Xơ gan là một bệnh lý nguy hiểm, đây là kết quả của nhiều yếu tố gây tổn thương gan gây ra. Khi xơ gan ở giai đoạn cuối nghĩa là gan không còn đảm nhiệm được chức năng trong cơ thể và khi đó có thể gây ra hàng loạt các dấu hiệu bệnh lý.
1. Thế nào xơ gan giai đoạn cuối là gì?
Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa ở gan có thể do nhiều tác nhân khác nhau gây ra như viêm gan virus, nghiện rượu mãn tính, nhiễm độc gan do dùng thuốc. Khi gần bị tổn thương bởi một tác nhân nào đó thì gan sẽ cố gắng tự phục hồi, nhưng quá trình phục hồi này sẽ hình thành các mô sẹo, tổn thương ở gan càng kéo dài, càng nhiều mô sẹo được hình thành.
Mô sẹo xơ hóa sẽ làm cản trở hoạt động bình thường của gan, ngăn chặn dòng chảy của máu qua gan và làm chậm quá trình xử lý các chất dinh dưỡng, thuốc, các hormon và chất độc tại gan. Nó cũng làm giảm sản xuất protein và các chất khác do gan tạo ra.
Thời gian đầu khi hình thành mô sẹo gan vẫn còn khả năng tái tạo và bù trừ để đáp ứng hoạt động trong cơ thể, nên ít gây biểu hiện rõ ràng. Khi xơ gan ở giai đoạn cuối nghĩa là tổn thương mô sẹo chiếm đại đa số kích thước của gan, thì lúc này gan không còn khả năng bù trừ có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng rất rõ ràng và khiến sức khỏe suy giảm, thậm chí đe doạ tính mạng.
2. Các triệu chứng xơ gan giai đoạn cuối
Khi bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối hay giai đoạn nặng thì các biểu hiện lâm sàng rất điển hình. Một vài triệu chứng điển hình có thể gặp như:
- Vàng da, vàng mắt: Gần mất chức năng chuyển hóa bilirubin tự do thành dạng liên hợp, gây tăng nồng độ bilirubin tự do trong máu, chất này ngấm vào mô mỡ dưới da và điều này đã làm mắt, móng tay, da bị vàng. Thậm chí với những bệnh nhân bị nặng, sẽ bị vàng da toàn thân.
- Đau vùng gan: Bệnh nhân thường xuất hiện đau nhiều hay đau âm ỉ vùng hạ sườn phải.
- Dấu hiệu não gan: Ở giai đoạn cuối, gan gần như mất hoàn toàn chức năng, đặc biệt là quá trình đào thải chất độc. Điều này khiến các độc tố bị tích tụ lại ngày càng nhiều, gây ra tình trạng hôn mê do nhiễm các chất độc trong cơ thể.
- Hội chứng gan – thận (HRS): Bệnh nhân xơ gan cổ trướng có thể gây ra tình trạng suy thận chức năng với các biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lách to, teo cơ, rung giật cơ, dấu sao mạch trên ngực và thiểu niệu. Nếu như gặp các biểu hiện này cần điều trị nhanh chóng vì không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tử vong.
- Phù và cổ trướng: Đây là triệu chứng điển hình của xơ gan giai đoạn cuối. Khi xơ gan giai đoạn cuối, bạn có thể gặp phải tình trạng giảm Albumin nên gây ra phù hay tràn dịch đa màng. Có đến 85% tổng số người mắc bệnh bị tràn dịch ổ bụng (cổ trướng).
- Xuất huyết tiêu hóa: Khi gan bị xơ hóa, dòng máu quá gần bị cản trở, gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa và tăng áp lực tĩnh mạch thực quản. Điều này có thể gây giãn vỡ các tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hoá trên.
- Chảy máu bất thường: Ngoài tình trạng xuất huyết tiêu hoá thì bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, rong kinh, rong huyết... Những triệu chứng này xuất hiện khi gan giảm tổng hợp các yếu tố đông máu.
- Dấu hiệu bàn tay son: Lòng bàn tay của người xơ gan có thể đỏ hơn bình thường, gọi là dấu hiệu bàn tay son. Điều này có thể do sự tích tụ hormon sinh dục gây ra.
- Dấu hiệu khác: Sụt cân nhanh trong một thời gian ngắn. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, người xanh xao, uể oải, hay bị hoa mắt chóng mặt; Đôi khi có thể sốt nhẹ, gây rối loạn tiêu hóa, đại tiện phân trắng, lú lẫn, thay đổi tính tình...
3. Cách điều trị xơ gan giai đoạn cuối
Xơ gan giai đoạn cuối là tình trạng nặng và việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Một số biện pháp điều trị xơ gan giai đoạn cuối bảo gồm:
3.1 Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý
Những người mắc xơ gan giai đoạn cuối cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Chế độ ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng, các chất như: chất béo, đường, đạm, rau xanh.
- Không ăn nhiều đồ cay nóng; Hạn chế ăn đồ chiên rán, đồ có nhiều dầu mỡ.
- Không được ăn mặn quá, lượng natri mỗi ngày được hấp thụ vào cơ thể chỉ khoảng 2,5g.
- Hạn chế việc sử dụng thức ăn sẵn, thức ăn đóng hộp chứa nhiều muối và bột ngọt.
- Mỗi ngày nên uống 1,5 lít nước, không nên uống quá nhiều.
- Vận động, tập thể dục phù hợp với sức khỏe.
3.2 Điều trị các dấu hiệu do xơ gan gây ra
- Cổ trướng và phù: Chế độ ăn ít natri và sử dụng các loại thuốc có tác dụng lợi tiểu, truyền albumin... Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cần thực hiện các thủ thuật chọc hút để dẫn lưu dịch ổ bụng hoặc giảm áp lực tĩnh mạch cửa bằng kỹ thuật thông nối tĩnh mạch cửa của gan và tĩnh mạch chủ trên.
- Tăng áp tĩnh mạch cửa: Sử dụng một số loại thuốc huyết áp nhất định có thể kiểm soát tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa và giúp ngăn ngừa xuất huyết tiêu hóa.
- Nhiễm trùng: Người bệnh xơ gan có nguy cơ nhiễm trùng nên có thể được cho dùng thuốc kháng sinh hoặc chỉ định các phương pháp điều trị nhiễm trùng khác phù hợp tình trạng bệnh.
- Bệnh não gan: Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn có tác dụng giảm tình trạng tích tụ chất độc trong máu do chức năng gan kém.
- Các triệu chứng khác: Kết hợp thêm các biện pháp điều trị hỗ trợ khác khi cần để điều trị dấu hiệu bệnh khác.
3.3 Phẫu thuật ghép gan
Trong những trường hợp xơ gan mà nhận thấy tiến triển khiến gan mất khả năng hoạt động, ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất của người bệnh để kéo dài sự sống. Đây là việc thay thế lá gan hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.
Do gan có khả năng bù trừ tốt nên thường các dấu hiệu xơ gan giai đoạn sớm khó nhận biết. Còn khi ở giai đoạn cuối thì khá điển hình. Điều trị xơ gan ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả cao, kéo dài thời gian sống của người bệnh. Do đó, việc kiểm tra định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.