân từng cấy van tim nhân tạo, đặt stent mạch vành, kẹp mạch vành
- Bệnh nhân có các hội chứng sợ nơi chật hẹp, hội chứng sợ lồng kính
- Cơ thể có chứa mảnh đạn, nẹp vít trong phẫu thuật xương, răng giả, niềng răng, chỏm xương nhân tạo...
- Người bệnh có sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da (với bệnh nhân điều trị đái tháo đường)...
- Bệnh nhân có tiền sử tâm thần, người bệnh béo phì quá cỡ, trẻ em quá hiếu động...
- Người bệnh làm việc và lao động trong môi trường khai thác và sản xuất kim loại...
Ngoài ra, bệnh nhân trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối nên lưu ý chuẩn bị những điều sau trước khi tiến hành chụp MRI:
- Nên mang theo hồ sơ bệnh án cũ, các kết quả khám gần nhất để bác sĩ có thể tư vấn thêm
- Phụ nữ mang thai đặc biệt là dưới 12 tuần tuổi cần thông báo cho bác sĩ và chỉ thực hiện khi có chỉ định chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối từ bác sĩ chuyên khoa
- Không mang theo những vật dụng kim loại, các thiết bị điện từ trong quá trình chụp cộng hưởng từ đứt dây chằng đầu gối vì những vật này có thể làm sai lệch hình ảnh hoặc mất dữ liệu khi chụp.
5. Điều trị đứt dây chằng đầu gối như thế nào?
Điều trị bảo tồn: Phương pháp này được áp dụng đối với những nhóm đối tượng như bệnh nhân đứt không hoàn toàn, khớp gối còn vững, người cao tuổi đứt dây chằng chéo trước, trẻ em đứt dây chằng chéo trước còn sụn tăng trưởng. Bệnh nhân sau khi được sơ cứu theo phương pháp RICE sẽ được chỉ định nghỉ ngơi, chườm lạnh, kê chân cao, băng gối, sử dụng thuốc giảm đau, hạn chế vận động và tập vật lý trị liệu.
Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng đứt dây chằng đầu gối, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất đối với bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị đứt dây chằng hiện nay bao gồm:
Điều trị bảo tồn: Phương pháp này được áp dụng đối với những nhóm đối tượng như bệnh nhân đứt không hoàn toàn, khớp gối còn vững, người cao tuổi đứt dây chằng chéo trước, trẻ em đứt dây chằng chéo trước còn sụn tăng trưởng. Bệnh nhân sau khi được sơ cứu theo phương pháp RICE sẽ được chỉ định nghỉ ngơi, chườm lạnh, kê chân cao, băng gối, sử dụng thuốc giảm đau, hạn chế vận động và tập vật lý trị liệu.
Điều trị phẫu thuật: Thường được chỉ định đối với các chấn thương đứt dây chằng đặc biệt nghiêm trọng. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu khoảng 4 tuần sau mổ và đeo đai gối hỗ trợ cho việc hồi phục nhanh hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.