Rối loạn lo âu là tình trạng căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Có rất nhiều dạng rối loạn lo âu nhưng nhìn chung thì biểu hiện của rối loạn lo âu giai đoạn nặng là hoảng sợ và lo lắng quá mức.
1. Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là một rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác lo sợ, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, toát mồ hôi, hồi hộp, cảm giác đau thắt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên. Cần phân biệt giữa lo âu bình thường trong đời sống và lo âu do bệnh lý:
- Lo âu thông thường: Tình trạng này xảy ra khi có một sự việc nào đó khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bồn chồn; và cảm giác này thường mất đi khi sự việc đã được giải quyết
- Lo âu bệnh lý: Thường không xuất phát từ một nguyên nhân cụ thể nào. Triệu chứng khó chịu, căng thẳng kéo dài và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân.
2. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu là gì?
Hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu, nhưng có một số yếu tố nguy cơ thường gặp dẫn tới tình trạng này, cụ thể như sau:
- Do yếu tố môi trường, xã hội: Áp lực cuộc sống chính là nguyên nhân thường gặp ở hầu hết các đối tượng. Mỗi bệnh nhân sẽ có áp lực riêng, ví dụ như áp lực gia đình; áp lực công việc; sinh viên, học sinh áp lực với việc học tập, thi cử...Các áp lực trên sẽ dẫn tới stress và nếu không được chữa trị hợp lý rất dẫn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu.
- Liên quan đến gen di truyền: Rối loạn lo âu cũng có thể liên quan tới yếu tố di truyền. Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng, cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh về tâm lý thì con cái sẽ có nguy cao cơ gặp phải bệnh lý này.
- Yếu tố tâm lý: Một số bệnh nhân rối loạn lo âu có tiền sử sang chấn tâm lý do bị lạm dụng, bị ngược đãi. Những bệnh nhân phải sống trong môi trường không thuận lợi cho sự phát triển cảm xúc, phát triển nhận thức là đối tượng có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu.
3. Các loại rối loạn lo âu thường gặp
Rối loạn lo âu rất đa dạng, đó có thể là rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn lo âu xã hội hay các rối loạn lo âu tách biệt. Dưới đây là một số loại rối loạn lo âu thường gặp:
- Rối loạn lo âu lan tỏa (hay còn gọi là rối loạn lo âu toàn thể): Đây là tình trạng lo lắng quá mức, dai dẳng và khó kiểm soát nhưng không phụ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh đặc biệt nào. Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa gồm lo lắng quá mức về một số sự kiện và hoạt động, kèm theo một số các triệu chứng như căng thẳng cơ, bực bội, khó ngủ, bứt rứt, khó chịu.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Các ám ảnh thường gặp là ý nghĩ lặp đi lặp lại về việc bị lây bệnh, nhu cầu sắp xếp đồ đạc theo thứ tự, nghi ngờ điều gì đó....Cưỡng chế là các hành vi lặp đi lặp lại. Bệnh nhân mắc dạng rối loạn này thường có những suy nghĩ ám ảnh và hành vi lặp đi lặp lại không thể kiểm soát, ví dụ như hành vi rửa tay liên tục, lau dọn đồ đạc liên tục vì sợ vi khuẩn, vi trùng...Các ám ảnh cưỡng chế chiếm nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và nghề nghiệp của người bệnh.
- Rối loạn hoảng loạn: Triệu chứng điển hình là những cơn hoảng sợ. Cơn hoảng sợ thường ngắn và đột ngột, gây ra các phản ứng dữ dội ở cơ thể như khó thở, đau tim, tim đập nhanh, choáng váng, đau ngực...Người bệnh có xu hướng tránh xa những nơi có thể gây ra cơn hoảng sợ. Trong một số trường hợp, nỗi hoảng sợ lấn át và chi phối người bệnh, khiến họ cố thủ trong nhà, hạn chế giao tiếp.
- Ám ảnh sợ đặc hiệu: Đây là nỗi sợ hãi quá mức đối với một con vật, đồ vật, hiện tượng hoặc tình huống ít gây nguy hiểm nhưng lại gây ra phản ứng tâm lý và thể chất dữ dội. Những nỗi sợ này đôi khi xuất hiện một cách khá phi lý. Các ám ảnh sợ đặc hiệu sẽ khác nhau ở từng người, một số ám ảnh phổ biến như sợ động vật (sợ nhện, sợ động vật thân mềm, sợ chó, sợ mèo...), sợ độ cao, sợ tiếng động lớn, sợ sấm sét, sợ bóng tối,...
- Nỗi ám ảnh xã hội (Rối loạn lo âu xã hội): Đây là loại rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức trong các tình huống xã hội hàng ngày. Biểu hiện của chứng rối loạn lo âu là lo sợ bị xấu hổ hoặc bị bẽ mặt nếu họ không đáp ứng được mong đợi. Ví dụ như sợ ánh đèn sân khấu, sợ nói trước đám đông, sợ gặp gỡ người lạ,...
4. Triệu chứng nặng của rối loạn lo âu là gì?
Mỗi dạng rối loạn lo âu sẽ có những triệu chứng riêng. Thông thường, các dấu hiệu của rối loạn lo âu giai đoạn nặng bao gồm:
- Có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn kèm theo những biểu hiện như tim nhanh, đánh trống ngực, cảm giác khó thở, đau ngực,...
- Cảm thấy chán nản, lo lắng quá mức, không muốn làm bất cứ điều gì
- Một số bệnh nhân có xu hướng sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích
- Người mắc lo âu giai đoạn nặng thường khó đi vào giấc ngủ hoặc không duy trì được giấc ngủ, kèm theo cảm giác không yên hoặc ngủ không thoải mái
- Bồn chồn, khó đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ
- Giảm khả năng tập trung, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng
- Khó giữ bình tĩnh
- Những bệnh nhân rối loạn lo âu thường có cảm giác khó chịu vùng dạ dày, đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy hoặc các khó chịu khác của hệ tiêu hóa.
- Đau cơ, căng cơ: Đây cũng là một phản ứng của cơ thể để đối phó với stress. Có nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu than phiền rằng có cảm giác đau căng vùng cổ, vai, gáy, cảm giác hơi cứng hàm, đau đầu.
- Đôi khi một số bệnh nhân có thể xuất hiện suy nghĩ hoặc hành vi tự tử
Tóm lại, rối loạn lo âu giai đoạn nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Bệnh nhân tốt nhất nên tới cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu cảnh báo rối loạn lo âu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.